Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo

Chương trình MTQG 1719: Động lực giúp các dân tộc khó khăn đặc thù phát triển

Minh Thu - 17:01, 28/03/2025

Triển khai Tiểu dự án 1, Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng vào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719), các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang đẩy mạnh tiến độ thực hiện. Qua đó, tạo động lực giúp đồng bào các DTTS khó khăn đặc thù có cơ hội phát triển, vươn lên.

Đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã và đang có bước phát triển tích cực nhờ Chương trình MTQG 1719 (Ảnh minh họa).
Đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã và đang có bước phát triển tích cực nhờ Chương trình MTQG 1719. (Ảnh minh họa)

Bản làng khang trang, trù phú

Thực hiện Chương trình MTƯQG 1719, qua gần 4 năm triển khai, tỉnh Lai Châu đã thực hiện đồng bộ các nội dung hỗ trợ bảo vệ và phát triển các DTTS có khó khăn đặc thù theo Dự án 9.

Đơn cử như ở bản Bãi Trâu, xã Bản Hon, huyện Tam Đường - nơi có 24 hộ đồng bào dân tộc Lự. Những năm trước đây, đời sống của người dân gặp không ít khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của bản còn cao. Từ năm 2022, thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 9, mỗi hộ gia đình ở bản đã được hỗ trợ 1 con trâu để cải thiện điều kiện sản xuất. Trước đó, đồng bào Lự bản Bãi Trâu còn được hỗ trợ 100% giống và phân bón để phát triển cây chè, nâng tổng diện tích chè của cả bản lên 12,2ha.

Chính sách hỗ trợ các dân tộc có khó khăn đặc thù tại Dự án 9, Chương trình MTQG 1719 đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Những bản làng của người Lự trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã từng bước thay đổi diện mạo, ngày một tươi sáng hơn, khang trang, trù phú hơn”.

Ông Nguyễn Đức ThuậnPhó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Lai Châu

Trưởng bản Bãi Trâu, ông Tao Văn Kẻo cho biết: “Nhờ có nguồn đầu tư từ chính sách cho dân tộc có khó khăn đặc thù, cùng với sự chăm chỉ, nỗ lực của người dân, thu nhập của bà con đã tăng lên. Nhiều gia đình ở bản không chỉ thoát nghèo mà đã có điều kiện kinh tế hơn trước rất nhiều.

Tương tự, ở xã Nà Tăm, huyện Sìn Hồ, triển khai Tiểu Dự án 1, địa phương đã cấp giống bưởi da xanh cho 400 hộ đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù; đồng thời hỗ trợ phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt. Đến nay, cây bưởi da xanh đã mang lại nguồn thu ổn định cho bà con Nà Tăm.

Với tỉnh Hà Giang, địa phương có 5/14 dân tộc có khó khăn đặc thù gồm: Pu Péo, Lô Lô, Cờ Lao, Pà Thẻn, Bố Y, khi thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, sinh kế, bảo tồn văn hóa truyền thống, giảm thiểu tảo hôn, tạo động lực giúp các DTTS phát triển.

Đồng bào dân tộc Pà Thẻn, thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang giữ gìn nghề dệt truyền thống (Ảnh minh họa).
Đồng bào dân tộc Pà Thẻn, thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang giữ gìn nghề dệt truyền thống. (Ảnh minh họa)

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hà Giang được giao tổng nguồn vốn thực hiện Dự án 9 là 383.809 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương 363.067 triệu đồng (vốn đầu tư 177.426 triệu đồng, vốn sự nghiệp 185.641 triệu đồng); ngân sách địa phương đối ứng 20.742 triệu đồng.

Đến nay, các địa phương và ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã triển khai thực hiện 33 công trình lớp học, nhà lưu trú giáo viên, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình chống sạt lở; triển khai 48 mô hình sinh kế, 1.357 hoạt động hỗ trợ sản xuất cho 885 người thụ hưởng. Đã thực hiện 7 dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, thông tin - truyền thông, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào; hỗ trợ bảo vệ và phát triển các DTTS số có khó khăn đặc thù cho 12 hộ với 118 người thụ hưởng; triển khai các giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 192 xã với trên 27.700 người thụ hưởng.

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ các dân tộc có khó khăn đặc thù là rất cần thiết

Nhận định của của Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Hà Giang cho thấy, Dự án 9, Chương trình MTQG 1719 đã tạo động lực giúp đồng bào nhanh chóng hòa nhập với sự phát triển của xã hội và tạo cơ hội tiếp cận và thụ hưởng tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản và cơ hội phát triển kinh tế, giúp nhóm DTTS rất ít người thực hiện các quyền cơ bản, phát triển bình đẳng, đầy đủ với các dân tộc khác.

Đánh giá về hiệu quả của Dự án 9, Chương trình MTQG 1719, ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Lai Châu khẳng định: Chính sách hỗ trợ hỗ trợ các dân tộc có khó khăn đặc thù tại Dự án 9, Chương trình MTQG 1719 đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Những bản làng của người Lự trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã từng bước thay đổi diện mạo, ngày một tươi sáng hơn, khang trang, trù phú hơn”.

Có thể khẳng định, với nguồn lực từ các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là Chương trình MTQG 1719, đời sống của đồng bào các dân tộc có khó khăn đặc thù đã có những chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, để kéo giảm khoảng cách phát triển với các dân tộc khác thì việc tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ các dân tộc có khó khăn đặc thù là rất cần thiết.

Tuyến đường từ thôn Thượng Minh tới trung tâm xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang được đầu tư, nâng cấp (Ảnh minh họa).
Tuyến đường từ thôn Thượng Minh tới trung tâm xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang được đầu tư, nâng cấp. (Ảnh minh họa)

Hiện nay tỷ lệ nghèo của các dân tộc có khó khăn đặc thù vẫn còn tăng ở phần đông các dân tộc; chỉ có 1/3 số dân tộc có tỷ lệ nghèo giảm, nhưng giảm không đáng kể. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển các dân tộc có khó khăn đặc thù trong thời gian tới. Vì vậy, Ủy ban Dân tộc (nay là Bộ Dân tộc và Tôn giáo) đã xây dựng dự thảo Đề án xác định tiêu chí các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2026 - 2030 để lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý trước khi hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

So với tiêu chí xác định dân tộc khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025, ngoài tiêu chí được kế thừa của Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg, tiêu chí giai đoạn 2026 - 2030 được bổ sung thêm đối tượng là các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn có số dân trên 10 nghìn người, có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 60% trở lên sinh sống tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. Điểm này, đảm bảo sẽ không bỏ sót đối tượng thực sự khó khăn tại vùng sâu, vùng xa và chính là động lực giúp các dân tộc khó khăn đặc thù phát triển.

Sau gần 4 năm, với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, chính sách, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719, đời sống của 14 dân tộc có khó khăn đặc thù đã có chuyển biến rõ nét. Tính đến hết năm 2024, có 4/14 dân tộc có khó khăn đặc thù (La Ha, Pà Thẻn, Chứt, Rơ Măm) có tỷ lệ hộ nghèo giảm so với năm 2019; trong đó có 2 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 10% như La Ha giảm 26%, Chứt giảm 16%. Cùng với đó, nhiều vấn đề bức thiết trong đời sống của các dân tộc có khó khăn đặc thù cũng được quan tâm giải quyết và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.