Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Chủ động ứng phó trước những loại hình thiên tai phức tạp

Hoàng Thanh - 10:44, 30/09/2020

Nước ta đang xuất hiện nhiều loại hình thiên tai rất phức tạp, đáng lo ngại là loại hình động đất. Trong khi đó hiện vẫn chưa có tài liệu hướng dẫn phòng tránh động đất; do đó, ngành chức năng cần chủ động và nhanh chóng triển khai, cung cấp thông tin phạm vi có nguy cơ động đất cao.

Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai họp bàn giải pháp bảo đảm an toàn hồ chứa sau động đất
Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai họp bàn giải pháp bảo đảm an toàn hồ chứa sau động đất

Từ đầu năm đến nay, đặc biệt là trong tháng 7, khu vực miền núi Tây Bắc liên tục xảy ra những trận động đất, trong đó có những trận động đất có cường độ khá mạnh. Gần nhất là từ ngày 27 - 29/7, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) ghi nhận được 16 trận động đất xảy ra ở Mộc Châu (Sơn La). Các trận động đất có các cường độ khác nhau, cao nhất là trận động đất đầu tiên có độ lớn 5,3.

Trước đó, cũng trong tháng 7/2020, ở Lai Châu, nằm trong đới đứt gãy thượng sông Đà, cũng liên tiếp hứng chịu 7 trận động đất. Còn trong 6 tháng đầu năm, theo dữ liệu của Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo song thần, nhiều trận động đất với cấp độ nhỏ đã xảy ra ở một số tỉnh Tây Bắc và lân cận.

Ngay sau khi động đất liên tiếp xảy ra ở Mộc Châu (Sơn La), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức họp khẩn vào sáng 29/7. Tại cuộc họp này, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, khả năng động đất tại tỉnh Sơn La còn diễn biến phức tạp. Do đó, các đơn vị liên quan cần nhanh chóng đưa ra những giải pháp để bảo đảm an toàn cho các công trình hồ chứa thủy điện, công trình công cộng và an toàn cho Nhân dân và đưa ra cảnh báo sớm.

Lực lượng tại chỗ giúp các hộ dân khắc phục hậu quả do động đất xảy ra cuối tháng 7/2020 tại xã Tân Lập, huyện Mộc Châu (Sơn La
Lực lượng tại chỗ giúp các hộ dân khắc phục hậu quả do động đất xảy ra cuối tháng 7/2020 tại xã Tân Lập, huyện Mộc Châu (Sơn La

Đáng chú ý, theo ông Hoài, hiện nay chưa có tài liệu hướng dẫn phòng tránh động đất. Vì vậy, cần nhanh chóng triển khai, cung cấp thông tin phạm vi có nguy cơ động đất cao. Dự báo tỉnh Sơn La động đất cao nhất có thể 6,8 - 6,9 độ, có thể gây hư hại các công trình trên nhiều vùng chứ không chỉ ở tâm chấn, vì vậy cần nhanh chóng khoanh vùng để Nhân dân phòng tránh, xử lý.

“Những tháng cuối năm sẽ có mưa lớn trên khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ…, chúng ta không chỉ chuẩn bị ứng phó những bất thường mà còn ứng phó mưa lũ, bởi vậy cần nhanh chóng triển khai các biện pháp kịp thời”, ông Hoài nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu thì, Sơn La, Lai Châu nằm trong đới đứt gãy sông Đà, là một trong những đới đứt gãy đang hoạt động. Theo dự đoán, động đất cao nhất ở đây có độ lớn 5,5. Do đó, người dân sống ở những nơi có dư chấn hiện nay, cần phải gia cố lại các công trình yếu, học quy tắc phòng chống động đất để bảo đảm an toàn. Đặc biệt ở khu vực đồi núi như Sơn La khi động đất có thể xảy ra hiện tượng đá lăn sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Một vấn đề cũng đáng quan tâm là ở khu vực miền núi phía Bắc hiện có khoảng 569 hồ thủy lợi, thủy điện; trọng tâm là 3 hồ thủy điện lớn ở Tây Bắc (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình). Mặc dù đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Bộ Công Thương) và đại diện Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, các hồ đập này đều an toàn nhưng ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT vẫn yêu cầu không được chủ quan. Ông Hoài yêu cầu, đối với những hồ xung yếu và đã đầy nước, cần có phương án giải quyết ngay, những hồ đã tích đầy nước nếu xảy ra động đất sẽ mất an toàn.

Người dân phải được tập huấn nhuần nhuyễn các kỹ năng ứng phó, phải biết làm gì khi động đất xảy ra, ví dụ, khi rung lắc đầu tiên thì phải tìm nấp dưới bàn ăn, bàn làm việc để không bị đồ vật rơi xuống đầu; ngắt các nguồn gas, lò sưởi, điện ngay khi xảy ra động đất; nếu lửa bùng phát, cần dập tắt nhanh chóng; tránh việc vội vã đi ra khỏi nhà khi đang xảy ra động đất”.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu.

Tin cùng chuyên mục