Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Câu lạc bộ Điếp Sli Then lan tỏa tình yêu dân ca Xứ Lạng

Thúy Hồng-Tuyết Mai - 12:43, 23/03/2021

Bằng những cách làm hay, sáng tạo, thời gian qua, Câu lạc bộ (CLB) Điếp Sli Then, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn đã bảo tồn và phát huy được nhiều giá trị đặc sắc của các làn điệu dân ca Xứ Lạng; trở thành điểm sáng của Hội Bảo tồn dân ca tỉnh trong việc lan tỏa tình yêu dân ca trong cộng đồng...

Các thành viên CLB Điếp Sli Then biểu diễn tại Lễ Hội Hán Pỉnh, năm 2020.
Các thành viên CLB Điếp Sli Then biểu diễn tại Lễ Hội Háng Pỉnh, năm 2020.

CLB Điếp Sli Then được thành lập ngày 28/8/2017, thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc. Những ngày đầu thành lập, CLB mới chỉ có 18 hội viên, các hội viên của CLB đa dạng về độ tuổi, cao tuổi nhất là hơn 50 và nhỏ tuổi nhất là 8 tuổi.

Nghệ nhân Ưu tú Hà Mai Ven, Chủ nhiệm và cũng là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng CLB chia sẻ với chúng tôi: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã rất yêu và quý những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Tình yêu dân ca trong tôi cứ thế lớn dần theo năm tháng, vì thế luôn thôi thúc phải làm gì đó để bảo tồn những làn điệu dân ca này".

Để thành lập CLB, Nghệ nhân Ưu tú Hà Mai Ven đã tập hợp những người cùng chung niềm đam mê yêu dân ca trước đó từ nhiều năm, những thành viên trẻ hoàn toàn chưa biết đàn, hát Sli, Then và Nghệ nhân Mai Ven trực tiếp truyền dạy miễn phí.

Những ngày đầu thành lập, CLB gặp rất nhiều khó khăn,  bởi những thành viên trong CLB còn rất trẻ, nhất là 7 bé trong CLB độ tuổi từ 8 - 10 tuổi không hề biết nói tiếng dân tộc… Đặc biệt là, việc thống nhất thời gian tập luyện thường gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên với tình yêu hát sli, hát then, các thành viên CLB đã từng bước khắc phục.

Chị Phùng Thị Sen, thành viên CLB cho biết: Mặc dù là lao động chính trong gia đình, chị rất bận việc, nhưng từ khi tham gia CLB, được học những làn điệu hát sli, hát then của dân tộc mình nên chị luôn cố gắng thu xếp công việc để không vắng mặt buổi sinh hoạt nào.

Qua 4 năm hoạt động, số hội viên CLB tăng từ 18 lên đến 24 người. Trong đó, có 13 hội viên ở độ tuổi từ 10 -14, vì thế ngoài các lớp truyền dạy cho hội viên lớn vào các buổi tối, CLB còn mở thêm lớp học hát dân ca cho các hội viên nhỏ tuổi vào các ngày cuối tuần. Đây là hoạt động rất thiết thực nhằm truyền ngọn lửa yêu văn hoá truyền thống cho thế hệ trẻ.

Điều phấn khởi khác là, CLB luôn có mặt trong nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh như: Lễ hội Hoa đào; Tuần lễ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Du lịch qua những miền Di sản Việt Bắc... Năm 2019, tiết mục “Đồng giao” do Nghệ nhân Ưu tú Hà Mai Ven hướng dẫn các thành viên nhỏ tuổi của CLB luyện tập đạt Huy chương Vàng trong chương trình “Em yêu quê hương đất nước” do Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức.

Nghệ nhân Ưu tú Hà Mai Ven, Chủ nhiệm CLB Điếp Sli Then hướng dẫn các hội viên nhỏ tuổi đàn, hát.
Nghệ nhân Ưu tú Hà Mai Ven, Chủ nhiệm CLB Điếp Sli Then hướng dẫn các hội viên nhỏ tuổi đàn, hát.

Song song với việc tổ chức giảng dạy, Ban Chủ nhiệm CLB còn thường xuyên tìm gặp các nghệ nhân gạo cội để sưu tầm, nghiên cứu và chỉnh biên các làn điệu sli, then cổ thành các tiết mục biểu diễn trên sân khấu, được các nhà chuyên môn đánh giá cao như: Tiết mục sli cổ “Hát sli 12 tháng”, hay tiết mục Then cổ “Phoọc mạ hèn khau khác khau vai”, hay những bài đồng giao như: Đao đí ới đao đăm (sao hôm ơi sao mai); Phạ ới đét, phạ ới phân (trời ơi nắng, trời ơi mưa);…

Ông Hoàng Huy Ấm, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn Dân ca tỉnh Lạng Sơn nhìn nhận: “Điếp Sli Then là một trong những CLB tiêu biểu bảo tồn, gìn giữ cũng như phát huy các làn điệu dân ca của các dân tộc trong tỉnh. Đây cũng là CLB có nhiều thành viên trẻ tuổi nhất nên họ nổi lên như một làn gió mới trong việc lan tỏa tình yêu dân ca trong cộng đồng".

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.