Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Chàng trai 7 năm miệt mài với hoạt động chia sẻ khó khăn cùng đồng bào DTTS ở Điện Biên

Tào Đạt - Thanh Nga - 14:35, 03/10/2024

Trong những năm gần đây, đến hẹn, tầm 7 giờ sáng, trước cửa tiệm cắt tóc của anh Nguyễn Quốc Việt ở huyện Tuần Giáo (Điện Biên) đều có hàng chục người đứng chờ sẵn đợi nhận quần áo tặng miễn phí...

Anh Việt cũng vận động quyên góp thực phẩm cho học sinh vùng cao cũng như người dân khó khăn, tháng 1/2024 (Ảnh: NVCC)
Anh Việt vận động quyên góp thực phẩm cho học sinh vùng cao và người dân khó khăn, tháng 1/2024 (Ảnh: NVCC)

Từ năm 2017, tiệm cắt tóc của anh Việt (34 tuổi), tại huyện Tuần Giáo là nơi trao tặng quần áo miễn phí cho người dân khó khăn ở tỉnh Điện Biên. Anh cho biết những người tới sớm thường ở bản xa, cách chỗ anh chừng 30-40 km. “Có ngày chục lượt vừa cắt tóc cho khách vừa chạy ra phân loại đồ gửi bà con cũng bận rộn lắm ”, anh Việt nói.

Năm 2016, chàng trai quê Hưng Yên theo gia đình lên Điện Biên để làm ăn. Huyện Tuần Giáo nơi anh sinh sống có rất nhiều đồng bào Mông, người Thái.Thời gian đầu, ngay cả ở bản anh Việt cũng còn ngại giao tiếp với bà con vì nhiều người, nhất là những người lớn tuổi không thạo tiếng Kinh.

Tuy nhiên, trong một lần đi khám phá bản làng, núi rừng, anh Việt biết được, cuộc sống của đồng bào DTTS còn rất nhiều khó khăn, có những gia đình đồng bào trên địa bàn vẫn phải sống ở trong cảnh không điện, không nước. Anh cũng tận mắt chứng kiến có những đứa trẻ đi chân trần, mặc áo cộc, tay cầm nắm cơm trắng ngồi ăn ven đường cùng mẹ, giữa thời tiết giá lạnh, khiến anh nghẹn ngào chực khóc.

7 giờ sáng, tiệm tóc của anh Nguyễn Quốc Việt có hàng chục bà con đến nhận quần áo miễn phí
7 giờ sáng, tiệm tóc của anh Nguyễn Quốc Việt có hàng chục bà con đến nhận quần áo miễn phí

Sau hôm đó, Việt bắt đầu học tiếng Mông từ lời chào, lời cảm ơn đến những câu giao tiếp cơ bản để có thể trò chuyện nhiều hơn với người dân. Anh tự gom quần áo còn mới của mình, mong muốn giúp mọi người đủ ấm vào mùa đông, trẻ em có đồ đi học. Số lượng còn ít, anh đã vận động thêm người thân, bạn bè, và anh còn đăng thông tin quyên góp lên các trang mạng xã hội để có được nhiều đồ tặng người dân. Anh Việt còn sẵn sàng chi trả tiền vận chuyển của những người ở xa gửi tới, trong đó có những kiện hàng lên tới cả triệu đồng cước phí, chỉ mong nhận lại quần áo, giày dép chất lượng.

“Có những tháng lương cắt tóc không đủ để trả phí vận chuyển, được hơn một năm thì tôi xin họ hỗ trợ cả phần cước, chỉ trả giúp cho học sinh, sinh viên”, anh nói đây là cách duy nhất giúp anh duy trì hoạt động lâu dài vì kinh tế hạn hẹp.

Đến năm 2019, ngoài tiệm cắt tóc, Việt cùng nhóm vài người bạn tổ chức đặt tủ đồ 0 đồng ở bệnh viện, một số điểm quanh huyện Tuần Giáo, Điện Biên để nhiều người biết tới và nhận quần áo. Tuy nhiên, sau một năm, chỉ còn mình anh Việt tiếp tục với hoạt động thiện nguyện này. “Bà con lại đổ về tiệm cắt tóc, nhiều ngày quá tải người xin, tôi phải nghỉ làm để phát đồ cho họ”, Việt kể.

Thời điểm đó, chàng trai quê Hưng Yên cũng nhiều lần chất đầy quần áo lên xe máy, một mình đi hàng chục km đường đèo lên bản để phát đồ cho trẻ em, người già. Có hôm đến nơi trời đổ mưa, đường đất nhão nhoẹt, dốc cao, dù nguy hiểm nhưng anh chỉ lo bọc nilon bảo vệ quần áo khỏi ướt, vừa dắt xe vừa giữ đồ.

Năm 2022, Việt quay hành trình đến các vùng xa xôi, không điện, không Internet, khó khăn ở vùng cao và đăng tải trên mạng xã hội. Anh bất ngờ khi các video nhận được hàng triệu lượt xem cũng như quần áo quyên góp gửi về Điện Biên ngày càng nhiều. Đến nay, mỗi tháng, anh nhận được vài trăm kg đến hàng tấn đồ, đủ để duy trì cho bà con đến nhận mỗi ngày.

“Mọi người lấy bao nhiêu tùy thích, có thể đem về cho người thân, hàng xóm không đến được. Những đồ mới chưa mặc sẽ chia đều, phát cho người phù hợp độ tuổi”, anh Việt chia sẻ.

Hơn một tấn quần áo được anh Việt cùng các mạnh thường quân hỗ trợ cho bà con xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
Hơn một tấn quần áo được anh Việt cùng các mạnh thường quân hỗ trợ cho bà con xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên

Mang theo mật ong cùng ít ngô, khoai nhà trồng, Mùa Thị Ca, 18 tuổi, ở huyện Tuần Giáo, Điện Biên đi hơn 15 km đến gửi tặng cho anh Quốc Việt. Ca mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống cùng ông bà, mấy năm nay nhờ có anh Việt hỗ trợ quần áo, sách vở để Ca theo học con chữ.

 “Từ ngày được anh Việt chia sẻ, động viên, Ca yêu cuộc sống hơn và muốn học hành thành tài để giúp đỡ được nhiều người khó khăn”, Ca nói.

Cùng với hoạt động mô hình tủ đồ 0 đồng, cứ hai, ba tháng, Việt cùng nhân viên trong tiệm lại tổ chức đi cắt tóc miễn phí cho học sinh ở nhiều địa bàn của huyện.

Thầy Nguyễn Văn Doanh, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Mùn Chung (xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo) cho biết: Suốt ba năm nay, mỗi năm một lần Việt đều đến cắt tóc cho trẻ ở đây.

Thầy Doanh chia sẻ, trường có 636 học sinh, chủ yếu là người Mông, Thái, hơn 70% thuộc hộ nghèo. Cha mẹ các em cũng vì mưu sinh nên chỉ lo lao động để có đủ ăn, còn việc chăm sóc con cái, như việc cắt tóc cho các em, nhiều gia đình thường dùng nồi, bát úp lên đầu rồi tỉa vòng tròn hoặc cắt lởm chởm.

“Mỗi lần tới Việt cắt rất cẩn thận, tỉ mỉ, có đợt ở cả ngày từ sáng đến chiều tối mới đủ hết học sinh, nhờ có Việt mà các em mặt mũi nhìn sáng sủa, tự tin đến trường hơn”, thầy Doanh nói.

Những ngày cuối tháng 9, mặc thời tiết thất thường nắng nóng, rồi lại mưa ngập lụt nhưng Việt vẫn dậy sớm xếp quần áo, kê lên cao cho bà con tới nhận.

“Giờ có ốm cũng không nghỉ, vì ngày nào cũng có người chờ lấy quần áo miễn phí, mình chỉ mong muốn sau này làm được thêm tiền để có thể hỗ trợ thêm bữa ăn cho bệnh nhân nghèo”, chàng trai 34 tuổi trải lòng. 

Tin cùng chuyên mục
Hậu Giang: Nữ giám đốc hợp tác xã Kỳ Như sở hữu 11 sản phẩm OCOP đạt 4 sao

Hậu Giang: Nữ giám đốc hợp tác xã Kỳ Như sở hữu 11 sản phẩm OCOP đạt 4 sao

Chị Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Kỳ Như, có địa chỉ ấp tại Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã biến con cá thát lát nhiều xương, thành đặc sản nổi tiếng, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Cùng 20 loại sản phẩm khác nhau, từ cá thát lát, cá sặc rằn và ếch, HTX đã đáp ứng nhu cầu của khách hàng tiêu dùng với 11 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao.