Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Học sinh DTTS trước ngưỡng cửa đại học: Bước tiếp bằng cách nào ?

Văn Hoa - 16:01, 12/09/2021

Mùa tuyển sinh đại học, bên cạnh không khí nô nức của đại đa số học sinh trước ngưỡng cửa đại học, thì với nhiều học sinh vùng DTTS và miền núi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lại có những sự trăn trở, những nỗi niềm vui buồn lẫn lộn khi đứng trước sự lựa chọn khó khăn của cuộc đời mình: Tiếp tục hay dừng lại?

Tuyên dương, khen thưởng là một trong những hoạt động ý nghĩa tiếp thêm động lực cho học sinh, sinh viên trên con đường lập thân, lập nghiệp. (Trong ảnh: Học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc tiêu biểu năm 2020 ghi danh sổ Vàng tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám)
Tuyên dương, khen thưởng là một trong những hoạt động ý nghĩa tiếp thêm động lực cho học sinh, sinh viên trên con đường lập thân, lập nghiệp. (Trong ảnh: Học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc tiêu biểu năm 2020 ghi danh sổ Vàng tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám)

Nỗi niềm trăn trở

Em Lý Láo San, dân tộc Dao, thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành (Bát Xát, Lào Cai) chia sẻ trên Gruop “Người Dao Việt Nam- Gắn kết từ bản sắc” rằng, các bạn bè cùng trang lứa thường nghỉ học khi hết lớp 9, và em là người duy nhất học cấp III nội trú tại huyện. Hiện trong thôn em chưa có ai học đại học; gia đình em vừa thoát nghèo.

Sau nhiều lần thuyết phục, San đã được gia đình đồng ý được tiếp tục học đại học với điều kiện, phải tự lo trang trải cuộc sống và chi phí học tập, bởi bố mẹ đã cao tuổi, nhà làm nông nên thu nhập không ổn định.

San cho biết thêm, sau khi thi xong tốt nghiệp THPT hồi tháng 7, em dự định đi làm thêm để có tiền đi học, nhưng ngặt nỗi ở nhà không có ai cày cấy. Đến khi việc nhà đã ổn định, nhưng vì dịch Covid-19 em đã không đi làm thêm được. San muốn học trường Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại Hà Nội, nhưng với hoàn cảnh như vậy, em rất lo lắng và không biết làm sao.

Câu chuyện của San được cộng đồng người Dao chia sẻ, động viên và mong muốn, em cố gắng khắc phục những khó khăn trước mắt để đạt được ước mơ của mình. Đặc biệt, sau khi nhận được những tư vấn chân tình từ những người đi trước, xét lại hoàn cảnh gia đình và điều kiện của địa phương, San đã quyết định học tiếp nhưng rẽ đi một hướng mới phù hợp hơn, là học tại Đại học Thái Nguyên, Phân hiệu Lào Cai. Tại đây, em có thể theo đuổi ước mơ tiếp tục học đại học để thay đổi cuộc sống, vừa có thể hỗ trợ được công việc gia đình khi khoảng cách về nhà không quá xa.

Không được may mắn như San, em Lò Thị Nguyệt, dân tộc Thái, xã Nghĩa Lợi (Thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) lại có hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Bố Nguyệt ốm yếu nên mọi gánh nặng đều dồn lên đôi vai của mẹ. Mẹ vừa mới mất, Nguyệt là chị cả mang trong mình trách nhiệm chăm sóc cho 2 em. Dự định rằng sẽ đi học tiếp đại học, nhưng em vẫn chưa trao đổi với bố, em biết rằng, bố em sợ sẽ không lo được cho con nên cũng không dám cho em đi học tiếp.

Dù thế nào Nguyệt cũng muốn đi học, em dự kiến sẽ xuống Hà Nội học ngành Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Trong thời gian đi học, em sẽ cố gắng làm thêm để có thể trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, em không làm được việc nặng do sức khỏe yếu từ bé; em cũng lo lắng cho bố và 2 em ở nhà, không biết xoay sở ra sao”, Nguyệt bộc bạch.

Em Lý Láo San và Lò Thị Nguyệt là hai trong số hàng nghìn học sinh DTTS đang gặp những khó khăn trước ngưỡng cửa đại học, nhưng không phải là khó khăn nhất. Trên thực tế, có hàng ngàn học sinh DTTS phải nghỉ học khi hết cấp II, III do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn, khoảng cách từ nhà tới trường quá xa và do vấn đề bình đẳng giới.

Với hoàn cảnh khó khăn như vậy, nếu tiếp tục đi học, đồng nghĩa với việc các em sẽ phải đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, phải tự mình bươn chải, tự lo học phí, chi phí sinh hoạt, và ai sẽ là người gánh vác gia đình. Đây là nỗi lo, cũng là trăn trở nhất đối với đại đa số học sinh. Thực tế cho thấy, có những khó khăn về kinh tế, thì các em có thể cố gắng khắc phục được, nhưng với những hoàn cảnh, các em là trụ cột, là lao động chính trong gia đình thì việc đi học là rất khó khăn.

Và nếu dừng lại không học nữa, có thể giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế, nhưng sẽ đánh mất đi cơ hội của cuộc đời. Đây là suy nghĩ, là niềm đau đáu của nhiều thế hệ học sinh nghèo, học sinh DTTS.

Lý Láo San trong ngày tốt nghiệp THPT
Lý Láo San trong ngày tốt nghiệp THPT

Cần có quyết tâm

Tôi còn nhớ như in, và đau đáu với cô bạn học cùng đại học người Mường, quê Hòa Bình đã phải nghỉ học khi đã cố gắng đến năm thứ III của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vì gia đình quá khó khăn, bố mẹ ốm yếu không ai chăm sóc.

Bên cạnh cái nghèo, vẫn còn nhiều gia đình người DTTS ưu tiên con trai đi học hơn là con gái, bởi tư duy “con gái đi học nuôi nhà người ta” hay “con gái đi học thì ai lên nương”.

Tôi không biết khuyên các em nên tiếp tục hay dừng lại, bởi xét theo từng hoàn cảnh, các em sẽ có con đường lựa chọn tốt nhất cho bản thân mình. Nhưng tôi mong muốn các em sẽ biết tới những tấm gương vượt khó trước khi có lựa chọn cho riêng mình.

Nếu không có những ý chí quyết tâm mạnh mẽ, thì chắc chắn cô gái Chảo Thị Yến, dân tộc Dao, từng bị gia đình bắt nghỉ học để lấy chồng không thể hoàn thành Chương trình Đại học và nhận được học bổng danh giá xuất sắc của Đức…

Hay như tấm gương Lý Dào Quyên, dân tộc Dao, ở huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) sinh viên năm nhất ngành Luật, Viện Đại học Mở (Hà Nội). Gia đình Quyên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bản thân em bị liệt cánh tay phải do điện giật. Tuy nhiên, với nghị lực học tập, em Quyên nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành một luật sư.

Có rất nhiều con đường để đến với thành công, nhưng con đường vững chắc nhất là con đường tiếp tục học lên cao hơn. Trước khi lựa chọn con đường đi cho riêng mình, các bạn hãy mạnh mẽ vượt qua những rào chắn, những khó khăn trước mắt để hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.