Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Cây bo bo ở vùng biên xứ Nghệ

Hải Thượng - 16:13, 09/09/2024

Bên cạnh việc hỗ trợ, giúp đỡ địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Hợp, Bộ đội Biên phòng Nghệ An còn đặc biệt chú trọng việc giúp Nhân dân khu vực biên giới phát triển kinh tế. Trong đó, Đồn đã phát triển cây bo bo trở thành một mô hình cây trồng nhiều tiềm năng, giúp đồng bào có thu nhập ổn định.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Hợp giúp gia đình ông Vừ Giống Chùa chăm sóc cây bo bo
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Hợp giúp gia đình ông Vừ Giống Chùa chăm sóc cây bo bo

Gia đình ông Vừ Giống Chùa, ở bản Huổi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương là hộ đầu tiên được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Hợp giúp đỡ triển khai mô hình trồng cây bo bo - loại cây sinh trưởng, phát triển nhanh, chống chịu hạn tốt, phù hợp với các loại đất đồi, bạc màu, thiếu nước ở vùng núi.

Đồn đã hỗ trợ gia đình ông Chùa 2 triệu đồng để mua phân bón, hỗ trợ ngày công trồng, tư vấn chăm sóc cây. Sau một năm trồng và chăm sóc, 1ha cây bo bo của gia đình ông Chùa đã thu về 400kg hạt, theo giá thị trường mỗi kg bo bo khô có giá là 20.000 đồng. Nguồn thu từ bán bo bo đã giúp gia đình ông tu sửa nhà cửa, tái đầu tư sản xuất.

Chia sẻ về sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng Tam Hợp, ông Vừ Giống Chùa cho biết: “Không chỉ hỗ trợ tiền, các cán bộ Đồn Biên phòng còn hướng dẫn tỉ mỉ về kỹ thuật trồng và chăm sóc, giúp cây bo bo sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu hoạch với năng suất khá. Bộ đội Biên phòng còn giúp gia đình trồng lúa nước, sửa chữa nhà cửa khang trang. Bây giờ, gia đình chỉ tập trung phát triển kinh tế để sớm thoát khỏi đói nghèo”.

Bản Huổi Sơn, nơi Đồn Biên phòng Tam Hợp triển khai mô hình trồng cây bo bo
Bản Huổi Sơn, nơi Đồn Biên phòng Tam Hợp triển khai mô hình trồng cây bo bo

Xã Tam Hợp, huyện Tương Dương có 5 bản với 531 hộ/2.570 khẩu, thuộc 5 dân tộc sinh sống là Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú, Tày, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới vẫn còn trên 50%. Xác định Nhân dân là sức mạnh, chỗ dựa vững chắc để bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, Đồn Biên phòng Tam Hợp đã chủ động tham mưu, phối hợp với cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, các lực lượng trên địa bàn triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động giúp dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

Theo đó, Đồn đã phân công 21 đảng viên phụ trách 92 hộ gia đình ở khu vực biên giới, chủ động tiếp cận các hộ gia đình để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người dân tích cực phát triển kinh tế bằng mô hình, việc làm cụ thể. Đặc biệt là chuyển đổi phương thức sản xuất từ phát nương làm rẫy sang trồng các loại cây cho năng suất cao, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt để mang lại thu nhập.

Cây bo bo được trồng, chăm sóc và phát triển tốt
Cây bo bo được trồng, chăm sóc và phát triển tốt

Trung tá Ngô Văn Thiện, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Hợp cho biết: “Trong các mô hình đơn vị đang triển khai giúp dân, mô hình trồng cây bo bo dưới tán rừng đang phát huy hiệu quả. Đơn vị đã phối hợp địa phương hỗ trợ giống ban đầu, ngày công trồng và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đến nay các hộ gia đình trên địa bàn tham gia trồng cây bo bo bước đầu đã có nguồn thu nhập. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp triển khai nhân rộng mô hình để giúp người dân phát triển kinh tế, tạo sinh kế, xóa đói giảm nghèo và hướng tới làm giàu”.

Nói về những đóng góp quan trọng của Đồn Biên phòng Tam Hợp đối với địa phương và bà con Nhân dân trên địa bàn, ông Xồng Bá Nỏ, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Tam Hợp cho biết: “Hiệu quả từ các mô hình kinh tế mà Đồn Biên phòng giúp dân phát triển đã được khẳng định. Từ những cách làm cụ thể, cầm tay chỉ việc của Bộ đội Biên phòng, người dân đã từng bước thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, chủ động trong việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi, áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Đồn Biên phòng Tam Hợp để nhân rộng các mô hình, đảm bảo theo quy hoạch để giúp người dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo”.

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Ninh Thuận là nơi có lượng mưa thấp nhất trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp luôn gặp tình trạng khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến cây hoa màu. Với khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất khô hạn, anh Lưu Trường Lâm, dân tộc Chăm, chủ cơ sở Farm Bazô đã chủ động chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây tre lấy măng. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của cơ sở Farm Bazô mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được nỗi lo của người nông dân sinh sống ở vùng đất nắng.