Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín với cộng đồng

Thượng tọa Thạch Thưa hết lòng vì đạo, vì đời

Ngọc Ánh- Phương Nghi - 05:31, 08/12/2023

Hơn 30 năm tu học, Thượng tọa Thạch Thưa, Sư cả chùa ArunRanSây ChacKrôn ở ấp Đại Trường, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh hiện nay là Chi Hội phó, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Tiểu Cần, Người có uy tín trong cộng đồng. Gần cả cuộc đời, Thượng tọa đều sống trọn vì đạo, vì đời, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình để giáo dục sư sãi, tập hợp đồng bào phật tử đoàn kết, tích cực tham gia mọi hoạt động xã hội, cùng chung sức, chung lòng xây dựng quê hương phát triển.

Thượng tọa Thạch Thưa thường xuyên xem Báo Dân tộc & Phát triển để tiếp nhận thông tin phục vụ việc tuyên truyền, vận động bà con Phật tử.
Thượng tọa Thạch Thưa thường xuyên xem Báo Dân tộc & Phát triển để tiếp nhận thông tin phục vụ việc tuyên truyền, vận động bà con Phật tử.

Với trách nhiệm của mình, Thượng tọa Thạch Thưa thường xuyên phối hợp với các vị trụ trì và Ban Quản trị chùa triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới; giáo dục phật tử không vi phạm pháp luật, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư. Qua đó, Thượng tọa đã giúp bà con nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình trong tham gia xây dựng quê hương bằng cách hiến đất làm đường giao thông nông thôn; trồng hoa, chỉnh trang nhà cửa, đường làng ngõ xóm, thực hiện các tiêu chí về môi trường; phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng gia đình văn hóa, không mắc các tệ nạn xã hội, chăm lo cho con cái đến trường học hành chu đáo…

Anh Lâm Rinl, một người dân ấp Ðại Trường vui vẻ nói: “Chuyện bắt đầu từ năm 2010, mọi người ngỡ ngàng khi thấy Sư cả Thạch Thưa hướng dẫn các đệ tử xuống giống lúa trên diện tích 2,3ha đất chùa với kỹ thuật khác hẳn cách làm bấy lâu nay của người dân. Đó là sạ hàng với lúa giống ít hơn, bón phân và dùng thuốc hạn chế. Tìm hiểu ra mới biết, đây là cách làm theo hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp. Thực ra, các kỹ thuật này nông dân nghe cán bộ khuyến nông nói nhiều nhưng họ không làm theo”. Thế là Sư cả Thạch Thưa trở thành “cầu nối” hiệu quả nhất, nói một lần là đồng bào Phật tử làm theo ngay.

Ông Thạch Ngọc Sang, Bí thư Chi bộ ấp Đại Trường cho biết: “Trước đây, sản xuất lúa bình quân 5 - 6 tấn/ha, nay đã tăng lên 7 - 7,5 tấn/ha. Đây là kết quả từ việc bà con thực hiện đúng quy trình 3 tăng 5 giảm mà Sư cả hướng dẫn. Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế, Sư cả Thạch Thưa còn thường xuyên vận động Nhân dân đẩy mạnh việc cải thiện cảnh quan môi trường nông thôn. Cụ thể, Thượng tọa Thạch Thưa đã cùng với chính quyền vận động 45 hộ dân sống ven đường hiến gần 4.000m2 đất để thi công công trình đường nhựa ở ấp Ðại Trường. Công trình này có chiều dài 1.124m, mặt đường rộng 3,5m, tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ đồng (đưa vào sử dụng cuối năm 2013). Nhờ đó, đã tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận tiện, tạo nên bộ mặt của xã nông thôn mới. Ðến nay, toàn ấp có 322/330 hộ có hố xí hợp vệ sinh và 325/330 hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Ấp có 325/330 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, liên tục được công nhận Ấp văn hóa từ năm 2008 đến nay”.

Thượng tọa Thạch Thưa bên con đường nhựa ở ấp Ðại Trường.
Thượng tọa Thạch Thưa trên con đường nhựa ở ấp Ðại Trường.

Hằng năm, Thượng tọa Thạch Thưa còn vận động hỗ trợ khoảng 10 tấn gạo và trên 50 triệu đồng giúp bà con khi gia đình có ma chay hoặc khó khăn. Đặc biệt, khi chứng kiến các hoàn cảnh con em người Khmer côi cút, không nơi nương tựa, Thượng tọa Thạch Thưa đã vận động đưa các em vào chùa để chăm lo ăn, ngủ và dạy chữ cho đến khi trưởng thành; hỗ trợ gạo hằng tháng cho các cụ già neo đơn, bệnh tật.

Bà Võ Thị Bé Thảo, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Phú Cần nhận xét: “Sư cả Thạch Thưa là tấm gương tiêu biểu trong vận động, tuyên truyền cho bà con phật tử, đồng bào DTTS chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào do địa phương phát động. Lời nói của Sư cả Thạch Thưa có tầm ảnh hưởng đến bà con Phật tử. Thời gian gần đây, trong các dịp lễ, Tết cổ truyền của người Khmer, Sư cả Thạch Thưa đều tuyên truyền để người dân thực hiện các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, đời sống vật chất, tinh thần đồng bào DTTS được nâng cao. Ngoài ra, Sư cả Thạch Thưa cùng với Hội Khuyến học xã cấp phát tập viết, quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo để các em yên tâm, phấn đấu học tập”.

Thượng tọa Thạch Thưa tâm sự: Nếu đời tốt thì đạo sẽ tốt, đôi bên bổ trợ nhau cùng phát triển. Nếu xã hội không bình an thì làm sao sinh hoạt đạo và ngược lại, nếu chăm lo phát triển đạo trong khi dân khổ, phum sóc không phát triển, thì không đúng lời Phật dạy. Như vậy, giáo lý của nhà Phật cũng phù hợp với mục tiêu mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta lựa chọn, đó là một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tức là một xã hội mà ở đó mọi người đều được sống trong hòa bình, tự do, độc lập, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển, phồn vinh.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.