Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

“Cha đẻ” của nghệ thuật điêu khắc gốc tre

Thanh Thuận - 02:09, 19/06/2024

Hơn 20 năm qua, ở thành phố Hội An (Quảng Nam), có một người chuyên tạo hình từ gốc tre và biến những gốc tre vô tri tưởng như bỏ đi thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Đó là Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ - người được xem là “cha đẻ” của nghệ thuật điêu khắc gốc tre độc đáo.

Các sản phẩm tượng điêu khắc từ gốc tre của nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ .
Các sản phẩm tượng điêu khắc từ gốc tre của nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ

Bén duyên với nghề từ sự tình cờ

Ngày ngày, trong khu chợ thủ công mỹ nghệ ở thành phố Hội An, Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ (sinh năm 1973) vẫn miệt mài với những chiếc gốc tre và những sản phẩm điêu khắc được anh tạo thành. Có lẽ bởi công việc đặc biệt này, mà anh còn có tên gọi khác là “Đỏ tre”.

Hầu hết khách đến phố cổ Hội An du lịch, khi ngang qua khu của Đỏ tre, đều bị ấn tượng, bởi những gốc tre với nhiều hình dáng nhân vật đặc biệt đã được tạo tác. Đó là những chân dung các nhân vật tâm linh, lịch sử… đặc biệt là bộ tác phẩm chân dung ba nhân vật Phúc, Lộc, Thọ và tượng chân dung một số danh nhân thế giới như Newton, Einstein...

Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ điêu khắc tượng từ những gốc tre.
Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ điêu khắc tượng từ những gốc tre

Quan sát Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ thực hiện các công đoạn điêu khắc trên gốc tre, chúng tôi không khỏi nể phục tâm huyết mà ông đưa vào từng tác phẩm. Với dáng người nhỏ nhắn, điệu cười hồn hậu, anh Đỏ vừa thuần thục đục đẽo gốc tre, vừa niềm nở chia sẻ về cơ duyên đến với nghề. 

Theo lời anh Đỏ kể, anh theo học nghề điêu khắc gỗ tại làng mộc truyền thống Kim Bồng (xã Cẩm Kim, Tp. Hội An) từ năm 16 tuổi. Với tài năng “trời phú” nên anh thành thạo nghề rất nhanh. Sau đó, anh mở một xưởng gỗ nhỏ tại nhà. Tuy nhiên, có thời điểm nghề mộc rơi vào tình trạng ế khách, khó khăn, thu nhập ít ỏi không đủ nuôi sống bản thân và gia đình, anh Đỏ phải đi bán hàng dạo để trang trải cuộc sống.

Bước ngoặt trong nghề tới với anh Đỏ khi trận lũ lụt lịch sử năm 1999 xảy ra tại Quảng Nam. Anh tình cờ thấy được những gốc tre trôi dạt nhô lên sau lớp bùn đất đọng lại, từ đó mà nhân duyên giữa anh với nghề điêu khắc gốc tre bắt đầu.

“Trận lũ lụt năm đó đã nhấn chìm nhà cửa và xưởng gỗ của gia đình tôi. Khi dọn dẹp xưởng gỗ, tôi thấy những rễ tre già nhô lên. Tôi nghĩ tại sao không biến chúng trở thành tác phẩm nghệ thuật. Tôi lấy lên và đục đẽo thử. Ai ngờ đó lại là tác phẩm tượng tre đầu tiên trong đời tôi”, anh Đỏ chia sẻ.

Nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao qua nét khắc từ gốc tre của nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ.
Nhân vật Lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao qua nét khắc từ gốc tre của Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ

Với bàn tay khéo léo, anh Đỏ bắt tay vào điêu khắc những gốc tre già. Những tác phẩm tạc từ gốc tre đã ra đời trong hoàn cảnh ấy. Sau khi nước lũ rút, anh mạnh dạn đem vài sản phẩm điêu khắc trên tre đầu tiên giới thiệu với du khách và nhận được sự yêu thích của mọi người. Từ đó, Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ chuyển sang làm nghề này cho đến tận bây giờ và đã gắn bó được hơn 20 năm.

Biến củi khô thành tác phẩm nghệ thuật

Qua đôi bàn tay khéo léo của anh Đỏ và nhãn quan nhạy bén của người nghệ nhân, những gốc tre khô, vô tri, vô giác tưởng chừng chỉ để làm củi đun, bỗng chốc hóa thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, bộc lộ đủ mọi cung bậc cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố.

Theo anh Đỏ, so với điêu khắc gỗ, điêu khắc gốc tre có những độc đáo riêng biệt, đòi hỏi sự sáng tạo và kỹ năng cao hơn của người thợ. “Khi tạc tượng bằng gỗ thường có sẵn phôi gỗ cụ thể, mình chỉ việc tạc theo. Còn với gốc tre, mỗi gốc tre có hình dạng, kích thước khác nhau, các bộ rễ trên gốc tre cũng mỗi gốc mỗi kiểu nên khi đục đẽo đòi hỏi phải có sự tưởng tượng, sáng tạo nhiều hơn. Không có sự liên tưởng, thì khó mà hình dung có thể làm nên tác phẩm gì phù hợp với hình dáng của những gốc tre ấy”, anh Đỏ cho biết.

Các sản phẩm từ gốc tre của người nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ lấy cảm hứng từ các nhân vật trong văn hóa Việt
Các sản phẩm từ gốc tre của người nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ lấy cảm hứng từ các nhân vật trong văn hóa Việt

Ban đầu, anh chọn khắc những gương mặt ngộ nghĩnh, hóm hỉnh, quen thuộc với nhiều người lên gốc tre, như tượng ông Phúc, Lộc, Thọ. Tuy nhiên, sau thời gian dài làm nghề, nhận thấy gốc tre có những nhánh rễ dài, giống như chòm râu phù hợp với những nhân vật trong tín ngưỡng thờ cúng của người Việt, anh đã bắt tay vào sáng tạo theo hướng này. Anh không chỉ điêu khắc những nhân vật lịch sử, hoặc truyền thuyết ở Việt Nam, mà còn tạo hình cả những danh nhân thế giới như: Newton, Einstein... để tiếp cận gần hơn với những du khách nước ngoài.

Để có được một tác phẩm tượng điêu khắc từ gốc tre hoàn chỉnh, anh Đỏ đã phải trải qua nhiều công đoạn chuẩn bị như lau rửa, đục, chà nhám… và hai tiếng đồng hồ đẽo từng đường nét lên gốc tre.

Nói về quá trình tạo nên một tác phẩm, anh Đỏ bộc bạch: “Khi thực hiện điêu khắc trên gốc tre, cần am hiểu về các nhân vật được tạo hình trên gốc tre để làm nổi bật lên thần thái và đặc trưng riêng của mỗi hình tượng. Trong quá trình làm, tôi cứ đục, đẽo theo trí tưởng tượng của mình, nên tác phẩm sau khi hoàn thành là độc nhất, không cái nào giống cái nào”.

Tác phẩm sau khi hoàn thành là độc nhất, không cái nào giống cái nào
Tác phẩm sau khi hoàn thành là độc nhất, không cái nào giống cái nào

Cứ làm, cứ thử nghiệm, rút kinh nghiệm nhiều lần, đến nay, anh đã có được trong tay những bộ sưu tập tượng từ gốc tre đa dạng và tay nghề ngày càng điêu luyện biến tấu hơn trên những gốc tre.

Hơn 20 năm theo nghề, Huỳnh Phương Đỏ đã trở thành một nghệ nhân nổi tiếng với nghề tạc tượng từ gốc tre của Hội An, làm nên thương hiệu Đỏ tre Hội An. Anh có thể điêu khắc nhiều sản phẩm từ gốc tre, trong đó có tạc tượng chân dung người thật, chân dung các nhân vật tâm linh, lịch sử… Cũng bởi sự độc đáo ấy mà các tác phẩm điêu khắc trên gốc tre của Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ rất được khách du lịch yêu thích. Gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm điêu khắc trên gốc tre của anh, luôn là một trong những gian hàng tấp nập trên phố cổ Hội An, đón hàng trăm lượt khách hàng mỗi ngày.

Mong ước đưa hình ảnh cây tre ra thế giới

Tuy nhiên, với Nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ, không chỉ dừng lại ở câu chuyện làm nghề, anh luôn hy vọng có thể đem những tác phẩm của mình ra khắp thế giới, để giới thiệu với thế giới vẻ đẹp, giá trị của cây tre Việt Nam. Chính vì thế, anh Đỏ đã trau dồi thêm vốn tiếng Anh để giao tiếp với các khách hàng nước ngoài khi có dịp ghé gian hàng của anh. Cùng với đó, anh đã lập ra các tài khoản mạng xã hội như Facebook, TikTok đăng tải nhiều hình ảnh, video về các công đoạn làm nghề; cũng như các sản phẩm tượng từ gốc tre để giới thiệu hình ảnh sản phẩm đến bạn bè thế giới.

Khán giả nhí yêu thích tác phẩm tượng điêu khắc từ gốc tre của nghệ nhân.
Khán giả nhí yêu thích tác phẩm tượng điêu khắc từ gốc tre của nghệ nhân

Thời gian qua, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ còn miệt mài đồng hành cùng tỉnh Quảng Nam thực hiện những chuyến giới thiệu văn hóa vùng miền khắp từ Nam ra Bắc để giới thiệu loại hình nghệ thuật này. Ngoài ra, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ còn trực tiếp đào tạo những học trò có mong muốn học và theo nghề, với mong muốn tiếp tục gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật điêu khắc độc đáo này.

 “Tôi luôn mong mình có thể tạo nên một làng nghề điêu khắc gốc tre, để nghề này mãi lưu truyền. Tôi hy vọng có thể đưa tre Việt Nam ra thế giới, cho cả thế giới biết tới vẻ đẹp và giá trị của cây tre  Việt Nam”, anh Đỏ bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục
Đình Lập (Lạng Sơn): Ra mắt câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian

Đình Lập (Lạng Sơn): Ra mắt câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian

Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn phối hợp với huyện Đình Lập vừa tổ chức Lễ ra mắt mắt Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Tày, Nùng, Dao trên địa bàn xã Kiên Mộc. Câu lạc bộ được thành lập và ra mắt theo kế hoạch thực hiện Dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình MQTG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.