Dù đã tốt nghiệp Đại học ở thành phố nhưng Hồ Văn Thằn vẫn quyết định trở về quê hương khởi nghiệp từ chăn nuôiTrở về quê hương
Hồ Văn Thằn, người Bru Vân Kiều (sinh năm 1991) sinh ra và lớn lên ở vùng đất khó Ra Po, xã Xy, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Ngày trước Thằn cũng theo đuổi giấc mơ con chữ như bao bạn cùng trang lứa. Ở cái bản nhỏ và cả xã Xy ai cũng biết đến Thằn, bởi từ nhỏ Thằn đã học rất giỏi. Đặc biệt là, nhà Thằn rất nghèo, bố mất sớm nên việc học của Thằn gặp nhiều chông gai. Thế nhưng, Hồ Văn Thằn không bỏ học, quyết chí đi tìm “cái chữ” để lập thân.
Đang trò chuyện, anh Thằn ngưng một nhịp rồi giọng trầm xuống: “Trên hành trình thực hiện ước mơ đi tìm con chữ, tôi đã có hai lần quyết tâm rời bản. Đó là lần nhập học tại Trường THPT Dân tộc nội trú ở thị xã Quảng Trị và lần lên đường nhập học Trường Đại học Y Dược Huế. Nhưng dường như có cái duyên nào đó đã níu chân tôi, không cho tôi rời khỏi bản làng Ra Po”.
Thời điểm đó, số học sinh thôn Ra Po rời bản xuống thành phố theo học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn học lên đến đại học thì cả thôn chỉ có mỗi Thằn. Cứ ngỡ khi vượt qua được chặng đường học tập gian truân ấy, Thằn sẽ chạm đến tương lai sáng với cái nghề được học hành bài bản trong tay.
Ấy vậy mà sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược Huế, Thằn trở về quê hương lại không xin được việc làm đúng chuyên ngành. Còn đi xa, Thằn lại không nỡ vì còn có mẹ già ốm đau ở quê một mình. Thế là Thằn lại lam lũ với nương rẫy như xưa và làm thêm một số công việc bán chuyên trách ở UBND xã.
Rồi Thằn “khởi nghiệp”, mô hình nuôi lợn bản được anh đặt kỳ vọng giúp mình và gia đình thoát được cái nghèo đã đeo đẳng bấy lâu. Nghĩ rồi làm, Thằn dồn hết số tiền tích góp và vay mượn thêm để nuôi 25 con lợn bản địa. Cách Thằn nuôi lợn bản địa vẫn là thả rông, giống cách mà dân bản nuôi bao đời nay. Dịch bệnh bùng phát, lợn chết hàng loạt lan từ nhà này sang nhà khác đã đẩy Thằn vào thế trắng tay. Kinh nghiệm là thứ duy nhất mà Thằn có được sau lần “khởi nghiệp” đầu đời!
Anh Hồ Văn Thằn (thứ 3 từ phải sang) cùng các thành viên dự án “Đồng hành-cùng ước mơ cất cánh” tại xã XyKhởi nghiệp lần 2 để quyết tâm thoát nghèo
Đúng như con người và tính cách kiên định từ nhỏ, Thằn lại “khởi nghiệp” lần 2, với mô hình nuôi lợn bản địa. Để thuyết phục được tổ chức “Đồng hành - cùng ước mơ cất cánh” (nhóm do một số cựu sinh viên Việt Nam ở Nhật Bản và một số thanh niên trong nước lập) cho vay vốn, Hồ Văn Thằn đã viết: “Tôi đã từng thất bại nhưng mong muốn thoát nghèo chưa bao giờ lung lay mà ngược lại, cứ thôi thúc tôi mỗi ngày. Tôi vẫn sẽ nuôi lợn bản địa vì đã hiểu rõ nguyên nhân của sự thất bại, cũng như giá trị kinh tế mà mô hình này mang lại trong tương lai”.
Tháng 8/2022, tổ chức “Đồng hành - cùng ước mơ cất cánh” đã bị Hồ Văn Thằn thuyết phục. Với số tiền 50 triệu đồng được vay ưu đãi từ tổ chức này, Thằn vay mượn thêm bạn bè, người thân để khởi nghiệp lần 2 với mô hình nuôi lợn bản địa.
Lần này, Thằn đầu tư xây dựng chuồng trại riêng, mua 5 con lợn bản địa về nuôi giống. Nhờ kinh nghiệm từ lần trước đó, cùng với học hỏi thiêm kiến thức về thú y, Thằn đã chủ động được khâu phòng dịch và chăm sóc lợn đúng kỹ thuật.
Sau gần 3 năm “khởi nghiệp” lần 2, với mô hình nuôi con lợn bản địa, đến nay Thằn đã có 10 con lợn nái và thường xuyên có 30-40 con lợn giống trong chuồng. Nhờ có nguồn con giống bảo đảm cho nên dễ dàng cung cấp cho thị trường, chủ yếu là cung cấp cho đồng bào Bru Vân Kiều ngay tại địa phương.
Không nản chí anh Thằn quyết định khởi nghiệp lần 2 và thành công với mô hình nuôi lợn bản địaBình quân mỗi năm, anh Hồ Văn Thằn xuất bán từ 90 đến 120 con lợn giống. Với giá hiện nay rơi vào khoảng 1,2 đến 1,5 triệu đồng/con, anh Thằn có thu nhập từ 135- 180 triệu đồng/năm từ bán lợn bản địa giống.
Chưa dừng lại ở đó, trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến nay, Thằn đã đào thêm 2 ao để thả hơn 1.000 con cá trê vàng và hơn 200 con cá trắm giống. Để tiến tới mục tiêu hình thành trang trại tổng hợp, Thằn đã mua thêm đất để trồng 2ha tràm, 1ha sắn….và cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Hiện gia đình Hồ Văn Thằn còn có thêm 10 con bò, dê.
Nói về dự định trong tương lai, Thằn tâm sự: “Với cách làm lấy ngắn nuôi dài, tôi sẽ mở rộng mô hình đa cây, đa con theo hướng vừa cung cấp lợn giống vừa cung cấp lợn thịt, vừa bảo tồn được giống lợn bản địa”.
Từ con giống lợn bản địa mà anh Hồ Văn Thằn cung cấp, nhiều hộ đồng bào Bru Vân Kiều đã vươn lên thoát nghèoHành trình khởi nghiệp để thoát nghèo của thanh niên Hồ Văn Thằn đã trở thành hiện thực. Không những thoát được nghèo, Thằn còn làm giàu ngay trên chính quê hương. Đó là kết quả của ý chí kiên định và tinh thần lao động không ngơi nghỉ. Năm 2024, anh Thằn đã xây dựng ngôi nhà mới, khang trang trị giá hơn 500 triệu đồng; trở thành tấm gương sáng về hội viên Hội Nông dân phát triển kinh tế giỏi để cho thế hệ thanh niên Bru Vân Kiều ở xã Xy học tập và làm theo.