Nghiên cứu khoa học chứng minh từ những buổi sơ khai, người Nùng đã biết cách khai thác sản vật được đất trời ban tặng, tạo nên một truyền thống văn hóa rất riêng từ vật dụng, trang phục, kiến trúc… Trong đó màu chàm được xem là biểu tượng cho bản sắc dân tộc của người Nùng vùng núi rừng phía Bắc nói chung và ở xã Phong Vân nói riêng. Màu chàm được tạo ra từ cây chàm, một loại cây thân gỗ được trồng ở vườn nhà, nương rẫy, thậm chí mọc ven đường. Cây chàm có cách sinh trưởng phát triển khác nhau, nhiều loại mọc thành bụi, thân gỗ nhỏ hay cây thân thảo. Theo thông lệ ở xã Phong Vân, vào tháng Hai, đồng bào sẽ trồng cây chàm để đến tháng Bảy được thu hoạch và làm chàm để nhuộm vải, kết thúc mùa vụ vào tháng Mười.
Chế biến bột nhuộm cùng với kỹ thuật nhuộm vải chàm cần sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ, nên công việc này thường được người phụ nữ trong gia đình người Nùng đảm nhiệm. Anh Linh Văn Chắn - Trưởng thôn Cầu Nhạc cho biết: Xưa kia phụ nữ Nùng ở Cầu Nhạc tự trồng bông dệt vải và trồng cây chàm để làm thuốc nhuộm nhưng nay việc trồng bông dệt vải không còn được duy trì nữa. Đồng bào chỉ còn gìn giữ nghề nhuộm chàm. Hiện trong thôn Cầu Nhạc còn khoảng 10 hộ gia đình vẫn giữ nghề truyền thống, tiêu biểu như gia đình các bà: Lăng Thị Họi, Chương Thị Lý, Vi Thị Khỉnh, Vi Thị Cõi, Lý Thị Đắc...
Về kỹ thuật nhuộm chàm, bà Lăng Thị Họi chia sẻ: Từ năm 12 tuổi bà đã được mẹ truyền dạy cách nhuộm vải chàm truyền thống. Các sản phẩm vải của người Nùng ở Phong Vân thường được nhuộm màu đen hoặc xanh đậm. Trước tiên đồng bào ngâm toàn bộ cây chàm vào chum gốm lớn có chứa sẵn nước và đợi một thời gian cho chúng mục ruỗng hết, nhựa cây đã hòa quyện vào với nước thì lọc lấy nước bỏ xơ. Tiếp đó cho vôi vào dung dịch chàm, khuấy đều tay đến khi chàm và vôi lắng xuống đáy chum.
Nước chàm được để cho cạn dần trong khoảng 30 ngày sau đó còn lại bột chàm đặc sánh gọi là cao chàm. Cao chàm có thể dùng được quanh năm, khi dùng chỉ cần lấy cao này pha với ít rượu theo tỷ lệ nhất định, bóp nhỏ và hòa tan với nước, khuấy mạnh đến khi sủi đầy bọt thì đậy lại. Sau đó vắt ra một thứ nước màu xanh lục, khi cho thêm vôi vào nước sẽ dần ngả nâu, bọt tím sẽ nổi trên bề mặt, cuối cùng nước sẽ chuyển sang màu xanh lam đậm (màu chàm). “Người ta sẽ thử chất lượng của chàm bằng cách nếm, loại chàm tốt có vị mặn, như vậy lượng vôi trong nước chàm là vừa phải”, bà Họi nói.
Để nhuộm vải màu đen (loại tốt nhất) cách nhuộm cũng khác với loại vải xanh lam. Đồng bào dùng một chiếc rổ to đựng tro bếp. Chiếc rổ này được đặt trên miệng một chiếc thùng, nước được đổ lên phía trên và nhỏ giọt từ từ vào trong thùng. Sau đó, hòa một bát bột cao chàm với loại nước đã lọc và cho thêm lá cây sau sau - loại cây phổ biến trên rừng có tác dụng giữ cho vải đỡ bị phai màu. Mỗi ngày, đồng bào cho thêm một bát bột cao chàm vào thùng nước trong suốt 30 ngày, sau đó có thể bắt đầu nhuộm vải.
Muốn nhuộm vải màu đen phải cho thêm một miếng vỏ cây xanh xi vào thùng nước chàm. Mảnh vải sẽ được nhúng vào nước chàm 2 lần 1 ngày và được phơi khô, cứ như vậy trong 1 tháng. Chính vì sự công phu và tỉ mỉ của người thợ mà những tấm vải làm ra đều bền, đẹp. Trong suốt mùa nhuộm vải, bàn tay của người phụ nữ Nùng luôn nhuốm màu xanh chàm. Qua đó cũng có thể thấy được đức tính cần cù của họ.
Như vậy, nhuộm chàm thủ công là một quy trình khó, phức tạp đòi hỏi tính kiên nhẫn, bền bỉ và chịu thương chịu khó của người phụ nữ dân tộc Nùng. Hy vọng nghề nhuộm chàm và sản phẩm nhuộm chàm truyền thống sẽ đem lại sự thích thú cho du khách khi có dịp ghé thăm đất và người Phong Vân.