Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tìm trong di sản

Chung tay giữ nghề truyền thống: Làng gốm cổ nhất Đông Nam Á đón tin vui

Thành Nhân - 06:52, 03/12/2022

Làng gốm cổ Bàu Trúc nằm ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Đến nay đã trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, người dân làng nghề đã luôn ý thức giữ gìn nguyên bản phương thức làm gốm truyền thống của người Chăm. Nhiều ý kiến cho rằng, Bàu Trúc là làng nghề gốm cổ nhất khu vực Đông Nam Á. Mới đây, chính quyền địa phương, Nhân dân và các hộ Chăm làng gốm Bầu Trúc hân hoan đón tin vui khi nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào tối ngày 29/11.

Đoàn công tác tỉnh Ninh Thuận tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO
Đoàn công tác tỉnh Ninh Thuận tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO

Những ngày qua được xem là thời gian vui nhất của bà con trong làng gốm cổ Bàu Trúc, nơi đâu cũng rộn khắp tiếng cười. Bởi nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc của người Chăm, vừa chính thức được Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào tối ngày 29/11.

Theo sử sách, nghề gốm do vợ chồng ông Poklong Chanh, một trong những vị tổ sư của nghề gốm Chăm dạy cho phụ nữ trong làng từ xa xưa, khi ông bà đưa người Chăm từ trên vùng đồi núi về đồng bằng sinh sống. Mấy trăm năm nay, thế hệ nối tiếp thế hệ, những người phụ nữ Chăm làng Bàu Trúc ai cũng biết làm gốm. Họ chính là nhân tố quyết định để nghề làm gốm cổ truyền của dân tộc được bảo tồn, lưu giữ và sống mãi với thời gian.

Gốm Chăm Bàu Trúc được giới thiệu tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO
Gốm Bàu Trúc được giới thiệu tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO

Nghề làm gốm Chăm hiện nay tập trung chủ yếu ở làng Chăm Bàu Trúc, làng Đức Bình tỉnh Ninh Thuận; một số rất ít người làm gốm Chăm rải rác ở tỉnh Bình Thuận. Trong đó, làng gốm Chăm Bàu Trúc là nơi hội tụ các nghệ nhân gốm Chăm nhiều nhất.

Đón nhận tin vui được UNESCO vinh danh, bà con trong làng ai cũng tự hào. ông Đàng Chí Quyết - Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm, chia sẻ: Đây không chỉ làm niềm vui mà còn là niềm tự hào rất lớn của bà con làng gốm vì nghề truyền thống của cha ông đã được ghi nhận xứng đáng. Những năm 80 của thế kỷ trước, gốm Bàu Trúc rất thịnh hành với nhiều mặt hàng như lu, chum, vại, lọ, ấm, nồi, bát, đĩa… được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày của người Chăm và nhiều dân tộc khác. Ngày nay, thị hiếu của xã hội thay đổi, những sản phẩm gốm ít được ưu chuộng khiến người dân làng nghề gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, với tình yêu nghề, bà con cố gắng vượt qua và sẽ giữ mãi nghề truyền thống này.

Cùng chung niềm vui đó, chị Đàng Thị Mỹ Hương - người dân trong làng cho hay: Không có có niềm vui nào sánh bằng khi nghề truyền thống của cha ông được cả thế giới biết đến. Để giữ nghề truyền thống và đáp ứng thị hiếu mới của người tiêu dùng, những người làm nghề ở làng gốm Bàu Trúc đã mày mò, nghiên cứu phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ, phục vụ đời sống tinh thần và trang trí nhà cửa, sân vườn như: phù điêu hình người phụ nữ Chăm, tháp Chăm, đèn ngủ, chậu cây cảnh…

Nghề làm gốm Chăm và sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc được đông đảo du khách trong nước, quốc tế quan tâm đến tham quan tìm hiểu
Nghề làm gốm Chăm và sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc luôn được du khách trong nước, quốc tế quan tâm đến tham quan tìm hiểu

Bà Đàng Sanh Ái Chi - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước cho biết: Làng gốm Chăm Bàu Trúc có khoảng 400 hộ gia đình. Trong đó có trên 80% hộ gia đình vẫn tiếp tục theo nghề gốm. Cách làm gốm Chăm Bàu Trúc rất độc đáo “làm bằng tay xoay bằng mông”, không có bàn xoay mà toàn bộ làm bằng tay nên mỗi sản phẩm là một tác phẩm riêng lẻ, không giống nhau.

Điểm đặc biệt của nghề làm gốm ở Bàu Trúc đó chính là phương pháp làm gốm thủ công, mang tính nghệ thuật cao, với sự tỷ mỉ, tinh tế trong từng chi tiết. Ngoài ra, chỉ có đất ở cánh đồng bên dòng sông Quao (Ninh Thuận), thì mới làm các sản phẩm gốm bằng tay, còn đất chỗ khác thì rất khó thực hiện, và sản phẩm gốm làm ra không đạt như ý muốn.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Ninh Thuận cho biết: Với việc Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, là sự cố gắng không mệt mỏi giữ nghề của những nghệ nhân, bà con làm gốm Bàu Trúc, của Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở VHTT&DL tỉnh Ninh Thuận và các Sở, ngành liên quan. Đây là niềm vui lớn và cũng là động lực để ngành VHTT&DL Ninh Thuận nỗ lực cố gắng trong công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản Nghệ thuật làm gốm Chăm trên địa bàn tỉnh.

Được biết, trước khi được UNESCO vinh danh, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Báo cáo kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên Hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa phi vật thể của Cục Di sản văn hóa. Việc kiểm kê di sản thu hút sự tham gia của cộng đồng ở làng Chăm Bàu Trúc và Bình Đức. Bà con đã rất tích cực phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, Trung tâm Nghiên cứu và trưng bày văn hóa Chăm (tỉnh Ninh Thuận) tham gia việc khảo sát, kiểm kê, quay phim và chụp ảnh. 

Tin cùng chuyên mục
Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Lễ Cấp sắc là nghi lễ thể hiện nhân sinh quan, tín ngưỡng, văn hóa của người Dao. Trong đó, “đặt tên âm và lên đèn” là một trong những nghi thức rất quan trọng, khi đó người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.