Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Cây thị hơn 700 năm tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

Anh Trúc - 11:01, 30/05/2023

Cây thị tại thôn Kim Sơn, xã Kim Hoa (Hương Sơn - Hà Tĩnh) đã hơn 700 năm tuổi và gắn với câu chuyện lịch sử về chống quân Minh xâm lược vào thế kỷ XV.

Dưới gốc cây thị, người dân làm một miếu thờ nhỏ
Dưới gốc cây thị, người dân làm một miếu thờ nhỏ

Ngày 29/5/2023, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam ra Quyết định 114/QĐ-HMTg công nhận cây thị tại thôn Kim Sơn, xã Kim Hoa (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) là Cây Di sản Việt Nam.

Cây thị có chu vi khoảng 12 m (đoạn gốc tiếp giáp với mặt đất), chiều cao từ 45 - 50 m, cành lá xum xuê, chu vi thân cây khoảng 5 - 6 người ôm. Phía trong gốc thân cây rỗng, có thể chứa được 4 - 5 người.

Theo lời truyền miệng của người dân, cây thị gắn liền với lịch sử chống quân Minh xâm lược vào thế kỷ XV (năm 1425, cách đây gần 600 năm). Tương truyền rằng, vào những năm đầu của thế kỷ XV, khi cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh của vua Lê Lợi ở Lam Sơn (Thanh Hóa) gặp khó, nhà vua đã quyết định kéo quân di chuyển vào vùng đất Đỗ Gia (tức Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay) để lập căn cứ địa.

Khi vào đến Hương Sơn, nhà vua bị giặc Minh truy đuổi, quân tướng nhà vua vượt sông Ẩn Giang, qua bãi lầy xóm Thịnh, làng Cổ Đậu thì phát hiện thấy cây thị xum xuê cổ thụ, phần gốc bị rỗng ruột, vua Lê Lợi được thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện cùng đội quân chỉ dẫn chui vào ẩn nấp trong hốc cây thị này.

Khi giặc Minh đuổi đến gần thì cũng là lúc trời nhá nhem tối khó tìm ra vết tích, chúng bèn ra lệnh thả bầy chó săn bao vây xung quanh cây thị. Trong lúc tính mạng của nhà vua đang hết sức lâm nguy bỗng dưng xuất hiện con cáo to đốm trắng ngồi trên ngọn cây thị. Khi đàn chó xuất hiện, cáo trắng sợ nên từ trên cao nhảy xuống rồi bỏ chạy thục mạng. Thấy thế, đàn chó săn cùng đội binh lính nhà Minh thi nhau đuổi, nhờ vậy mà vua Lê Lợi mới thoát được kiếp nạn.

 Thân cây có bộng rỗng, có thể chứa được 5 - 6 người
Thân cây có bộng rỗng, có thể chứa được 5 - 6 người

Theo tương truyền, tại gốc cây thị, Lê Lợi và thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đã cùng giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề, thể hiện quyết tâm đồng lòng đánh giặc Minh.

Sau khi đánh đuổi giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Tuấn Thiện được phong là khai quốc công thần. Người dân địa phương từ đó về sau vẫn luôn lưu truyền câu thơ nói về giai thoại lịch sử: “Cắt tóc, giết ngựa trắng/ Dưới gốc thị thề nguyền/ Nguyện đồng tâm đồng chí/ Phá giặc xây cơ đồ”.

Theo các cụ cao niên tại địa phương, cây thị có đã tuổi đời trên 700 năm, tọa lạc trên một khu đất riêng, tiếp giáp vườn của 3 hộ dân là bà Trần Thị Nhuận, ông Uông Trung Hòa và ông Uông Xuân Hanh (thôn Kim Sơn, xã Kim Hoa).

Tin cùng chuyên mục
Bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer

Bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer

Hát Aday- Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của đồng bào dân tộc Khmer vùng Nam Bộ nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc, có từ lâu đời. Nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn hát Aday, tỉnh Hậu Giang đã và đang ưu tiên nguồn kinh phí để các địa phương, nghệ nhân thực hiện những hoạt động thiết thực đối với loại hình nghệ thuật này.