Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Chăn nuôi gia súc - Cơ hội thoát nghèo cho nông dân Tây Nguyên: Phát triển bền vững (Bài 3)

Lê Hường-Phan Trọng - 15:44, 23/11/2021

Tây Nguyên có tiềm năng lớn để phát triển chăn nuôi gia súc, nhưng đến nay mới chỉ dừng lại ở phát triển chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ là chính nên hiệu quả chưa cao và thiếu bền vững. Các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần mạnh dạn thay đổi theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có để ngành chăn nuôi phát triển bền vững...

Nông hộ đang dần chuyển hướng chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học
Nông hộ đang dần chuyển hướng chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học

Hướng đi mới

Dù phát triển chưa nhiều, nhưng từ thực tế cho thấy, khoảng hơn 2 năm nay, khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành, gây thiệt hại, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Tây Nguyên cũng đã nhận diện được những khó khăn trong chăn nuôi, nên từng bước thay đổi phương thức sản xuất, chủ động thích ứng với tình hình mới, nâng cao sức cạnh tranh, tăng thu nhập cho gia đình. Trong đó, tiếp cận chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch đang là hướng đi cho chăn nuôi nông hộ.

Đơn cử như anh Nguyễn Đại Huệ, ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk). Giữa lúc dịch bệnh, nhiều nông dân không dám tái đàn, anh Huệ vẫn mạnh dạn duy trì đàn lợn 120 con, gồm lợn nái và thịt theo hướng an toàn sinh học.

Anh Huệ cho rằng, chỉ cần làm tốt khâu phòng dịch, tiêm vắc xin đầy đủ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát thì sẽ hạn chế được dịch bệnh. Đồng thời, hạn chế mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài bằng cách không cho người lạ vào khu vực chăn nuôi, khu vực chăn nuôi được rào lưới chống côn trùng. Rải vôi bột vệ sinh chuồng trại sau khi xuất chuồng, nghỉ thời gian ngắn mới nuôi tiếp, nên dù dịch bệnh xuất hiện ở những hộ dân xung quanh, gia đình anh không bị ảnh hưởng. “Chỉ cần tuân thủ đúng quy trình nuôi an toàn sinh học, lợn không bị bệnh, giá thành bán cũng cao hơn”.

Qua tìm hiểu, thời gian qua, một số hộ chăn nuôi heo khu vực Tây Nguyên đã mạnh dạn thay đổi cách làm, chăn nuôi an toàn sinh học. Thực tế cho thấy, chăn nuôi an toàn sinh học đàn lợn không bị dịch bệnh, bán giá cao và tăng thu nhập. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là, trong bối cảnh dịch bệnh, đầu ra sản phẩm chăn nuôi còn nhiều khó khăn, nông hộ vừa phải vay mượn đầu tư thêm vốn để thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, lại vừa phải phát triển theo quy mô hàng hóa bằng cách đẩy mạnh liên kết để tìm đầu ra ổn định. Khó khăn này khiến của nhiều người chăn nuôi băn khoăn chưa mạnh dạn thay đổi và tăng đàn.

Gia đình anh Nguyễn Thành Đoan ở thôn 5 xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông), nuôi lợn rừng nhiều năm, với nguồn thu nhập tương đối lớn. Tuy nhiên, sản phẩm thịt lợn rừng của gia đình anh, mới chỉ cung cấp nhỏ lẻ tại địa phương nên dù rất muốn tăng đàn, mở rộng quy mô anh vẫn e ngại đầu ra sản phẩm. Theo anh Đoan, lợn rừng có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, chi phí nuôi thấp nên hiệu quả kinh tế cao hơn so với lợn nhà; thịt lợn rừng cũng đang được người tiêu dùng các tỉnh ưa chuộng. 

Anh Đoan cho rằng, nhiều hộ dân cùng liên kết với nhau để có số lượng lớn, đồng thời gắn với giết mổ, tiêu thụ theo quy mô hàng hóa, thì chắc chắn đầu ra sẽ ổn nên  anh có dự định chủ động liên kết một số hộ chăn nuôi cùng phát triển hướng hàng hóa.

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông, để hạn chế dịch bệnh tốt nhất và đầu ra ổn định, nông hộ buộc phải thay đổi tư duy và thói quen chăn nuôi. Nông hộ cần quan tâm đến yếu tố kỹ thuật trong chăn nuôi theo quy trình. Việc kiểm soát chặt chẽ từ con giống thức ăn, chuồng trại đầu tư bài bản, vệ sinh bảo đảm sạch; tiêm vắc xin phòng bệnh sẽ bảo vệ vật nuôi tốt hơn khi dịch bệnh xảy ra. Ngành chăn nuôi tỉnh cũng đang khuyến khích nông hộ sản xuất chuyên nghiệp như vậy.

Trang trại chăn nuôi phát triển mạnh tại Tây Nguyên
Trang trại chăn nuôi quy mô lớn, an toàn sinh học đang có xu hướng phát triển mạnh tại Tây Nguyên

Phát triển bền vững

Một trong những giải pháp để người nông dân Tây nguyên tiếp cận, thay đổi để có cơ hội thoát nghèo từ chăn nuôi gia súc. Đó là, chăn nuôi theo mô hình trang trại quy mô lớn, đặc biệt chăn nuôi theo tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ cao (CNC). Đây được đánh giá là một trong những giải pháp chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm chăn nuôi.

Năm 2019, gia đình anh Lê Đình Kế, thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản của tỉnh hỗ trợ. Anh mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, hệ thống máng ăn tự động, kho chứa thức ăn… áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP trên quy mô 1.000m2. Trang trại của anh Kế thường xuyên nuôi 400 con lợn thịt và 45 lợn cái, bảo đảm đúng quy trình khép kín từ khâu cung ứng giống đến xuất bán.

Anh Kế cho biết: Chỉ cần tuân thủ quy trình chăm sóc, vệ sinh, phòng bệnh cho lợn theo tiêu chuẩn an toàn, không chất tăng trưởng, không kháng sinh. Đàn lợn phát triển khỏe mạnh, ít bệnh tật, thịt bảo đảm chất lượng, nên nhiều địa phương đến tận nơi thu mua. Mỗi tháng tôi xuất chuồng hơn 20 tấn lợn thịt, thu lãi 100 triệu đồng, cao hơn 20% so với khi chưa áp dụng VietGAP.

Theo báo cáo, tỉnh Đắk Lắk hiện có 3.079 trang trại chăn nuôi từ quy mô nhỏ đến lớn. Trong đó, nhiều trang trại áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm an toàn sinh học, cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, Tổ hợp Khu chăn nuôi ứng dụng CNC DHN Đắk Lắk do Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn DeHeus (Hà Lan) đầu tư xây dựng tại xã Ea M'Droh, huyện Cư M'Gar được đánh giá là hiện đại nhất khu vực Tây Nguyên theo chuỗi khép kín. Hệ thống trang trại được vận hành và giám sát đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ 4.0. 

Tại Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có khoảng 170 trang trại. Trong Kế hoạch số 2 ngày 3/1/2019 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc thực hiện Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, đến năm 2030, định hướng đến 2035 đã quy hoạch 3 vùng chăn nuôi ứng dụng CNC gồm, vùng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản, bò sữa ứng dụng CNC tại xã Quảng Phú (Krông Nô); quy hoạch vùng chăn nuôi heo ứng dụng CNC tại các xã Quảng Khê, Đắk Ha và Đắk Som (Đắk Glong); quy hoạch vùng chăn nuôi gia cầm ứng dụng CNC tại xã Quảng Tín (Đắk R’lấp).

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk đánh giá: các mô hình chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi công nghệ đã mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, xã hội và môi trường.Để phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, ngành chăn nuôi cần khai thác hiệu quả tiềm năng, trước hết phải dành quỹ đất quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh,an toàn sinh học, không gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt, người dân cần nâng cao ý thức về chăn nuôi an toàn. Có làm được như vậy lĩnh vực chăn nuôi mới phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.