Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Chàng sinh viên tiêu biểu ở Đắk Gằn

Lê Hường - 17:29, 15/12/2022

Thực hiện ước mơ làm thầy giáo và mong muốn thay đổi nếp nghĩ của bà con bon làng, Y Rul Knul (sinh năm 2004) dân tộc M’Nông, ở bon Đắk Gằn, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông luôn nỗ lực học tập. Hiện Y Rul đang theo học Khoa Sư phạm tiểu học, Trường Đại học Tây Nguyên và là một trong 142 đại biểu tham dự Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2022.

Chàng sinh viên tiêu biểu ở Đắk Gằn
Y Rul Knul ở ký túc xá của trường để tiện cho việc học

Sinh ra trong gia đình thuần nông có 5 anh em, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, Y Rul sớm phải phụ giúp gia đình làm việc nhà. Gia đình Y Rul có khoảng 3ha đất trồng đất chủ yếu đất đá, lại hay bị hạn hán nên cà phê cho năng suất không cao. Thấy bố mẹ làm nông nghiệp vất vả, vay mượn đầu tư đến lúc thu hoạch năm được mùa mất giá, được giá mất mùa, lời lãi chẳng được là bao, Y Rul quyết tâm học để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng ba mẹ Y Rul luôn khuyến khích con cái học hành. Y Rul tự hào khoe: “Nhà em là gia đình hiếm hoi ở bon Đắk Gằn có con học đại học, cao đẳng. Hiện tại, anh thứ 2 đang học Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk, em thì học đại học còn hai em nữa,  một đứa học lớp 10, đứa học lớp 7, chỉ có anh lớn nhất phải nghỉ học sớm phụ giúp bố mẹ lo cho các em ăn học”.

Y Rul kể: Hồi học cấp 2 em tự đạp xe đạp 7 cây số đi học, những ngày xe hư em đi bộ đến trường. Khi thi vào Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng ở Gia Nghĩa, em cũng là một trong số rất ít học sinh bon Đắk Gằn thi đậu. 3 năm học xa gia đình, được giao lưu với các bạn trong cả tỉnh, tiếp thu được nhiều kiến thức mới, nhất là kiến thức xã hội, em hiểu thêm giá trị của việc học, em càng cố gắng, nỗ lực nhiều hơn. Thành quả là em luôn đạt thành tích cao, học sinh giỏi trong các năm học. “Ở bon của em mọi người chưa thực sự quan tâm đến việc học cao, bạn nào học được lớp 12 đã là xuất sắc rồi. Nhiều gia đình trong bon cho rằng học cho biết chữ, viết được tên mình là được rồi, học làm gì lắm nên đa số học sinh trong buôn chỉ học đến cấp 2 cho biết chữ. Đến nay, trong bon của em chỉ em và 1 chị nữa học đại học thôi”.

Chàng sinh viên tiêu biểu ở Đắk Gằn 1
Ngày nghỉ Y Rul Knul tranh thủ về phụ giúp ba mẹ làm nương rẫy, chăm sóc cây trồng

Chia sẻ với chúng tôi, Y Rul bảo, với số điểm 25,25 điểm khối C, em có thể chọn một số trường, ngành nghề xã hội khác để học, nhưng em chọn Đại học Tây Nguyên vì ở gần nhà nhất, để ngày nghỉ em có thể về phụ giúp ba mẹ làm nương rẫy, chăm sóc vườn cây. Xa hơn nữa, học xong em muốn được về quê dạy học, truyền cảm hứng học cho các thế hệ em nhỏ, góp sức xây dựng quê hương, góp phần thay đổi cách nghĩ của bà con trong bon. “Em thấy mình may mắn và vinh dự khi được chọn đi dự Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu toàn quốc. Dù em không giỏi như nhiều người khác nhưng bản thân em đã rất cố gắng, rất nỗ lực. Em sẽ mang hình ảnh tốt đẹp của môi trường ngoài xã hội về truyền đạt lại cho mọi người trong bon, để mọi người thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Ở thời buổi hiện đại này không thể dừng lại ở việc biết chữ, biết nói tiếng Việt và biết tên của mình mà cần mở rộng kiến thức”.

Ông Lại Văn Tiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn cho biết: Xã Đắk Gằn có khoảng 60% đồng bào DTTS, chủ yếu đồng bào dân tộc M’Nông sống tập trung ở 4 bon Đắk Gằn, Đắk Krai, Đắk Sra, Đắk Láp. Trước đây, bà con trong bon chưa quan tâm đến việc học nhiều, nhưng những năm gần đây bà con đã dần thay đổi suy nghĩ. Nhờ đó, mấy năm nay xã có nhiều em đi học đại học, cao đẳng hơn. Mỗi năm, toàn xã có khoảng gần chục em thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, các trường học ở miền núi Quảng Ngãi đã mở lớp đào tạo hát múa dân ca, đánh chiêng… trong học đường. Điều này vừa tạo sự thích thú cho học sinh, vừa góp phần gìn giữ văn hoá truyền thống.