Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Chạm vào Hà Giang: Điểm đến hấp dẫn (Bài cuối)

Vũ Mừng - Chí Tín - 06:40, 14/03/2024

Với 3 không gian du lịch độc đáo, sở hữu cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, đặc sắc về địa chất, địa hình cùng nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc… đã kết tinh lợi thế để Hà Giang đẩy mạnh phát triển “ngành công nghiệp không khói”, xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang hấp dẫn, an toàn.

Những sản phẩm du lịch đặc sắc

Phần nhiều ở các địa điểm du lịch trên thế giới, hay ở chính New Zealand cũng vậy, khách du lịch sẽ được trải nghiệm sự tiện nghi, hiện đại, nói cách khác đó là du lịch nghỉ dưỡng. Có nhiều người lại chọn cách du lịch theo tour, đi theo hướng dẫn viên và đến những địa điểm nổi tiếng. Thế nhưng ở Hà Giang, du lịch trải nghiệm có lẽ là loại hình phù hợp hơn cả, đặc biệt là những trải nghiệm cảm xúc, khi du khách được chủ động tìm kiếm, khám phá và học hỏi những điều mới mẻ.

Khung cảnh nên thơ của Làng VHDLCĐ Lô Lô Chải
Khung cảnh nên thơ của Làng VHDLCĐ Lô Lô Chải

Mary Jane Casanes đã sớm được chứng thực rằng những suy nghĩ đó là đúng đắn. Trong một thế giới ngày càng thu hẹp, du khách đến Hà Giang không chỉ bị hấp dẫn bởi những danh lam thắng cảnh hùng vĩ, nên thơ như đèo Mã Pì Lèng, đỉnh Tây Côn Lĩnh, núi đôi Quản Bạ, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Cao nguyên đá Đồng Văn..., mà còn bởi tính đa dạng văn hóa độc đáo ở mỗi bản làng. Với sự hiếu khách của cư dân địa phương, khi tới Hà Giang, người ta thường được mời tham dự vào những lễ hội, những sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng mà ở trong đó thể hiện rất rõ những quan điểm về lối sống, phản ánh chân thực lịch sử hình thành, phát triển của cả một cộng đồng người.

Vẽ sáp ong trên vải lanh của đồng bào Mông
Vẽ sáp ong trên vải lanh của đồng bào Mông

Những năm qua, tỉnh Hà Giang không chỉ coi trọng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số,mà còn quan tâm xây dựng môi trường văn hóa tại các điểm đến, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, bởi đây là cách phát triển bền vững, hiệu quả nhất. Giống như lời khẳng định của Tiến sĩ Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Du lịch (Tổng Cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trong Hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030”: Môi trường văn hóa được xem là tài nguyên, cơ sở cho việc phát triển các hoạt động, dịch vụ du lịch tại điểm du lịch cộng đồng; làm tăng tính cạnh tranh, sự trải nghiệm, độc đáo, hấp dẫn của điểm đến.

Phụ nữ dân tộc Lô Lô trong trang phục truyền thống
Phụ nữ dân tộc Lô Lô trong trang phục truyền thống

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 50 lễ hội truyền thống, lưu giữ phong tục, tập quán đặc trưng của các dân tộc, 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) gắn với văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Lô Lô, Giấy, Bố Y, La Chí… với tổng số 1.600 hộ và trên 7.000 nhân khẩu. Mỗi làng, thường là nơi một hoặc một vài dân tộc quây quần sinh sống theo phong tục, tập quán truyền thống, tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng. Chẳng hạn như: Làng VHDLCĐ Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn), là nơi đồng bào dân tộc Mông và Lô Lô đen sinh sống trong những ngôi nhà trình tường mái lợp ngói máng, sinh sống chủ yếu bằng nghề dệt thổ cẩm, thêu và mộc; Làng VHDLCĐ thôn Hạ Thành (xã Phương Độ, thành phố Hà Giang), là nơi 120 hộ đồng bào dân tộc Tày quây quần, hiện còn giữ các nghề truyền thống như, nghề làm cối giã gạo sử dụng sức nước, nghề làm nhạc cụ, làm bánh dân tộc. Trong khi đó, Làng VHDLCĐ thôn Lũng Cẩm (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn) - nơi tập trung sinh sống của 3 dân tộc Lô Lô, Mông, Hoa còn giữ gìn nguyên vẹn những ngôi nhà có lối kiến trúc truyền thống với mái lợp ngói hoặc tranh, tường được trình bằng đất sét và có hàng rào đá xám xếp bằng tay bên ngoài...

Bên cạnh đó, toàn tỉnh Hà Giang có 3 bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận (Bia đá chùa Sùng Khánh, Chuông chùa Bình Lâm và đôi Trống đồng Lô Lô); 61 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng (trong đó, có 31 di tích cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh); 24 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Đặc biệt, Di sản văn hóa thực hành Then Tày được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những năm qua, công tác trùng tu, tôn tạo di tích được các cấp, ngành quan tâm, có 29/61 di tích xếp hạng được tu bổ, tôn tạo; 34 Di sản văn hóa phi vật thể được đầu tư phục dựng…

Những em bé ở Lũng Cẩm
Những em bé ở Lũng Cẩm

Bản sắc văn hóa truyền thống ấy, chính là chất liệu để Hà Giang xây dựng nên những sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, thu hút du khách. Thông qua đó, người dân đã chủ động phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế, tạo sinh kế ổn định, nâng cao thu nhập và đời sống; đồng thời nâng cao ý thức trong việc khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên du lịch.

Tỉnh Hà Giang đã hình thành 3 không gian du lịch độc đáo, gồm: Không gian du lịch đồi núi thấp (Thành phố Hà Giang, các huyện Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang) gắn với sản phẩm du lịch thương mại, nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái và tâm linh. Tiếp đến là không gian du lịch đồi núi đất phía Tây (Huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình) gắn với Di tích danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì cùng các sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng và nghỉ dưỡng. Riêng không gian du lịch đồi núi đá phía Bắc trải dài 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Đây là vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và cũng là khu vực phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh, được quy hoạch xây dựng để trở thành khu du lịch quốc gia; nơi đây gắn liền với sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa và thể thao mạo hiểm.

See you again in Vietnam

Theo thống kê của Phòng Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2016 - 2023 công dân từ 225 quốc gia vùng lãnh thổ đến du lịch Hà Giang, chỉ tính riêng năm 2023 khách quốc tế đến Hà Giang thống kê được từ 205 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tháng 9/2023 vừa qua, tỉnh Hà Giang được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards - WTA) vinh danh là: Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023 (Asia's Leading Emerging Tourism Destination 2023). Đây là hạng mục quan trọng trong hệ thống các giải thưởng của WTA, tập trung đánh giá các tiêu chí liên quan như cảnh quan môi trường, bản sắc văn hoá, các giá trị di sản, an ninh, an toàn, hình ảnh con người văn minh, thân thiện, giới thiệu và khám phá, trải nghiệm về điểm đến mới tại khu vực châu Á...

Khu nghỉ dưỡng Hmông Village được vinh danh khách sạn xanh ASEAN
Khu nghỉ dưỡng Hmông Village được vinh danh khách sạn xanh ASEAN

Trước đó, Hà Giang cũng nhiều lần nằm trong danh sách những điểm đến lý tưởng được các tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn. Trong năm 2022, khu nghỉ dưỡng Hmông Village được vinh danh khách sạn xanh ASEAN; tháng 01/2023, làng văn hóa du lịch thôn Nặm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ) được nhận giải thưởng ASEAN về lĩnh vực du lịch cộng đồng lần thứ 3. Tờ New York Times đã xếp Hà Giang ở vị trí thứ 25 trong danh sách 52 điểm đến lý tưởng nhất cho du khách toàn cầu tới khám phá. Tờ báo chuyên du lịch Canada The Travel bình chọn Hà Giang là một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam. Gần đây nhất, 18 làng văn hóa du lịch cộng đồng của tỉnh Hà Giang cũng vinh dự được chọn quảng bá giới thiệu trên website của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)…

Nói về Hà Giang, cũng không thể không nhắc tới sự kiện đáng chú ý, năm 2023, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn xuất sắc vượt qua 3 kỳ tái đánh giá của UNESCO để giữ vững danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, tiếp tục là niềm tự hào đối với mỗi người dân Hà Giang. Kể từ sau khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, diện mạo Hà Giang nói chung, vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng đã khởi sắc, các di sản văn hóa, di sản địa chất, đa dạng sinh học được bảo tồn phát huy đã và đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

See you again in Vietnam…
See you again in Vietnam…

Đó là những điều tôi kể cho Mary Jane Casanes những điều mình biết về Hà Giang. Thay lời chào, tôi in tặng Mary Jane Casanes tấm ảnh đã chụp cô và những người bạn trên đỉnh Mã Pí Lèng. Phía sau ảnh đó tôi cẩn thận đề dòng chữ: Món quà từ một người bạn Việt Nam! Tôi tin rằng, ở xứ sở kiwi mỗi lần ngắm nhìn bức ảnh này, Mary cũng sẽ không quên lời nhắn nhủ: See you again in Vietnam…

Tin cùng chuyên mục
Rền vang tiếng máy nơi đại ngàn Pù Mát

Rền vang tiếng máy nơi đại ngàn Pù Mát

Bầu tĩnh lặng của đại ngàn Pù Mát, Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) thời gian qua bị phá tan bởi những tiếng ầm vang, rộn rã nhiều thứ tiếng từ máy xúc, máy ủi, máy khoan cọc cạch liên hồi…cùng tiếng của những chuyến xe tải chở nguyên vật liệu xây dựng từ trung tâm xã Môn Sơn ra vào hối hả. Nơi thâm sơn đại ngàn Pù Mát đang từng bước xuất hiện những công trình phục vụ đời sống dân sinh cho bà con Đan Lai.