Những mô hình hay
Từ thực tiễn cho thấy, quá trình thực hiện chương trình OCOP đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Thành công sau 5 năm triển khai thực hiện OCOP là đã đưa sản phẩm OCOP của Nghệ An trở nên dồi dào về mặt số lượng và phong phú về chủng loại, mẫu mã.
Mặt khác, thông qua chương trình, các chủ thể tham gia đã có sự thay đổi rõ rệt khi chuyển từ sản xuất nông nghiệp vốn quen với lối tuy duy, suy nghĩ truyền thống sang kinh tế nông nghiệp hiện đại. Đó chính là đã tạo được nền móng vững chắc cho một phương thức sản xuất mới hiện đại, hướng đến thị trường.
Một trong những điển hình của OCOP ở Nghệ An là các sản phẩm của HTX Sen quê Bác. Đây là điểm sáng của OCOP xứ Nghệ khi có tới 11 sản phẩm được chứng thực 3 - 4 sao như trà lá sen, trà liên tu, trà ướp bông sen, trà tâm sen, hạt sen khô, trà củ sen…
Chúng tôi đã nhiều lần về Nam Đàn, về với làng Sen và cảm nhận rõ một khát vọng lớn lao của những con người quê Bác. Những sản phẩm từ cây sen – một biểu tượng của con người Việt, đang hiện hữu, gắn liền với quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành một thương hiệu bền vững, độc đáo. Mấy năm gần đây, HTX Sen quê Bác đang tiến từng bước vững chắc trên hành trình đã định, ngày càng khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường, dòng sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi.
Kể về những thành công, Giám đốc HTX Sen quê Bác Phạm Kim Tiến tâm sự: Chúng tôi đang phát triển các sản phẩm theo hướng hữu cơ và tuần hoàn, đảm bảo thân thiện với môi trường và tạo ra hệ sinh thái bền vững giữa người dân tham gia liên kết, người sản xuất và người tiêu dùng. HTX phấn đấu trong thời gian tới có 1 - 2 sản phẩm được gắn OCOP 5 sao. Đó chính là mục tiêu cao nhất nhằm nâng cao sức cạnh tranh để hướng đến thị trường xuất khẩu.
Ở vùng miền núi Pù Mát (Con Cuông), ông chủ trẻ Phan Xuân Diện đang dựa vào tiềm năng, lợi thế của vùng đất ven vườn Quốc gia Pù Mát để trồng và chế biến các sản phẩm dược liệu thân thiện với môi trường. Những công nhân, xã viên của Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát là con em đồng bào vùng DTTS – vốn chỉ quen với việc vào rừng kiếm cái ăn, nay đã cầm cuốc, cầm cày, cần mẫn trên những khoảng đất trồng cây dược liệu.
Sau nhiều năm đem ước mơ dược liệu ra thị trường, Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát đã có đến 7 sản phẩm OCOP 4 sao, 7 sản phẩm OCOP 3 sao. Giám đốc Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát Phan Xuân Diện bày tỏ: Sản phẩm chúng tôi hướng đến mục tiêu cao nhất là an toàn với người tiêu dùng, thân thiện với môi trường. Để đạt được điều đó thì quy trình trồng, chế biến đều rất nghiêm ngặt, chặt chẽ. Chúng tôi đang nỗ lực để nâng tầm sản phẩm của mình, đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng. Trong thời gian tới, Công ty phấn đấu xây dựng chất lượng, thương hiệu để có 2 sản phẩm đạt chứng nhận 5 sao.
Tăng nhanh về số lượng, đa dạng về chủng loại, có nhiều sản phẩm chế biến sâu, đủ sức cạnh tranh ở những thị trường tiềm năng nhất cho thấy chương trình OCOP tại Nghệ An đang phát triển đúng hướng.
Những thương hiệu tiên phong của các Công ty TNHH Đức Phong; Công ty cổ phần khoa học công nghệ tảo VN; giò me Nam Nghĩa; nước mắm Cửa Hội, HTX Sen quê Bác, Công ty cổ phần dược liệu Pù Mát… đã tạo ra nhiều dấu ấn đậm nét. Với nền móng đang có, Nghệ An hoàn toàn có thể “nhân bản” ra những sản phẩm tương đương, hoặc hoàn chỉnh hơn trong một tương lai không xa.
Nâng tầm thương hiệu sản phẩm
Chương trình OCOP đã tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm đặc sản, đặc trưng của ngành nghề nông thôn Nghệ An. Không chỉ vậy, đó còn là giải pháp hoàn hảo đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xa hơn là góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch mà tỉnh đặt ra.
Tính đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 558 sản phẩm OCOP (520 sản phẩm 3 sao, 37 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao). Thành tích này đưa Nghệ An vươn lên đứng thứ 2 cả nước về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, nhưng đó cùng là kết quả xứng đáng cho những cố gắng, nỗ lực không ngơi nghỉ suốt thời gian dài của cả hệ thống chính trị, cũng như các chủ thể tham gia.
Một yêu cầu đặt ra hiện nay là không thể chỉ quan tâm đến phát triển đơn lẻ các sản phẩm OCOP. Nghệ An đang xác định phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với thế mạnh đặc trưng của từng vùng miền. Đặc biệt ưu tiên các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.
Muốn vậy, thì cần phải thực sự giải quyết hài hòa bài toán cung cầu, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm của các chủ thể tham gia. Về khía cạnh nay, trong năm 2023 Nghệ An đã chủ động đẩy mạnh quảng bá thông qua nhiều hình thức, bên cạnh công tác tuyên truyền đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng, khâu nối tổ chức các hội nghị, diễn đàn, hội chợ kết nối tiêu thụ nông sản an toàn.
Mục tiêu cao nhất mà Nghệ An đang hướng đến là nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP. Mà muốn vậy thì cần phải phát triển có chiều sâu, gắn liền liền với thương hiệu vững bền. Một loạt các giải pháp, biện pháp đang được tỉnh Nghệ An đưa ra là đẩy mạnh tổ chức tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP; đánh giá phân hạng sản phẩm; sản xuất gắn với vùng nguyên liệu đặc trưng của vùng miền; tập trung chuẩn hóa, nâng cao và phát triển các sản phẩm OCOP; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương (khen thưởng, xúc tiến thương mại, hỗ trợ lãi suất tín dụng, thiết kế nhãn hiệu, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc…); tăng cường chuyển đổi số…
Có thể thấy rõ, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đang mang lại nhiều nét tươi mới cho bức tranh nông thôn Nghệ An. Ở góc độ vĩ mô, để hỗ trợ chương trình, Nghệ An rất quan tâm bằng chủ trương, chính sách sát thực tiễn. Ông Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết: Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đã chủ động bố trí kinh phí thông qua Nghị quyết 25 cũng như lồng ghép các chương trình để hỗ trợ các chủ thể tham gia nhằm phát triển các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương. Chương trình tạo được sự đồng thuận rất cao từ tỉnh đến cơ sở, được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định OCOP là giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.