Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

"Cây đại thụ" giữa đại ngàn biên cương

LÊ LAN - 09:55, 19/02/2020

Không kể ngày mưa hay ngày nắng và mùa nào cũng vậy, mỗi sớm tinh mơ khi người Hà Nhì trên bản Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Ðiện Biên) còn chìm sâu trong giấc ngủ, thì già làng Lỳ Xuyến Phù đã cùng cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng A Pa Chải lên đường tuần tra đường biên, cột mốc. Ðây là công việc mà ông đã tự nguyện gắn bó suốt mấy chục năm qua…

Già làng Lỳ Xuyến Phù (người thứ ba từ trái sang) vận động người dân bản Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) tích cực tham gia phong trào giữ gìn đường biên, cột mốc trên biên giới.
Già làng Lỳ Xuyến Phù (người thứ ba từ trái sang) vận động người dân bản Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) tích cực tham gia phong trào giữ gìn đường biên, cột mốc trên biên giới.

Hơn 60 tuổi đời, già làng Lỳ Xuyến Phù cũng có hơn 40 năm đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng A Pa Chải tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Ông thông thạo địa bàn, địa hình xã biên giới Sín Thầu cho nên nhớ từng con số về diện tích tự nhiên, nhân khẩu sinh sống tại bảy bản, trong đó 96% số dân là người dân tộc Hà Nhì. Già làng Lỳ Xuyến Phù cho biết: "Toàn xã Sín Thầu có 40,5 km đường biên giới quốc gia với 16 cột mốc. Trong đó tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc dài 19,5 km, gồm tám cột mốc; tuyến biên giới Việt Nam - Lào dài 21km với bảy cột mốc và một cột mốc tiếp giáp giữa ba nước: Việt Nam, Lào và Trung Quốc". Không chỉ thế, già làng Lỳ Xuyến Phù còn am hiểu phong tục, tập quán nhân dân các xã lân cận, như: Leng Su Sìn, Sen Thượng và hiểu cả tập quán của một bộ phận người dân vùng cận biên ở Trung Quốc.

Bởi vậy, mỗi lần cùng bộ đội biên phòng đi tuần tra đường biên, già làng Lỳ Xuyến Phù còn dành thời gian đến từng nhà vận động, tuyên truyền người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không nghe luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu và không di cư tự do. Bản nào có việc lớn già làng Lỳ Xuyến Phù đều đến dự; gia đình nào có việc cần đến ông thì ông không bao giờ từ chối, bởi thế mà người dân các dân tộc trên biên giới Mường Nhé đều dành cho ông sự quý trọng, tin tưởng. Với họ, ông đã là "cây đại thụ" để tất cả nương nhờ trên biên giới xa xôi...

Nói về già làng Lỳ Xuyến Phù, Thiếu tá Ðặng Văn Tuấn, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng A Pa Chải cho biết: Mỗi chuyến đi tuần có già làng Lỳ Xuyến Phù thì anh em yên tâm lắm, nhờ đó công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật thuận lợi hơn rất nhiều. Bởi trong khi cán bộ, chiến sĩ biên phòng thông tin, phổ biến thì già làng Lỳ Xuyến Phù giải thích cặn kẽ bằng tiếng dân tộc cho nên người dân hiểu tường tận từng vấn đề, quy định mới. Với khả năng truyền cảm hứng của mình, già làng Lỳ Xuyến Phù đã tuyên truyền rất hiệu quả Luật An ninh biên giới, quy chế bảo vệ đường biên, cột mốc. Chỉ sau một buổi tuyên truyền của ông, 100% số gia đình trong xã Sín Thầu đã tự nguyện ký cam kết tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo đảm an ninh trật tự; trong đó có bảy gia đình đăng ký tự quản 19,5 km đường biên và tám cột mốc.

Không chỉ tích cực tham gia tuần tra biên giới, già làng Lỳ Xuyến Phù còn là người luôn đi đầu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Ngoài làm giàu cho gia đình, ông còn tận tình giúp nhiều người nghèo trong xã có thêm vốn, con giống để phát triển kinh tế. Noi gương ông, người Hà Nhì ở Sín Thầu đều hăng say tăng gia sản xuất, thực hiện hiệu quả các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Với những đóng góp tích cực cho biên giới và đồng bào biên giới, năm 2016, già làng Lỳ Xuyến Phù vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen "Vì sự nghiệp xây dựng chủ quyền bảo vệ Tổ quốc"; ông cũng vinh dự được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Bằng khen thành tích xuất sắc trong tham gia thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân, giai đoạn 2009 - 2019.