Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư tuyến giáp

Như Ý - 02:24, 14/06/2024

Ung thư tuyến giáp là loại ung thư phổ biến nhất trong ung thư của các tuyến nội tiết. Đối với người bệnh ung thư tuyến giáp, ngoài các phương pháp điều trị thông thường cho tình trạng tuyến giáp, việc thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ưu tiên thực phẩm lành mạnh, không hút thuốc, tập thể dục thường xuyên… là rất quan trọng. Những biện pháp này có tác động tích cực, giúp người bệnh phục hồi sức khỏe và làm giảm khả năng ung thư tái phát.

 Ngoài các phương pháp điều trị thông thường cho tình trạng tuyến giáp, việc thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ưu tiên thực phẩm lành mạnh, không hút thuốc, tập thể dục thường xuyên… là rất quan trọng
Ngoài các phương pháp điều trị thông thường cho tình trạng tuyến giáp, việc thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ưu tiên thực phẩm lành mạnh, không hút thuốc, tập thể dục thường xuyên… là rất quan trọng

Những thực phẩm nên ăn khi bị ung thư tuyến giáp

Người bệnh tuyến giáp nên chú ý bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B, vitamin A, C và E là các chất chống oxy hóa hiệu quả, giúp loại bỏ những tổn thương tuyến giáp. Thịt lợn, rau lá xanh, thịt gà, trứng, các loại đậu, hải sản có vỏ cứng, mầm lúa mì, hạnh nhân, đậu Hà Lan, ngũ cốc nguyên hạt... rất giàu vitamin B và cần được bổ sung vào chế độ ăn uống để tuyến giáp hoạt động khỏe mạnh. Cụ thể:

Hải sản: Để có được một tuyến giáp khỏe mạnh, các loại hải sản như tôm, cá, cua...sẽ là sự lựa chọn đúng đắn cho chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân tuyến giáp. Hải sản chứa nhiều vi chất bổ dưỡng như I-ốt, kẽm, vitamin B, omega -3... và đó là những chất giúp tuyến giáp của cơ thể khỏe mạnh hơn.

Trái cây tươi: Trong các loại trái cây và hoa quả tươi đều có rất nhiều dưỡng chất cần thiết, có lợi cho sức khỏe. Hàm lượng các vitamin có trong trái cây rất tốt đối với việc chống lại quá trình oxy hóa, giúp tăng tái tạo lại các tế bào và hỗ trợ giải độc cơ thể,... Người bệnh có thể chọn những loại trái cây như: việt quất, anh đào, táo, cam, quýt… giàu chất chống oxy hóa, giúp cải thiện tình trạng tuyến giáp, không gây bướu cổ.

Rau có màu xanh đậm: Các loại rau có màu xanh đậm như rau bina, súp lơ, rau diếp, rau cần,… được cho là rất tốt cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Các loại rau này có chứa rất nhiều magie, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của tuyến giáp. Nếu bạn có các biểu hiện như mệt mỏi kéo dài, đau mỏi cơ, nhịp tim bất thường … thì đây cũng là những biểu hiện của thiếu magie. Bệnh nhân K giáp hãy bổ sung rau xanh đậm hằng ngày để tăng cường sức khỏe và tốt cho tuyến giáp.

(Tổng hợp) Chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư tuyến giáp 1

Sữa chua ít béo: Sữa chua ít béo chứa nhiều iốt, vitamin D nên rất tốt cho tuyến giáp. I-ốt có vai trò quan trọng giúp sản xuất hormone tuyến giáp. Vitamin D tham gia vào quá trình điều hòa hệ thống miễn dịch, giúp ngăn bệnh Hashimoto. Do đó, sữa chua ít béo là lựa chọn phù hợp với người bệnh tuyến giáp.

Trứng: Trong trứng chứa nhiều i-ốt, selen, axit béo omega-3, nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho một tuyến giáp khỏe mạnh, hỗ trợ hệ thống miễn dịch nên rất tốt để cải thiện sức khỏe của người bệnh tuyến giáp. Dù trứng cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể nhưng không được lạm dụng quá mức. Người bệnh cần có chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng các loại thực phẩm để giúp cải thiện sức khỏe tốt hơn.

Các loại hạt: Hạt điều, hạnh nhân, hạt bí là những nguồn thực phẩm tuyệt vời giàu magie, tốt cho tuyến giáp. Các loại hạt sẽ cung cấp cho cơ thể protein thực vật, kẽm, đồng, vitamin E, và B giúp tuyến giáp hoạt động trơn tru.

Thực phẩm giàu I ốt: I ốt đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với hoạt động tổng hợp hormon tuyến giáp. Thiếu I ốt là nguyên nhân gây nhiều bệnh về tuyến giáp trong đó có ung thư tuyến giáp. I ốt có nhiều nhất trong muối bổ sung I ốt. Ngoài ra, một số thực phẩm khác như các loại tảo biển, rong biển, tôm cá biển cũng giàu I ốt và rất tốt cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, việc bổ sung quá nhiều I ốt dẫn đến dư thừa lại gây nên tình trạng viêm tuyến giáp, người bệnh cần lưu ý.

Thực phẩm nhiều Omega-3: Omega-3 là dưỡng chất được khuyên có thể bổ sung hằng ngày, ngay cả với người bình thường. Loại acid béo này rất tốt cho sức khỏe và trí não, cần thiết cho việc sản sinh và điều tiết mức T3 của tuyến giáp. Các loại thực phẩm chứa nhiều acid Omega-3, đặc biệt là cá hồi. Ngoài ra, các thực phẩm khác như cá hồng, cá ngừ, cá mòi, cá bơn, tôm cũng chứa nhiều acid béo này.

Bên cạnh đó, những loại dưỡng chất này cũng thúc đẩy hoạt động của hệ miễn dịch để giúp cơ thể tiêu diệt các mầm bệnh và kích thích khả năng điều trị các bệnh. Đó cũng là lý do vì sao, trái cây tươi được xem là sự lựa chọn tốt nhất, không chỉ riêng với những bệnh nhân bị u tuyến giáp mà còn với những trường hợp bệnh lý khác.

Kẽm, đồng và sắt: Có trong gan bê, nấm, củ cải, rau mồng tơi... Các vi chất dinh dưỡng này sẽ giúp chức năng tuyến giáp hoạt động tối ưu. Kẽm giúp tăng mức TSH (một hormone kích thích tuyến giáp, được sản xuất bởi tuyến yên trong não). Đồng cần thiết cho việc sản sinh hormone tuyến giáp. Còn sắt lại hỗ trợ hoạt động tuyến giáp diễn ra hiệu quả.

Dầu ô liu: Acid béo chủ yếu trong dầu ô liu là chất béo không bão hòa đơn được gọi là acid oleic. Acid oleic được chứng minh là có tác dụng làm giảm viêm, thậm chí có thể có tác dụng có lợi đối với các gen liên quan đến ung thư.

(Tổng hợp) Chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư tuyến giáp 2

Những thực phẩm không nên ăn khi bị ung thư tuyến giáp

Bên cạnh lựa chọn các thực phẩm phù hợp với tình trạng sức khỏe, bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần lưu ý không nên ăn một số thực phẩm sau:

Thực phẩm nhiều chất xơ và đường: Cản trở hấp thu thuốc điều trị và suy giảm chức năng tuyến giáp.

Các sản phẩm từ đậu nành không lên men: Sữa đậu nành, đậu phụ, tào phớ… có thể giảm khả năng hấp thụ iốt, cản trở khả năng sản xuất các hormone của tuyến giáp.

Các loại rau họ cải: Cải xoăn, cải bắp, củ cải chứa nhiều chất Isothiocyanates, chất này có khả năng cản trở các hoạt động của tuyến yên. Do vậy, khi ăn loại rau này các bạn nên luộc sơ để loại bỏ các chất trên.

Nội tạng động vật: Chứa lipoic làm giảm tác dụng thuốc điều trị.

(Tổng hợp) Chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư tuyến giáp 3

Thức ăn chế biến sẵn: Đây là loại thức ăn mà người bệnh về tuyến giáp cần tránh vì có chứa calo rỗng hay chất phụ gia không tốt cho sức khỏe. Chúng còn chứa nhiều chất béo, làm giảm việc sản xuất thyroxin của tuyến giáp, giảm tác dụng của các thuốc điều trị suy giáp.

Thực phẩm nhiều gluten: Gluten gây ra phản ứng miễn dịch tự động, có thể gây nguy cơ làm giảm tác dụng thuốc điều trị. Các loại phẩm giàu gluten như lúa mạch, lúa mì, lúa mạch đen,…

Những trái cây không nên ăn như dâu tây, đào, lê rất hấp dẫn nhưng không tốt cho người bệnh tuyến giáp.

Thực phẩm, đồ uống có chứa caffein: Cà phê, trà, soda, socola… có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng cường giáp, khiến cơ thể cảm thấy khó chịu, tim đập nhanh. Nếu có những triệu chứng này, người bệnh nên tránh uống hoàn toàn hoặc uống ít. Ngoài ra, người bệnh có thể thay thế bằng nước ép, rượu táo nóng, trà thảo mộc tự nhiên…

Rượu cũng có thể gây ức chế chức năng tuyến giáp, làm giảm sản xuất hormone tuyến giáp. Uống rượu thường xuyên hoặc nhiều sẽ làm hư hại các tế bào tuyến giáp, làm giảm tổng lượng hormone tuyến giáp (T3, T4) trong máu, gây ra chứng suy giáp.

(Tổng hợp) Chế độ dinh dưỡng cho người bị ung thư tuyến giáp 4

Lưu ý

Ngoài chế độ dinh dưỡng người bệnh cần thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng như dạo bộ, yoga, hoặc thể dục nhẹ nhàng để tăng cường sức đề kháng. Tuy nhiên tránh vận động quá sức, gây suy nhược cơ thể.

Bên cạnh đó phải tạo cho mình một môi trường sống yên tĩnh, thoải mái, thoáng đãng và sạch sẽ; Tránh tham gia các hoạt động đứng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt; Thư giãn bằng cách đọc sách, nghe nhạc, thiền hoặc tham gia vào các hoạt động yêu thích; Đi ngủ đủ giấc và đúng giờ, tránh thức khuya; Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây hại như thuốc lá, rượu và các chất độc hại khác.

Không nên uống thuốc điều trị bệnh suy giáp với nhóm thực phẩm giàu canxi như sữa, các chế phẩm từ sữa hoặc uống cùng với thuốc canxi, điều này sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh suy giáp đang sử dụng thuốc điều trị nên uống sữa vào khoảng thời gian cách xa thời điểm uống thuốc.

Các loại đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê, rượu bia, đồ uống ga… sẽ làm giảm tác dụng của thuốc điều trị bệnh tuyến giáp. Bệnh nhân điều trị suy giáp nên uống thuốc vào buổi sáng, có thể uống lúc đói và ăn sáng sau đó khoảng 1 tiếng.

Có nhiều loại thực phẩm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hấp thu thuốc điều trị tuyến giáp của cơ thể. Nó có thể làm cơ thể hấp thu thuốc quá chậm hoặc quá nhanh. Do đó, người bệnh cần hỏi kỹ ý kiến bác sĩ về chế độ ăn để giúp tăng hiệu quả điều trị.

Tin cùng chuyên mục