Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hòa Bình: Khởi nghiệp từ nông sản sạch

Nghĩa Hiệp - 21:52, 08/03/2020

Anh Bùi Huy Chương, sinh năm 1984, dân tộc Mường, xóm Minh Sơn, xã Yên Trị, huyện Yên Thủy (Hoà Bình) đã lựa chọn mô hình sản xuất nông sản sạch để khởi nghiệp. Bằng những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ, sản phẩm thịt lợn rừng của anh đang được nhiều đơn vị thu mua, ký hợp đồng tiêu thụ ổn định.

Anh Bùi Huy Chương dùng thảo dược trong chăn nuôi để tạo ra những sản phẩm chất lượng.
Anh Bùi Huy Chương dùng thảo dược trong chăn nuôi để tạo ra những sản phẩm chất lượng

Dành nhiều năm đi tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật chăm sóc lợn rừng, nhưng phải đến năm 2013 ước mơ khởi nghiệp của anh Bùi Huy Chương mới thành hiện thực. “Lúc bắt tay vào làm trang trại, tôi mượn sổ đất của bố mẹ đi vay ngân hàng, nhưng lại không được cấp ngay, do dự án không khả thi. Để có vốn, tôi nhận trông coi một số công trình xây dựng, lấy ngắn nuôi dài, tích góp nuôi ước mơ”, anh Chương nhớ lại.

Khi có trong tay 100 triệu đồng từ công việc của bản thân cũng như vay mượn, để có giống lợn chuẩn, anh Chương đã tìm đến xã Lạc Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Số vốn ban đầu chỉ đủ cho anh mua 3 con lợn mẹ, tiền làm chuồng tại và thức ăn chăn nuôi. Tuy khó khăn, nhưng ước mơ ngày nào đã được hiện thực bằng những bước đi đầu tiên, nghĩ đến ngày đàn lợn sạch do tự tay mình chăn nuôi được đưa đến tay người tiêu dùng, anh phấn khởi lắm!

Đến nay, sau gần 10 năm, anh Chương đã tạo được mô hình kinh tế “sạch từ trang trại đến bàn ăn”. Với hơn 2ha gồm 14 chuồng nuôi lợn rừng, lúc cao điểm có hơn 100 con lợn thịt sẵn sàng xuất bán, với giá trung bình 120 - 150 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó anh còn kết hợp mô hình vườn - ao - chuồng, mở rộng quy mô trang trại thêm 2ha mặt hồ để nuôi các loại cá mè, chép, trắm cỏ… Mỗi năm, trừ chi phí đầu tư, mô hình sản xuất thực phẩm sạch của anh Chương đã đem về lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định 5 triệu đồng/tháng.

Năm 2019, nhiều hộ nuôi lợn thua lỗ do dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, đàn lợn của anh Chương không bị ảnh hưởng. Bởi anh đã chủ động phòng tránh ngay từ rất sớm. Sản phẩm thịt lợn sạch của anh luôn được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp lớn muốn ký hợp đồng phân phối độc quyền với anh.

Chia sẻ về bí quyết thành công, anh Chương cho biết: “Để tạo nên chất lượng thịt lợn thơm, giòn, tôi quan tâm đến nguồn thức ăn. Tôi đã nghiên cứu và áp dụng quy trình ủ lên men vi sinh từ cám ngô, thóc của chính người dân Yên Thủy làm ra. Bên cạnh đó, tôi đầu tư trồng các loại cây thảo dược để cho lợn ăn, phòng được nhiều loại bệnh, tăng cường sức đề kháng cho đàn gia súc. Tôi thường xuyên quan tâm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh môi trường. Tất cả đã tạo nên sản phẩm lợn rừng sạch, thơm ngon, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình tôi”.

Trong cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình lần thứ I, năm 2018”, Bùi Huy Chương vinh dự được Ban Chấp hành Tỉnh đoàn tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, anh cũng là đại diện cho thế hệ thanh niên DTTS trẻ tham dự Đại hội Đại biểu các DTTS toàn quốc năm 2020.

Vinh dự được tham dự Đại hội Đại biểu các DTTS toàn quốc, Bùi Huy Chương chia sẻ: “Tôi rất cảm kích vì mọi cố gắng, nỗ lực của tôi được các cấp chính quyền ghi nhận. Được dự Đại hội Đại biểu các DTTS toàn quốc, tôi rất tự hào, tôi hứa sẽ phấn đấu, nỗ lực hơn nữa trong phát triển kinh tế, trở thành điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi tại địa phương”.


Tin cùng chuyên mục
Phiên chợ tiền tỷ của người Xơ Đăng

Phiên chợ tiền tỷ của người Xơ Đăng

Từ ngàn xưa, cây sâm Ngọc Linh được đồng bào Xơ Đăng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam rất trân quý, gọi là cây “thuốc giấu”, và xem đó là món quà do Giàng (Trời) ban để bồi bổ sức khoẻ cũng như chữa bệnh. Ngày nay đã thành thông lệ, mỗi tháng một lần, những phiên chợ sâm Ngọc Linh “độc nhất vô nhị” đã thu hút các đại gia từ mọi miền đất nước đổ về tìm mua sâm. Đây cũng là dịp để những “tỷ phú xứ núi” gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trồng cây “thuốc giấu”.