Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Cây thoát nghèo ở huyện miền núi Quan Sơn

Quỳnh Trâm - 19:37, 13/06/2021

Huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) có địa hình đồi núi cao, khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với sự phát triển của cây luồng. Nhờ tận dụng được lợi thế đó, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo từ trồng giống cây này.

Nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS ở vùng biên Quan Sơn thoát nghèo nhờ cây luồng
Nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS ở vùng biên Quan Sơn thoát nghèo nhờ cây luồng

Dẫn chúng tôi đi thăm rừng luồng của gia đình ở bản Hậu, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa), ông Hà Văn Hinh nói đây là “chìa khóa” thoát nghèo của mình.

Chỉ tay vào những cây luồng đang phát triển cao vút, đều tăm tắp, thân mập mạp mà ông đã dành nhiều công chăm sóc trong thời gian qua, lão nông bộc bạch, cách đây 6 năm, trong lúc gia đình đang khó khăn, không có công việc và thu nhập ổn định, ông được chính quyền động viên trồng cây luồng để làm kinh tế.

Với chủ trương của UBND huyện Quan Sơn, hỗ trợ giống và phân bón, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trong thâm canh, phục tráng rừng luồng, nhiều hộ dân đã hưởng ứng, trong đó có ông Hinh. 1ha luồng đầu tiên phát triển tốt nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, ông thu hoạch được một số tiền kha khá.

Năm 2018, ông quyết định trồng thêm 4ha cây luồng, kết hợp với vầu, keo, chăn nuôi thêm lợn, gà lấy ngắn nuôi dài. Với cây luồng mỗi năm, gia đình ông khai thác 2 đợt, trong đó, đợt 1 là phát quang, đợt 2 khai thác xen kẽ. Đến nay, mô hình kinh tế rừng của ông Hinh đã được mở rộng lên 6 ha, thu nhập bình quân đạt 100 triệu/năm, riêng cây luồng thu nhập đạt khoảng 50-60 triệu/năm. Với thu nhập này, gia đình ông Hinh không phải lo thiếu ăn, thiếu mặc nữa, đời sống vật chất của gia đình đã đầy đủ và tiện nghi hơn.

"Ban đầu chúng tôi trồng cây luồng chỉ để chống xói mòn, sạt lở đất khi mùa mưa lũ đến. Sau này mới phát hiện, cây luồng mang lại giá trị kinh tế cao, nhờ cây luồng, chúng tôi xóa được đói, giảm được nghèo", ông Hinh nói.

Nhận thấy lợi ích kinh tế của cây luồng ở địa phương, nhưng khác với ông Hinh, chị Vi Thị Hiệu, ở bản Hát, xã Tam Lư đã tận dụng nguyên liệu có sẵn tại địa phương để mở cơ sở sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cây luồng.

Để thực hiện mô hình, chị nhập máy móc, thuê công nhân làm nhà xưởng và thu mua nguyên liệu cây luồng của bà con để sản xuất đũa. Bằng sự chăm chỉ, kiên trì trong sản xuất, tới nay cơ sở kinh doanh của chị ngày càng phát triển, sản phẩm đũa được bán cho các doanh nghiệp, tiểu thương trên địa bàn tỉnh. Thu nhập bình quân của gia đình chị Hiệu đạt 100 triệu/năm, tạo việc làm cho 15 người thu nhập từ 5-7 triệu/người/tháng.

Chị cho biết, trong thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng sản xuất, tạo việc làm thêm cho lao động và đầu ra cho cây luồng ở địa phương.

Ông Vi Văn Thạnh, Chủ tịch UBND xã Tam Lư cho biết, tổng diện tích rừng luồng trên địa bàn xã là 1.830 ha và đã được cấp chứng chỉ FSC.

Rừng luồng ở Xã Tam Lư, huyện Quan Sơn
Rừng luồng ở Xã Tam Lư, huyện Quan Sơn

Xã có hơn 550 hộ trồng cây luồng. Nhờ trồng luồng, nhiều hộ thoát nghèo, có thu nhập khá đạt từ 30- 60 triệu/năm. Qua đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 40 triệu/người/năm, xã cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019.

“ Xã Tam Lư có tới 96% đồng bào dân tộc Thái. Trong 5 năm qua, toàn xã có khoảng hơn 100 hộ nhờ cây luồng mà thoát nghèo. Nếu như 5 năm trước, tỉ lệ hộ nghèo là hơn 40% thì hiện nay xã chỉ còn 4,8%. ", ông Thạnh nói.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn, cây luồng hiện là một trong số các cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của người dân trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2016-2021, huyện đã ban hành chương trình chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh, phục tráng nhằm hỗ trợ phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới cho người dân trồng luồng.

UBND huyện Quan Sơn cũng vận động các hộ dân người dân tộc thiểu số tham gia trồng cây luồng và thu hút đầu tư mở rộng mạng lưới chế biến lâm sản đa dạng hóa sản phẩm tiêu dùng để khai thác hiệu quả, bền vững giá trị từ cây luồng.

Được biết, toàn huyện Quan Sơn hiện có gần 14.000 ha rừng luồng, chủ yếu tại các xã Tam Lư, Trung Thượng, Trung Hạ, Trung Tiến. Huyện đã phục tráng được từ 3.000-4.000 ha rừng luồng với 1.876 hộ gia đình tham gia. Riêng năm 2020, phục tráng 1.000 ha rừng luồng với 729 hộ tham gia trong năm đầu tiên.

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Kon Tum: Đồng bào DTTS tham gia làm OCOP

Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân. Đặc biệt, nhiều hộ dân tộc thiểu số (DTTS) đã nỗ lực lao động sản xuất, khai thác bản sắc văn hóa dân tộc, lợi thế của địa phương, liên kết tạo nên các sản phẩm OCOP có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập.