Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

“Chắp cánh” cho sản phẩm đặc trưng địa phương

Thành Nhân - 21:56, 31/03/2020

Năm 2020, nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định tiếp tục xúc tiến xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm đặc trưng, giúp cho người dân tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập.

Xây dựng được thương hiệu giúp bánh tráng nước dừa Tam Quan ngày càng có nhiều khách hàng lựa chọn.
Xây dựng được thương hiệu giúp bánh tráng nước dừa Tam Quan ngày càng có nhiều khách hàng lựa chọn.

Hoài Nhơn là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm đặc thù, theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Với mục đích tăng giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương, Hoài Nhơn tiếp tục đăng ký nhãn hiệu cho một loạt sản phẩm đặc trưng như: Nếp ngự, dừa, dầu phụng, bưởi...; Việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm địa phương trở nên quan trọng và hết sức cần thiết khi có một số doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng mua sản phẩm, với yêu cầu, tem truy xuất nguồn gốc.

Ông Nguyễn Văn Hóa, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn dẫn chứng: Với sản phẩm nếp ngự trồng ở xã Hoài Sơn, hạt nếp tròn mẩy, bột nhiều, dẻo và thơm, có thể dùng nấu xôi, làm bánh tét, bánh hồng, làm cốm… đang rất được thị trường ưa chuộng. Đăng ký nhãn hiệu chính là để khẳng định chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm. Năm nay, huyện cũng quyết định mở rộng diện tích trồng nếp từ 5ha lên 11ha và triển khai chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Tại huyện Hoài Ân, sau hiệu ứng tốt từ thị trường với hai nhãn hiệu đầu tiên được cấp giấy chứng nhận là “Bưởi Hoài Ân” và “Trà Gò Loi”, năm nay, huyện tiếp tục đăng ký hai nhãn hiệu “Heo Hoài Ân” và “Dừa xiêm Hoài Ân”. Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết, quá trình thẩm định sản phẩm, các chuyên gia đánh giá sản phẩm thịt heo Hoài Ân ăn thơm, ngon, nhiều dinh dưỡng; trong khi đó, dừa xiêm trồng trên địa bàn huyện cũng có vị ngọt thanh hơn một số vùng miền khác trong nước.

Năm 2020, huyện Vân Canh xúc tiến xây dựng nhãn hiệu đầu tiên của huyện, là vải thổ cẩm làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận). Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống từ bao đời của đồng bào Ba Na trong làng, với gần 60 hộ đang theo nghề này.

“Điều đáng quý, nhiều chị em vẫn giữ kỹ thuật dệt từ xa xưa; duy trì cách đan xen những sợi chỉ nhiều sắc màu để tạo ra các loại hoa văn đặc trưng trên nền vải thổ cẩm. Huyện quyết định xây dựng nhãn hiệu để đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm”, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết.

Theo ông Trần Đình Chương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bình Định, cùng với đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường về chất lượng, nguồn gốc, mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm, thì việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đóng vai trò “sống còn” trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay. Hằng năm, Sở KH&CN đều phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ, hướng dẫn địa phương về quy trình, thủ tục làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm địa phương.

“Chúng tôi còn kết hợp với một số sở, ngành liên quan định hướng, đề xuất, tham vấn các địa phương cách rà soát, chọn lựa sản phẩm đặc trưng, hướng phát triển sản phẩm sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Trong năm 2020, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Chiến lược sở hữu trí tuệ đến các cá nhân, DN, giúp họ hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, tránh chuyện xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”, ông Chương nhấn mạnh.