Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Chính sách tín dụng nước sạch ở Đắk Nông, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống

Phương Linh - Nguyễn Lương - 14 giờ trước

Thời gian qua, nguồn vốn cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã giúp hàng chục ngàn hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được sử dụng nước sạch, có nhà vệ sinh, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk Mil kiểm tra nguồn vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại xã Long Sơn
Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk Mil kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại xã Long Sơn

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Cuối tháng 9 vừa qua, gia đình chị Cao Nhật Thương, Tổ Dân phố 1 (thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) được vay 50 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) mà NHCSXH triển khai. Với số tiền vay được, chị đã đầu tư xây dựng các công trình, như: Bể chứa nước, nhà vệ sinh, nhà tắm…

Chị Thương chia sẻ, gia đình chị có 6 thành viên. Ngoài hai vợ chồng, trong nhà còn bố mẹ già và hai đứa con nhỏ. Trước đây, do điều kiện khó khăn, gia đình chị phải sử dụng bể chứa nước và nhà vệ sinh xuống cấp. Vào mỗi mùa mưa, công trình hư hỏng, trơn trượt, gây bất tiện cho các thành viên trong gia đình khi sinh hoạt. Hơn thế, mỗi lần đi làm xa, vợ chồng chị Thương lo ngay ngáy vì sợ bố mẹ và các con té ngã.

Vừa qua, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn tuyên truyền, chị Thương biết đến gói vay chương trình NS&VSMTNT. Được NHCSXH huyện Đắk Mil tạo điều kiện cho vay, gia đình chị Thương đã đầu tư xây dựng công trình bể chứa nước, nhà vệ sinh sạch sẽ. “Lãi suất ưu đãi, thủ tục vay nhanh chóng nên phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Từ khi có công trình nước sạch, vệ sinh mới, mọi sinh hoạt của gia đình thuận tiện rất nhiều. Vợ chồng tôi yên tâm hơn khi bố mẹ, con cái có chỗ sinh hoạt sạch sẽ”, chị Thương chia sẻ thêm.

Hay như gia đình chị Phạm Thị Sương, Tổ Dân phố 2 (thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil) được tiếp cận gói vay chương trình NS&VSMTNT. Nguồn vốn vay ngân hàng, cộng với số tiền gom góp được, chị đã đầu tư hệ thống nước sạch, nhà tắm khang trang.

“Công trình nước sạch và vệ sinh của gia đình tôi trước đã xuống cấp đến 80%. Được bình xét cho vay theo mức mới nên gia đình rất phấn khởi. Thủ tục vay vốn đơn giản, giải ngân nhanh chóng, lãi suất phù hợp nên không tạo nhiều áp lực cho gia đình trong việc trả nợ ngân hàng”, chị Sương cho biết.

Theo Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk Mil Nguyễn Thành Lâm, điểm mới trong chương trình cho vay NS&VSMTNT hiện nay là mức vay tăng gấp đôi. Đối tượng cho vay được mở rộng thêm ở địa bàn các thị trấn. Điều này tạo thêm cơ hội cho người dân được vay vốn để nâng cấp, sửa chữa thêm nhiều công trình. Để giúp người dân được tiếp cận nguồn vốn này, NHCSXH huyện đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương tại cơ sở, tổ chức đoàn thể phổ biến rộng rãi đến người dân. Nguồn vốn được triển khai nhanh chóng từ khâu lập kế hoạch đến khâu cho vay, đầu tư, sử dụng vốn.

Đến nay, huyện Đắk Mil có hơn 7.000 hộ gia đình được vay vốn NS&VSMTNT, với tổng dư nợ hơn 135 tỷ đồng. Riêng doanh số cho vay từ tháng 9 đến tháng 11/2024 (từ khi có quy định mới) đạt trên 4 tỷ đồng, với hơn 80 hộ gia đình được vay vốn.

Nhờ nguồn vốn vay, nhiều hộ gia đình xây dựng được hệ thống giếng khoan, bể lọc nước và lắp đặt mạng lưới cấp nước. Điều này góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện cảnh quan tại vùng nông thôn.

NHCSXH huyện Đắk Mil (Đắk Nông) rà soát nhu cầu vay vốn nước sạch của người dân trên địa bàn
NHCSXH huyện Đắk Mil (Đắk Nông) rà soát nhu cầu vay vốn nước sạch của người dân trên địa bàn

“Trợ lực” người dân vay vốn

Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông, từ ngày 2/9/2024, mức cho vay của chương trình NS&VSMTNT được nâng tối đa lên 25 triệu đồng/công trình. Ngay sau khi có quyết định, chi nhánh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai đến các huyện, thành phố, các tổ chức hội, đoàn thể địa phương. Hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở đã tuyên truyền rộng rãi đến đối tượng thụ hưởng. Các phòng giao dịch NHCSXH trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương rà soát nhu cầu của người dân, xây dựng kế hoạch tín dụng, đề nghị cấp trên bổ sung vốn cho vay.

Hiện nay, với chương trình NS&VSMTNT, mức vay tối đa một công trình là 25 triệu đồng (mỗi hộ vay tối đa 50 triệu đồng/2 công trình). Lãi suất vay 9%/năm, thời gian vay tối đa 5 năm. Đây là điều kiện thuận lợi, để người dân nâng cao chất lượng nước sạch, điều kiện sinh hoạt, góp phần giúp các địa phương thực hiện thành công tiêu chí xây dựng nông thôn mới .

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình chị Phan Thanh Đài Trang, thôn Đông Sơn xã Long Sơn, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) có điều kiện được dùng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình chị Phan Thanh Đài Trang, thôn Đông Sơn xã Long Sơn, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) có điều kiện được dùng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày

Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông Vũ Anh Đức chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ của gói vay NS&VSMTNT, nhiều hộ dân Đắk Nông có cơ hội được vay vốn để sửa chữa, nâng cấp lại công trình nước sạch, nhà vệ sinh. Đây là điều kiện cần thiết để đáp ứng tiêu chí về chất lượng môi trường sống. Đến hết tháng 10/2024, Đắk Nông có 37.576 hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn NS&VSMTNT do NHCSXH tỉnh Đắk Nông triển khai. Tổng dư nợ toàn chi nhánh đối với chương trình này là gần 721 tỷ đồng. Nhiều địa bàn có dư nợ cho vay cao, như: Đắk Mil 135 tỷ đồng; Đắk R’lấp 117 tỷ đồng; Đắk Song 103 tỷ đồng; Krông Nô hơn 99 tỷ đồng.

 “Chúng tôi đã phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội các cấp tích cực tuyên truyền chủ trương, nội dung chương trình vay đến đông đảo người dân. Đơn vị đã hướng dẫn người dân các thủ tục liên quan đến hồ sơ, điều kiện vay vốn, đối tượng thụ hưởng, mức cho vay, thời hạn, lãi suất... để người dân được tiếp cận vốn sớm nhất”, ông Đức khẳng định.

Cũng theo Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông Vũ Anh Đức cho biết, thời gian tới, NHCSXH cần tăng cường sự phối hợp với chính quyền địa phương để mở rộng phạm vi chương trình. NHCSXH sẽ rà soát cụ thể đối tượng từng địa bàn. Trên cơ sở này, đơn vị phân bổ nguồn vốn hợp lý, góp phần tạo cơ hội cho người dân được vay vốn.

Ngày 15/7, Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2024 về tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Quyết định này quy định về chính sách tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 1978 ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ để cho vay đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 2 loại công trình, bao gồm: Công trình cấp nước quy mô hộ gia đình; công trình vệ sinh môi trường hộ gia đình. Theo đó, đối tượng vay vốn là hộ gia đình cư trú tại vùng nông thôn (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú) chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hỏng, cần phải xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa. Mức cho vay tối đa là 25 triệu đồng/1 loại công trình/khách hàng thay vì 10 triệu đồng như trước. Quyết định có hiệu lực từ ngày 02/9/2024.

Tin cùng chuyên mục
Các địa phương vùng cao chia sẻ kinh nghiệm trồng rừng và xuất khẩu gỗ

Các địa phương vùng cao chia sẻ kinh nghiệm trồng rừng và xuất khẩu gỗ

Trong khuôn khổ Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng về lâm nghiệp vừa được tổ chức tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo ba huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn và Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh cùng chia sẻ kinh nghiệm trồng rừng bền vững, tăng giá trị, hướng xuất khẩu đi Nhật Bản.