Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Chiêm Hoá (Tuyên Quang): Người có uy tín góp phần quan trọng thực hiện thành công Chương trình MTQG 1719

Công Minh - 12:15, 12/12/2023

Thời gian qua, Người có uy tín trên địa bàn huyện Chiêm Hoá đã gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1: 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Những công trình được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình MTQG DTTS&MN đang dần được hoàn thiện
Những công trình được đầu tư từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719 đang dần được hoàn thiện

Hoà chung không khí nhộn nhịp thực hiện các Dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030 của tỉnh Tuyên Quang, huyện Chiêm Hoá đang tích cực vận động nhân dân tham gia cùng chính quyền địa phương hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra. Những tuyến đường mới mở sạch đẹp, những ngôi nhà văn hoá khang trang cùng các công trình xã hội đang từng ngày được hoàn thiện, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi đây.

Có được những kết quả tích cực đó, không thể không nhắc đến những đóng góp tích cực của đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS của huyện Chiêm Hoá. Những người đã dùng sự uy tín của mình, hết lòng vì cộng đồng, tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu và tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương thực hiện các chương trình, dự án.

Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường bê tông nội đồng mới mở ở thôn Pác Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hoá), bà Ma Thị Linh, người có uy tín của thôn phấn khởi cho biết đây là thành quả của sự vào cuộc tích cực của nhân dân và chính quyền địa phương. Theo bà Ma Thị Linh, tuyến đường này dài 250m, được đưa vào sử dụng từ năm 2022, nhân dân thôn Pác Hóp đã hiến khoảng 1.000 m2 đất.

Được biết, thôn Pác Họp là thôn còn nhiều khó khăn của xã Linh Phú nên việc vận động người dân tham gia xã hội hoá, hiến đất làm được gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Bà Ma Thị Linh đã không ngại khó, ngại khổ cùng với chi bộ, thôn xuống từng hộ để tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu vì sao phải xã hội hóa để xây dựng công trình.

Không chỉ vậy, là Người có uy tín, bà Ma Thị Linh còn gương mẫu đi đầu tự nguyện hiến đất với diện tích khoảng 60 m2 để làm tuyến đường này. Trước đó, năm 2021, khi triển khai xây dựng tuyến đường liên thôn, bà Linh cũng đã hiến khoảng 150 m2 để làm đường.

Người dân huyện Chiêm Hoá mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng
Người dân huyện Chiêm Hoá mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng

Cũng như bà Ma Thị Linh, ông Tạ Quốc Hiến, Người có uy tín thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) cũng là một trong những người tích cực tham gia vận động người dân trong thực hiện Chương trình MTQG DTTS&MN thời gian vừa qua.

Khi chính quyền địa phương có chủ trương xây dựng mới tuyến đường liên thôn, đường nội đồng, ông Hiến không chần chừ, ông tự nguyện hiến hơn 500 m2 đất vườn trồng cây ăn quả để mở rộng đường liên thôn. Sau khi thấy ông Hiến hiến đất mở đường, nhiều người trong thôn, xã cũng đã tự nguyện hiến đất để xây dựng các trục đường liên thôn trong xã.

 “Đường giao thông là rất quan trọng bởi đây là điều kiện để người dân được đi lại, giao lưu, buôn bán hàng hóa thuận tiện hơn”, ông Tạ Quốc Hiến chia sẻ. 

Cùng với việc vận động người dân hiến đất mở đường, ông Hiến còn tích cực tuyên truyền để người dân trong thôn lựa chọn giảm nghèo bền vững, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhờ vậy, hiện nay, toàn thôn có trên 80% số hộ đều có nhà xây, cuộc sống ngày càng ổn định.

Không chỉ có ông Tạ Quốc Hiến, bà Ma Thị Linh mà còn rất nhiều Người có uy tín của huyện Chiêm Hoá cũng đang từng ngày đi đầu làm gương, vận động nhân dân địa phương tích cực tham gia vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030 suốt thời gian qua. Có thể kể đến như ông Hoàng Văn Hình, Người có uy tín thôn Hùng Dũng, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hoá), bản thân vận động nhân dân đóng góp xây dựng đường điện thắp sáng đồng quê 3,2km, mức đóng góp 420.000đ/hộ, làm đường bê tông nông thôn 1,3km trên 100 triệu đồng, đóng góp xây dựng nhà văn hóa trên 700 triệu đồng (2.350.000đ/hộ); ông Ma Duy Thơn, Người có uy tín thôn Làng Thẳm, xã Kiên Đài (Chiêm Hoá), tuyên truyền, vận động 20 thanh niên trong độ tuổi lao động đi làm tại các khu công nghiệp trong nước để nâng cao thu nhập. 

Hay như bà Nguyễn Thị Đoan, Người có uy tín thôn Trung Vượng 2, xã Trung Hòa (Chiêm Hoá), tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng liên kết sản xuất trên 10 ha cam sành; ông Ma Công Hùng, Người có uy tín thôn Bản Ba 1, xã Trung Hà (Chiêm Hoá), có nhiều thành tích trong việc vận động nhân dân trong thôn tích cực bảo vệ môi trường, phát triển du lịch cộng đồng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương…

Có thể thấy rằng Người có uy tín trên địa bàn huyện Chiêm Hoá đã gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở; kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện, cung cấp thông tin và tham gia cùng với chính quyền địa phương trong công tác hòa giải cơ sở, giải quyết có hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng.

Người có uy tín huyện Chiêm Hoá nỗ lực, trách nhiệm với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân
Người có uy tín huyện Chiêm Hoá nỗ lực, trách nhiệm với công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân

Những người có uy tín trong đồng bào DTTS chính là những tấm gương điển hình, đi đầu trong lao động sản xuất và phát triển kinh tế gia đình. Họ là những người tích cực giúp đỡ, hỗ trợ bà con trong địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, họ còn tích cực tuyên truyền cho người dân giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tham gia bảo vệ xây dựng chính quyền địa phương…

Bà Ma Thị Nhung, Trưởng phòng Dân tộc huyện Chiêm Hoá cho biết hiện nay, địa phương có 259 Người có uy tín, trong đó dân tộc Kinh 8 người, Tày 209 người, Dao 33 người, Nùng 4 người, Mông 3 người, Hoa 2 người. Triển khai thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg được huyện Chiêm Hoá quan tâm và kịp thời chỉ đạo, các cấp, các ngành, các địa phương tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ thực hiện đầy đủ, kịp thời, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của người có uy tín tại các địa phương.

Các cấp, các ngành đã quan tâm, tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Tết của đồng bào DTTS, thăm hỏi người có uy tín khi ốm đau; cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó có chính sách dân tộc, cung cấp các loại báo, tạp chí và tổ chức các lớp tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm cho người có uy tín…

Những Người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Chiêm Hóa là tấm gương sáng trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, động viên người thân và bà con trong thôn, tổ dân phố tích cực sản xuất, bảo vệ rừng, phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt hiệu quả cao.

“Không chỉ vậy, đội ngũ Người có uy tín trong huyện còn là lực lượng tích cực trong việc giải toả các điểm “nóng” về giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chính quyền, người dân trong việc giải thích, vận động nhiều hộ dân hiến đất mở đường giao thông liên thôn, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030, bà Ma Thị Nhung cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG ở Gia Lai: Rà soát, phân nhóm các dự án để tháo gỡ vướng mắc (Bài 2)

Triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG ở Gia Lai: Rà soát, phân nhóm các dự án để tháo gỡ vướng mắc (Bài 2)

Mặc dù, từ nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Gia Lai có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiều nội dung, dự án thành phần của các Chương trình còn tồn tại những vướng mắc, bất cập dẫn đến nguồn vốn giải ngân còn thấp. Theo đó, tỉnh Gia Lai cũng đã đánh giá thực trạng, đặt ra mục tiêu cùng với những giải pháp căn cơ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo chính sách ban hành kịp thời đi vào cuộc sống.