Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nhiều công trình điêu khắc công cộng gây phản cảm - Trách nhiệm thuộc về ai ?

Hồng Phúc - 19:10, 17/09/2021

Thời gian qua có nhiều các công trình điêu khắc ngoài trời, xuất hiện tại các điểm checkin du lịch nổi tiếng. Thực tế này đòi hỏi, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, thẩm định, đánh giá đúng tác động của các công trình trước khi nó được ra mắt công chúng. Không phải tới khi dư luận lên tiếng, sự đã rồi, chúng ta mới rút ra bài học kinh nghiệm...

Phiên bản bức tượng Elsa ở nước Anh được xây dựng tại Sa Pa (Lào Cai)
Phiên bản bức tượng Elsa ở nước Anh được xây dựng tại Sa Pa (Lào Cai) gây "sóng gió" trong dư luận

Những “phiên bản lỗi”

Mới đây, hàng loạt bức tượng linh vật chó được dựng tại các nút giao ở trung tâm huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam), đã được lực lượng chức năng tháo dỡ ngày 1/9. Trong đó, việc xây dựng các tượng hình con chó đặt trên một số tuyến đường của trung tâm hành chính huyện thực hiện chưa đúng Nghị định 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, và không có chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy; không đúng theo Quy hoạch Trung tâm hành chính huyện, ảnh hưởng giao thông, chưa xin giấy phép xây dựng của cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định (nguồn kinh phí xây dựng tượng được huy động từ nguồn xã hội hóa).

Ngoài ra, hình thức, nội dung thể hiện của tượng chưa được các cơ quan có thẩm quyền tham gia ý kiến, thống nhất; chưa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng người Cơ Tu trên địa bàn huyện, và các huyện lân cận có nhiều đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống, như Đông Giang, Nam Giang.

Ông Phùng Tấn Đông, nhà nghiên cứu văn hóa ở Hội An, cho rằng: “Hình tượng chó trên gươl với chất liệu gỗ và sơn như truyền thống tạo hình của dòng họ Zơrâm nói riêng, hay người Cơ Tu nói chung. Hình tượng ấy là “cái biểu đạt” cho truyền thuyết từ bao đời nay. Đừng bao giờ mang vật liệu đá từ đồng bằng lên và tạc tượng theo “nhãn quan” người đồng bằng và “ngại” nhất là kèm bia đá tạc thơ (cũng kiểu người đồng bằng)”.

Đây không phải chuyện riêng của địa phương nào. Tháng 7 vừa qua, tại Sa Pa (Lào Cai), bức tượng Nữ thần tự do và Nữ hoàng băng giá Elsa tại điểm check in An Sa Pa vừa mới dựng lên, cũng đã gây sóng gió trong cộng đồng mạng, nhất là những ai có tình cảm đặc biệt với Sa Pa hay sở thích check in, khám phá. So với bản gốc, những bức tượng này được sao chép thiếu thẩm mỹ, có phần hài hước, kệch cỡm đối với người nhìn.

Hay tượng 12 con giáp ở Khu du lịch Hòn Dấu, Đồ Sơn (Hải Phòng) cũng đã từng khiến giới chuyên môn và công chúng lên án mạnh mẽ, bởi các bộ phận sinh dục của người gắn ở tượng với tạo hình đầu thú rất thô thiển, tục tĩu và phản cảm.

Phải nhìn nhận rằng, trên thực tế, nhu cầu checkin khi đi du lịch của khách tham quan ngày nay đã trở thành trào lưu. Đây không phải là một loại hình du lịch độc lập, riêng biệt, mà nó là nhu cầu tự thân của hầu hết các du khách và của chính du lịch. Check in được hiểu là ảnh chụp  du khách gắn với địa danh, điểm đến, với mục đích chính của du khách cũng là đưa lên mạng xã hội để để “khoe”… Thế nên, theo quy luật cung cầu, thì những công trình điêu khắc công cộng xuất hiện ngày càng nhiều.

Tượng linh vật chó được dựng trên tuyến đường qua trung tâm huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Đăng Nguyên)
Tượng linh vật chó được dựng trên tuyến đường qua trung tâm huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: Đăng Nguyên)

Nhưng những gì chúng ta đang nhìn thấy là sự xây dựng tự phát, tùy tiện của những chủ sở hữu công trình, mới chỉ nghĩ đến giá trị kinh tế, chứ chưa nghiêm túc nhìn tượng điêu khắc ở góc độ nghệ thuật, thẩm mỹ. Hệ lụy của những phiên bản lỗi ấy nói lên điều gì? Đương nhiên,đó là sự xấu xí, phản thẩm mỹ.

 Những bức tượng “lạc loài” này phá vỡ cấu trúc cảnh quan và tinh thần văn hóa của vùng đất ấy. Thật khó có thể hiểu được một tượng sao chép nhân vật ở nước Anh có ý nghĩa gì, khi được đặt ở Sa Pa, địa phương đậm đặc những nét văn hóa dân tộc Mông, Dao, Tày… Và cho dù tượng, tranh có đẹp, nhưng đặt ở đâu cho phù hợp, cũng là một câu hỏi lớn cần nghiêm túc trả lời.

Chế tài nào để xử lý?

Họa sĩ Vi Kiến Thành, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chia sẻ, theo đúng quy trình xây dựng những công trình này, thì cần phải thành lập một Hội đồng nghệ thuật xét duyệt mẫu phác thảo. Sau khi Hội đồng thông qua, thì chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cấp phép, rồi mới tiến hành xây dựng. Viện dẫn Luật Du lịch hay Luật Xây dựng, để nói không có quy định pháp luật điều chỉnh những vụ việc tượng xấu, điêu khắc phản cảm là sai. Những tranh, tượng này bị ràng buộc bởi Nghị định 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, bảo đảm môi trường văn hóa, thẩm mỹ, nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam.

Thực tế cho thấy, biểu tượng càng độc đáo, đặc trưng và có tính nghệ thuật bao nhiêu, du khách càng thích chụp ảnh checkin và hiệu quả quảng bá càng cao bấy nhiêu. Điểm đến càng có nhiều điểm chụp ảnh đẹp và có công trình mang tính biểu tượng càng cao, thì càng hút khách. Nếu biết khai thác, sẽ mang lại hiệu quả quảng bá du lịch cực cao mà không tốn kém nhiều chi phí.

Tượng gỗ ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội).
Tượng gỗ ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Nhiều khu du lịch ở nước ta có khu vực trưng bày tượng được du khách yêu thích, đánh giá cao vì mang dấu ấn nghệ thuật. Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) có vườn tượng điêu khắc bằng gỗ, do các nghệ nhân đến từ Tây Nguyên thực hiện, như: Mẹ cõng con, Đánh chiêng, Đâm trâu, Bắt cá, Chàng trai mang xà gạc, Uống rượu cần... Những hình ảnh phồn thực, về sự sinh sôi nảy nở... mang đậm nét văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, là điểm đến của du khách tham quan từ 5 năm qua.

Do đó, yêu cầu mới đặt ra rằng, chúng ta cần có những hướng dẫn, quy định cụ thể liên quan việc quản lý, đầu tư xây dựng tại các điểm checkin du lịch, tránh tình trạng xử lý kiểu xây rồi lại dừng, lắp rồi lại dỡ, gây tốn kém cả về vật chất, thời gian, ảnh hưởng đến cảnh quan, du lịch của địa phương.