Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Cầu Pà Mùn kết nối tình đoàn kết

Khánh Ngân - 11:28, 01/08/2021

Dòng Pà Mùn hung dữ mỗi độ lũ về, người Chứt ở bản Ón, Yên Hợp và bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) chỉ biết bó gối nhìn ra. Bao đời nay vẫn mơ có một chiếc cầu, giờ đây người bản Ón đã thấy, không còn xa nữa, cầu Pà Mùn sẽ hoàn thành, tăng tình đoàn kết, yêu thương, nối bờ vui vượt lũ!

Hiện nay cầu treo bản Ón đang thi công 2 mố cầu
Hiện nay cầu treo bản Ón đang thi công 2 mố cầu

Sông Pà Mùn nó “bó cái khôn”

Trên con đường độc đạo, len lỏi qua những vách đá dựng đứng, qua phà Pà Mùn, chúng tôi vào được với người Chứt ở bản Ón, xã Thượng Hoá. Những câu chuyện buồn trong những ngày bị cô lập, cũng dài như con đường đưa chúng tôi vào bản!

Ở bản Ón, đời sống bà con còn nhiều vất vả, chủ yếu là tự cung tự cấp, mùa mưa bão bị cô lập, đồng bào lại “đói cơm, nhạt muối”. Không chỉ cô lập bản Ón, dòng Pà Mùn còn cô lập thêm 2 bản Yên Hợp và bản Mò O Ồ Ồ. Lúa nước thì có, nhưng không đáng kể, chủ yếu bà con trồng ngô, sắn để lấy cái ăn. Mỗi năm vài trận lụt, lần ít thì 1 tuần, có lần lâu thì cả tháng, cả 3 bản bị cô lập.

Có mặt tại nhà ông Trần Xuân Tư, Trưởng bản Ón khi trời đã đứng bóng, ông Tư tâm sự: “Bản Ón chúng tôi không có đất trồng lúa nước, bà con trồng ngô, sắn để làm cái ăn. Mỗi khi lũ lụt là bị cô lập, có khi đến cả tháng trời không ra ngoài được vì dòng Pà Mùn nước dâng lên. Nhà hảo tâm đã cho chúng tôi cái xuồng để đi lại, nhưng vẫn không đủ, vì có ba bản cùng đi chung con đường này để ra ngoài”.

Rồi ông tiếp câu chuyện dài về đời sống còn nhiều vất vả của bà con, vào trước thời điểm mùa mưa bão, xã đã vận chuyển nhiều tấn gạo vào cấp phát cho bà con ở 3 bản để đề phòng lũ lụt kéo dài. Ngoài ra, xã và huyện còn gửi thêm tại Đồn Biên phòng Cà Xèng (đóng chân tại khu vực này) để cấp phát cho đồng bào trong trường hợp lũ lụt kéo dài, nguồn lương thực trong dân bị cạn kiệt.

Không chỉ bản Ón, mà bản Yên Hợp và bản Mò O Ồ Ồ cũng chung tình trạng chậm phát triển, thiếu lương thực mỗi mùa mưa bão. Bến đò cách trở nên giao thương bên ngoài với 3 bản này gần như không có. Nông sản làm ra không biết bán cho ai, đời sống của đồng bào cũng vì thế mà bế tắc.

Tiềm năng về đất đai thì có, sự hỗ trợ của Nhà nước cũng nhiều, nhưng với 600 nhân khẩu ở bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ vẫn loay hoay với cái đói. Dường như dòng Pà Mùn nó đã “bó cái khôn”, gieo sâu cái nghèo cho bà con dân bản, chưa cho lối thoát!

Mỗi lần đi ra ngoài, người dân ở ba bản Ón, yên Hợp và bản Mò O ồ ồ phải qua đò sông Pà Mùn
Mỗi lần đi ra ngoài, người dân ở 3 bản: Bản Ón, Yên Hợp và bản Mò O Ồ Ồ phải qua đò sông Pà Mùn

Xây cầu mơ ước

Ngày 12/7 vừa qua thực sự là ngày hội của bà con người Chứt ở 3 bản: bản Ón, Yên Hợp và bản Mò O Ồ Ồ, khi Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình làm lễ động thổ xây dựng cầu treo vượt lũ tại bản Ón, bắc qua dòng Pà Mùn.

Biết được những khó khăn của các em học sinh, của bà con đồng bào Chứt ở 3 bản này, trong nhiều năm qua, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã khảo sát và kêu gọi cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đóng góp ngày lương, kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để khởi công, xây dựng công trình cầu treo vượt lũ tại bản Ón.

Công trình cầu treo vượt lũ được thiết kế với chiều dài 35m, rộng 1,5m, đường dẫn hai đầu cầu và hệ thống kè đường dài 120m, dự kiến đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm 2021. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào Chứt ở xã Thượng Hóa, nó không chỉ là vượt lũ, mà còn có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở 3 bản Ón, Yên Hợp và bản Mò O Ồ Ồ. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với đồng bào DTTS.

Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Bình bộc bạch: “Việc xây dựng cầu vượt lũ ở bản Ón, không chỉ dừng lại ở giá trị sử dụng, mà còn lan tỏa sự chia sẻ, đoàn kết, yêu thương trong cuộc sống cộng đồng; giúp đỡ Nhân dân đi lại thuận tiện, ổn định và phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS. Đây còn là công trình chào mừng 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình”

Tin cùng chuyên mục
Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Với việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong bảo đảm, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ DTTTS trong mọi mặt của đời sống xã hội. Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó góp phần chuyển đổi hành vi, quan niệm về bình đẳng giới, giảm khoảng cách và xóa bỏ định kiến về giới trong vùng đồng bào DTTS.