Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Chơi còn mùa Xuân

PV - 16:20, 05/02/2019

Ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đồng bào không thể quên được một trò chơi quen thuộc vào mỗi dịp Tết đến Xuân về: ném còn, chơi còn và tung còn. Chia sẻ về thú chơi còn dân gian, nghệ nhân Lò Văn Biến, dân tộc Thái (thuộc nhóm Thái Đen), ở Mường Lò, huyện Nghĩa Lộ (Yên Bái) nhấn mạnh rất nhiều lần về cái đẹp, về ý nghĩa nhân văn và giàu tính cộng đồng trong trò chơi này.

Nghệ nhân Lò Văn Biến bảo, cùng với đất Xuân, trời Xuân, cỏ cây hoa lá đầy sắc xuân tươi, làng nào cũng lo chọn cây còn làng mình thật đẹp. Cây còn được người già lựa chọn từ những búi cây pheo khắp làng. Cây phải thẳng, gióng nuột nà, cao chừng 20 sải tay (còn gọi là sao vaă). Dù bận rộn chuẩn bị cho những ngày Tết, nhưng mỗi gia đình đều cử một người tham gia lo công tác chuẩn bị chơi còn, chơi “Tó măk lẹ”, chơi bắt dế, dạy trẻ con hát đồng dao và bãi xoè hoa.

Hội còn do dân làng tổ chức. Mở đầu hội còn, ông mo sẽ đứng ra làm lễ cúng trời đất và đặc biệt là cúng những người có công khai khẩn đất đai lập làng, khai bản hay là người có công giữ bản giữ mường (gọi chung là cúng ma làng). Ông mo xin cho mọi người làm ruộng được nhiều lúa, làm nương được nhiều ngô, con cháu khoẻ mạnh, xin ma làng giữ lấy cổng làng, không cho các thế lực quái ác vào phá nhiễu con cháu.

Ném còn đòi hỏi sự khéo léo của người chơi để giành chiến thắng. Ném còn đòi hỏi sự khéo léo của người chơi để giành chiến thắng.

Lời cúng còn dặn dò con cháu sống ở đời đừng xúc xiểm người khác, phải biết yêu thương nhau như ngón chân, ngón tay trên người: “Nhăă căp căm pay/Nháa say quoăn măa” (Đừng nhặt nhạnh lời này đem qua, đem lại với người khác cho nặng nề thêm, để khỏi hiểu sai nhau, ghét nhau)…

Câu cúng dặn cả người khuất và người còn sống về tình kết đoàn cộng đồng. Sau khi cúng xong, hội còn được bắt đầu. Quả còn khâu theo múi hoa văn nhiều màu sắc ghép nối, tượng trưng cho vẻ đẹp của vũ trụ. Trong là hạt thóc, hạt vừng, hạt cải, hạt đỗ, hạt hoa… thể hiện khát vọng tồn tại, sinh sôi vượt lên trên bầu trời tự do và gìn giữ những điều tốt đẹp cho mai sau... Dây còn se bằng sợi gai, nhuộm tua xanh đỏ.

Hội còn được tiến hành theo ba bước: Mở đầu là “còn xổm” (quả còn quấn dây xung quanh). Những người đứng vào vòng còn là trai gái, trẻ già nhiều độ tuổi, nhưng phải đứng xen kẽ nam, nữ thật đều. Họ đứng một vòng tròn (có khi hàng trăm người). Quả còn được bay đi từ tay người cao tuổi nhất làng đến một người bất kỳ nào đó trong hội. Thường những người đầu tiên được nhận quả còn là những cô gái trẻ nhất làng, ngoan hiền và giỏi giang, hoặc là một người phụ nữ có một quá khứ tốt đẹp mà cả cộng đồng yêu quý. Kẻ ném, người bắt, cười nói rộn ràng thấp thoáng trong nắng xuân. Cuộc chơi mở màn này thể hiện sự trao gửi tình cảm và thái độ của những người chơi với nhau.

Ví dụ, nếu tinh ý có thể nhận thấy người lịch sự chỉ tung còn cho đối phương, khẽ khàng trao quả còn bay vào tay người nhận, chứ không ném còn (người có tính cách lịch sự, tinh tế không bao giờ ném còn cho bạn mình, mà chỉ ném khi giao tranh ở những vòng sau). Ngược lại, người có tính cách sỗ sàng, nóng nảy sẽ quấn dây nhiều vòng và ném vào đối phương. Đối phương biết thế mà ứng xử.

Những người vốn không ưa nhau, nhất là bạn gái không ưa bạn trai mà vô tình phải ném đối nhau vì đến lượt mình thì cũng sẽ bị ném quyết liệt. Vòng đầu của hội còn, ai cũng cố bắt cho được quả còn, cố mà không được thì bị phạt. Hình phạt là bị “đánh yêu” vào vai, vào lưng (kẻ yêu đánh khẽ, kẻ ghét đánh nặng tay hơn). Có cô gái, chàng trai cảm được cái chạm tay vai, tay lưng này mà nên vợ, nên chồng. Thường khi bị ném còn thì con gái bắt dễ hơn con trai. Không biết có phải do các chị mặc những chiếc váy uyển chuyển đỡ đần không? Sau khi còn được ném hết vòng thì hội còn chuyển sang bước hai.

“Còn sai” (quả còn được thả ra khỏi vòng cuốn, tung bằng dây dài). Lúc này đội hình lại được chia đôi bên nam, bên nữ. Khoảng cách hai bên là 20-40m. Hai bên lại tung còn cho nhau. Lúc này chỉ còn những người thanh lịch, không còn ai ném còn (mặc dù đôi lúc vẫn có cá biệt) 2 bên tung qua, tung lại nhẹ nhàng. Quả còn bay vồng vồng theo vòng cung êm ái, nhẹ nhàng cùng tiếng cười vui ríu rít, tiếng hát trao duyên vút lên từ hai phía. Nắng đã lên ấm vang hơn cả tiếng cười trẻ trung và đằm thắm, nhưng tiếng hát đối của các nghệ nhân của làng của mọi người dìu dặt dưới nắng Xuân. Quả còn bay không rơi xuống đất theo vòng tròn chuyển đổi nhau thì cuộc vui vẫn tiếp diễn. Nhưng nếu ai bắt trượt thì sẽ bị đối phương phạt và người bị phạt sẽ phải nộp vật tin, người không bắt được phải trao khăn, trao vòng tay, vòng cổ, mũ… một cách tự nguyện.

Nhưng có các tình huống sau xảy ra: Nếu người bị phạt là gái, người phạt là trai mà họ qúy nhau, thì ngay sau hội, người bạn không đòi lại. Để rồi đến đêm người trai lặn lội đến chọc sàn để trả của làm tin. Có nhiều người sau đêm ấy họ trao vòng duyên cho nhau. Chiếc vòng cầu hôn chỉ chờ mùa Xuân là trao gửi.

Nếu người phạt là gái thì đêm đó người bạn trai cũng tìm đến để có lời trả lại vật tin. Đôi lúc người bạn gái lại dùng chính vật tin này để trao gửi một lời ước nguyện… tất cả đều mở đầu cho những cuộc hẹn hò cho một mùa cưới sau hội xuống đồng.

Nhưng nếu người con gái, hoặc con trai không thích nhau thì sau hội bằng mọi cách họ sẽ xin lại bằng được vật tin, những người bị đối sẵn sàng trả lại sau một hồi làm khó dễ, hoặc hát đối lý với nhau. Vì thế mỗi dịp chơi còn Xuân vào cuối trưa hay xế chiều, ta sẽ thấy từng tốp cô gái giằng díu nhau cuối sân hay dọc con đường làng. Kết thúc “còn sai” là chuyển sang “còn vòng”.

“Còn vòng” thường được tổ chức một ngày. Mặc dù, cây còn được dựng từ trước 30 Tết, song không ai phá, nghi như chưa qua vòng “còn xổm”, “còn sai”. Cây còn như nói ở trên làm bằng cây pheo vót ngọn. Chính phần mút ngọn cây được các nghệ nhân uốn tròn (được hơ qua lửa) có đường kính khoảng 50cm. Nhất nhất không được dùng vòng tròn rời để ghép vào cây còn, vì nó sẽ mất đi tính liên tục của thiên nhiên. Tâm của đường tròn bằng cái đĩa nhỏ được dán kín bằng một tờ giấy dó mỏng tanh, có tô màu (để sức con gái mỏng manh tung còn chạm là thủng), ngoài tâm được dán kín bằng giấy điều dày, chắc. Đỉnh cao chon von trên vòng tròn là một bó hoa cải vàng tươi, xen lẫn quả non, quả già (thể hiện ước vọng 1 năm đầy hoa trái, của cải nhiều như hoa, như hạt cải sinh sôi nảy nở).

Tất cả mọi người đứng cách cây còn từ 20-25cm và chia hai bên nam, nữ. 1 chàng trai, 12 cô gái có sức khoẻ, nhan sắc và tài hoa được cử ra tung và bắt quả còn đầu tiên. Rồi lần lượt cứ thế, kẻ tung, người bắt. Cây còn cao, tâm còn mỏng manh, bé xíu giữa trời xuân lồng lộng. Việc tung còn vào tâm là một việc khó khăn không phải ai cũng làm được. Các chàng trai, cô gái, kiên trì tung bắt có khi đến hàng buổi, hằng ngày… đến lúc quả còn xuyên tâm thì cuộc chơi ngừng lại. (có người tung thủng vòng tròn nhưng chưa qua tâm thì vẫn chưa được công nhận là thắng cuộc).

Người tung còn qua tâm là người hạnh phúc nhất và được mọi người thán phục. Người tung còn trúng tâm phải bước lên và quỳ trước cây còn lạy 3 lạy với trời đất và ma làng. Ông Mo khấn: “Ơn giời cho người này được phúc lớn”. Rồi phúc sẽ chia đều may mắn cho mọi người. Xin trời cho làm ăn khá giả, nhiều của cải như hạt cải, nhiều điều vui tươi như hoa cải. “Hệt xang đảy a ăn/Păa xăng đảy đi pên” (Làm gì được nấy, nói gì cũng được nên).

Hội xoè chính có thể dừng lại ở đó. Song người vẫn tiếp tục chơi “còn xổm”, “còn sai” vào những ngày sau. Tung còn mùa Xuân cứ thế đi vào cuộc sống người dân tộc Thái và cộng đồng các dân tộc phía Tây tỉnh Yên Bái như một niềm đam mê, giàng díu biết bao nhiêu điều riêng chung.

Ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đồng bào không thể quên được một trò chơi quen thuộc vào mỗi dịp Tết đến Xuân về: ném còn, chơi còn và tung còn. Chia sẻ về thú chơi còn dân gian, nghệ nhân Lò Văn Biến, dân tộc Thái (thuộc nhóm Thái Đen), ở Mường Lò, huyện Nghĩa Lộ (Yên Bái) nhấn mạnh rất nhiều lần về cái đẹp, về ý nghĩa nhân văn và giàu tính cộng đồng trong trò chơi này.

HOÀNG THỊ HẠNH

Tin cùng chuyên mục
Những cuốn sách được viết trên lá cây có tuổi đời hàng trăm năm

Những cuốn sách được viết trên lá cây có tuổi đời hàng trăm năm

Trên địa bàn huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có một số cuốn sách cổ viết bằng chữ Thái hệ Lai Pao trên lá cây khá độc đáo. Tuy nhiên, những cuốn sách cổ này còn rất ít và số người biết đọc chữ Thái cũng không còn nhiều. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Thái là điều hết sức cần thiết.