Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Chie – dù pù dù pà ơi

Duy Ly - 11:17, 30/04/2021

Cách đây hơn 10 năm, Jica (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) đã đưa ra Dự án “Xúc tiến ngành nghề nông thôn Tây Bắc” giai đoạn 2009 - 2011, nhằm hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc Thái, Lào, Mông ở bốn tỉnh Tây Bắc là Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình và Lai Châu. Để tiếp tục duy trì hoạt động bảo tồn và phát triển nghề dệt thủ công của đồng bào, tháng 8/2011, doanh nghiệp xã hội “Chie – dù pù dù pà ơi” ra đời, với sự dẫn dắt của chị Trương Thị Thủy.

Chị Trương Thị Thu Thủy trong cửa hàng giới thiệu sản phẩm của mình tại 66 Hàng Trống.
Chị Trương Thị Thu Thủy trong cửa hàng giới thiệu sản phẩm của mình tại 66 Hàng Trống.

Cơ duyên gắn bó

Nằm tại địa chỉ 66 Hàng Trống (Hà Nội) cửa hàng trưng bày nhỏ xinh của chị Trương Thị Thu Thủy, chủ doanh nghiệp xã hội “Chie – dù pù dù pà ơi” hút mắt đến lạ kỳ. Chia sẻ về cơ duyên đưa đến quyết định thành lập doanh nghiệp, chị Thủy kể: Cách đây hơn 10 năm, Jica (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) đã đưa ra Dự án “Xúc tiến ngành nghề nông thôn Tây Bắc” giai đoạn 2009 - 2011, nhằm hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc Thái, Lào, Mông ở bốn tỉnh Tây Bắc là Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình và Lai Châu.

Dự án có hai mảng, ngành nghề thủ công và chế biến nông sản. Là nhân viên làm việc ở mảng dệt trong dự án đó nên ngay sau khi kết thúc, được sự động viên, giúp đỡ của các cán bộ, chị Thủy vẫn tiếp tục làm việc với bà con dưới vai trò cá nhân bằng cách xây dựng thương hiệu Chie.

“Dù pù dù pà theo tiếng Thái nghĩa là ở rừng ở núi. Còn Chie là một cái tên rất phổ thông trong tiếng Nhật. Chúng mình luôn nhớ về sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản trong Dự án xúc tiến ngành nghề nông thôn Tây Bắc do Jica tài trợ, nhờ đó mà có “Chie – dù pù dù pà ơi” ngày nay!”, chị Trương Thị Thu Thủy, Chủ doanh nghiệp xã hội “Chie – dù pù dù pà ơi” chia sẻ.

Với vốn hiểu biết sâu rộng về văn hoá các DTTS, đồng thời không ngừng học hỏi, trau dồi thêm kiến thức về nghề dệt, nên chị Thủy là người trực tiếp lên ý tưởng cho các sản phẩm của mình. Do đó, các sản phẩm thủ công của Chie không những giữ được nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc, mà còn chứa đựng hơi thở của cuộc sống, có tính ứng dụng cao. Một số sản phẩm nổi bật, được yêu thích như: Quần áo, khăn, mũ, mành rèm, ga gối, khăn trải bàn, lót cốc, đồ chơi, móc khoá, thú nhồi bông…

Các sản phẩm tại Chie được làm tại xưởng mẫu ở Hà Nội, sau đó chuyển lên các hợp tác xã dệt may mà Chie hợp tác, như Hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang (Điện Biên); Hợp tác xã dệt Chiềng Châu (Hòa Bình) và một số nhóm, hộ gia đình ở Cán Tỷ, Hà Giang; Pà Cò, Hòa Bình; Kỳ Sơn, Nghệ An… và mới đây là một số nhóm dệt miền Trung, Tây Nguyên.

Khoảng 5 năm đầu chị Thủy thường lên tận nơi để hướng dẫn bà con mỗi khi có mẫu mới. Sau đó, các Hợp tác xã sẽ cử một đến hai người tay nghề khá về Hà Nội học. Gần đây, nhờ sự phát triển của các phương tiện hiện đại, cộng với tay nghề ngày một nâng cao của bà con nên chị chỉ cần gửi thông tin, hình ảnh và yêu cầu về sản phẩm là bà con tự làm được.

Doanh thu của Chie thời điểm trước khi có dịch Covid-19, trung bình dao động từ 200 - 400 triệu đồng/tháng. Thu nhập của xã viên các tại Hợp tác xã trung bình từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Họa tiết xoắn ốc - một họa tiết phổ biến của người Mông được đính trên khẩu trang của Chie như một lời chúc sức khỏe và an lành cho khách hàng.
Họa tiết xoắn ốc - một họa tiết phổ biến của người Mông được đính trên khẩu trang của Chie như một lời chúc sức khỏe và an lành cho khách hàng.

Có nhiều cách để gìn giữ bản sắc dân tộc

Trong tháng 4-5/2021, Chie tổ chức rất nhiều hoạt động nhằm quảng bá rộng rãi nét đẹp văn hoá của các DTTS. Có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như: Buổi trưng bày "Nét chạm thời gian" và Talkshow (buổi chia sẻ) "Ý nghĩa của lễ buộc chỉ cổ tay và tục cưới hỏi của người dân tộc thiểu số" vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2021 thu hút đông đảo sự tham gia của các bạn trẻ.

Không chỉ vậy, hằng ngày Chie vẫn tiếp đón rất đông những vị khách đến không chỉ để mua sắm, mà họ đến để gặp chị Thủy, để cùng “thưởng” trà trong không gian đậm bản sắc dân tộc, được chị kể cho nghe về nghề dệt truyền thống như, cách nhuộm ra các tấm vải màu xanh từ cây chàm, màu cam từ củ nâu, về quy trình từ một cây lanh khô cứng để ra một chiếc váy của cô gái Mông.

Hay họ đến để nghe kể về Khau Kut và Kut Pieu - một câu chuyện cảm động về tình yêu và tình nghĩa vợ chồng của người Thái, về những đồng bạc thách cưới, những đôi khuyên tai đủ kiểu dáng độc đáo hay những chiếc trâm cài tóc tinh xảo… và rất nhiều chủ đề hấp dẫn khác về đồng bào DTTS.

Chị Thủy thường nói: “Có nhiều cách để giữ gìn bản sắc văn hoá DTTS, chỉ là bản thân của mỗi cá nhân, cộng đồng dân tộc phải nhận thức được ý nghĩa về cái đẹp, bản sắc quý báu dân tộc mình, mà tự hào và có trách nhiệm để giữ gìn và phát huy được giá trị của nó”.

Chia sẻ về khó khăn của doanh nghiệp, chị nói: Đã kinh doanh thì phải xác định vất vả, ngay như đại dịch Covid-19 xảy ra khiến chúng tôi phải hoạt động cầm chừng, sản phẩm thủ công của bà con cũng kén người dùng do giá thành cao và khó bảo quản, khó cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp…”Tôi tin rằng “chúng” vẫn có chỗ đứng trong đời sống hiện đại. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng cải tiến mẫu mã, tăng tính ứng dụng và quảng bá rộng hơn nữa đến mọi người”.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.