Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Chợ hoa “Trên bến dưới thuyền”

Lê Vũ - 11:27, 05/02/2021

Từ lâu ở TP. Hồ Chí Minh đã hình thành hàng chục chợ hoa lớn, nhỏ mỗi độ Xuân về. Nhiều chợ hoa tên tuổi đã vượt ra khỏi ranh giới địa phương, nổi tiếng cả nước. Đặc biệt nhất phải nói đến chợ hoa “Trên bến dưới thuyền”.

Chợ hoa “Trên bến dưới thuyền”

Chợ hoa độc đáo này nằm ở khu vực đường Bến Bình Đông, quận 8, TP. Hồ Chí Minh hiện nay. Địa danh “Bến Bình Đông” nay là tên đường, tuy nhiên xưa kia là tên gọi chỉ một khu vực bờ sông chạy dọc theo kênh Tàu Hủ - Lò Gốm (kênh này vốn xưa kia gọi là Rạch Chợ Lớn).

Chị Diệu Bình, sống tại quận 8, TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ khi còn nhỏ chị đã thấy có chợ hoa vào những ngày giáp Tết. Hồi đó chưa biết gì, chị chỉ thích thú theo người lớn đi chợ hoa vì thấy đông vui, tấp nập. Sau này lớn lên mới thấy được cái đẹp và nét đặc trưng của chợ hoa tại Bến Bình Đông.

“Hồi trước, cứ sau khi chợ hoa họp được chừng gần 1 tuần, đó là lúc đông đúc nhất, gia đình tôi sẽ bắt đầu hòa vào dòng người để tìm mua hoa Tết. Nói là mua hoa, chứ ngắm hoa là chính, có khi ngắm cả mấy ngày mới mua được một vài chậu hoa ưng ý. Cả con đường trải dài với nhiều màu sắc của đủ loại hoa, nhìn xuống kênh thì ghe thuyền cặp sát nhau, nối dài cũng chất đầy hoa trái, cứ như là tranh vẽ, đẹp lắm”, chị Bình chia sẻ.

Ghe thuyền chở hoa tấp nập cập bến Bình Đông
Ghe thuyền chở hoa tấp nập cập bến Bình Đông

Chợ hoa bến Bình Đông thực tế không phải là chợ nổi, mà các thương lái sẽ neo ghe thuyền dọc bờ kênh nối nhau nhiều cây số, rồi mang hẳn cây trái lên vỉa hè ven kênh để bày bán. Các thương lái đa phần từ Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang… sẽ thường cập bến vào cỡ 1 - 2 tuần trước giao thừa (tầm 15 tháng Chạp), ăn ở ngủ nghỉ tại chỗ, bán hàng thâu đêm suốt sáng, rồi tan chợ vào tối 29 hoặc sáng 30 Tết để kịp xuôi thuyền về quê.

Các loại hoa và cây cảnh được bầy bán ở đây rất phong phú, đa dạng, không chỉ cúc, mai, vạn thọ, phong lan, quất... và một số loại hoa bình dân đặc trưng ngày Tết mà còn nhiều loại kỳ trân dị thảo có giá hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Anh Huỳnh Quang Minh, sống tại quận 8, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “TP. Hồ Chí Minh khó chỗ nào có nét đặt trưng như ở đây. Bến Bình Đông còn giữ lại được khá nhiều giá trị cổ xưa, từ những dãy phố, nếp nhà… tất cả đã hòa quyện vào muôn màu hoa cỏ, tàu thuyền, tạo nên cảnh tượng phiên chợ hoa Xuân thật đặc sắc.

Khung cảnh chợ hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền”
Khung cảnh chợ hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền”

Đứng trên cầu nhìn xuống, một bên là đại lộ Võ Văn Kiệt sầm uất tượng trưng cho sự phát triển vượt bậc của Thành phố, một bên thì tàu thuyền san sát. Chợ hoa Xuân nhộn nhịp thanh bình toát lên nét dung dị của hồn quê”.

Được biết từ năm 2010, nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải tổ chức chợ hoa một cách bài bản, chính quyền quận 8 đã đưa chợ hoa vào nội dung hoạt động hằng năm, có ban quản lý, có đội hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự. Bà con thương lái cũng được hỗ trợ hệ thống điện chiếu sáng, cung cấp nước sinh hoạt, công tác vận chuyển...

Và từ đó, chính quyền quận cũng thống nhất tên gọi chính thức là: Chợ hoa Xuân “Trên bến dưới thuyền”.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.