Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Các Chương trình mục tiêu quốc gia

Chương trình mục tiêu quốc gia tạo chuyển biến tích cực cho Hữu Khuông...

Vi Hợi - 13:12, 19/10/2024

Những năm gần đây, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ qua các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, diện mạo nông thôn xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An có nhiều bước chuyển tích cực. Những công trình hạ tầng giao thông, trường học, trạm xá… được đầu tư, xây dựng khang trang, là minh chứng rõ nét cho sự phát triển nơi đây.

Thi công xây dựng cầu Khe Hộc thuộc dự an đường giao thông tuyến Bản Xàn đi Trung tâm xã Hữu Khuông
Thi công xây dựng cầu Khe Hộc thuộc dự án đường giao thông tuyến Bản Xàn đi Trung tâm xã Hữu Khuông

Xác định phát triển hạ tầng giao thông là tiền đề, động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2020 - 2025, xã Hữu Khuông đã huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp và hoàn thiện hàng chục km đường giao thông nông thôn theo phương thức huyện hỗ trợ kinh phí, xã huy động nhân lực địa phương để đào đắp các tuyến đường nối bản với trung tâm xã, đường đến các khu sản xuất tập trung.

Những ngày này, trên công trường thi công cầu Khe Hộc, cầu Khe Pủng, cầu Con Phen, các công nhân đang khẩn trương làm việc ngày đêm để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Lực lượng thi công đường công vụ chạy song song với trục đường chính cũng đang nỗ lực để thông tuyến vào cuối năm 2024.

Cùng với đó, đoạn đường nối từ trung tâm xã Hữu Khuông đến Quốc lộ 16 đã được thông tuyến, tiếp đến đoạn đường nối từ trung tâm xã đến Bản Xàn hơn 20km đang được thi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hiện nay cả xã Hữu Khuông có 117 lồng bè nuôi cá trên Hồ thủy điện Bản Vẽ.
Hiện nay cả xã Hữu Khuông có 117 lồng bè nuôi cá trên Hồ thủy điện Bản Vẽ

Ông Lô Văn Giáp, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông cho biết: “Những công trình giao thông được đầu tư trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, lưu thông hàng hóa của Nhân dân, giúp sản xuất nông nghiệp phát triển, cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã.

Là một trong những hộ tiên phong trong phát triển kinh tế, ông Ngân Văn Hồng ở Bản Xàn trồng hơn 4ha lát hoa, 2ha cỏ chăn nuôi và nhận quản lý, bảo vệ hàng chục ha rừng tự nhiên. Ngoài ra, ông Hồng còn khai hoang đất làm ruộng, đào ao nuôi cá, chăn nuôi gà, vịt... cuộc sống ngày một sung túc.

Cùng với quan tâm phát triển sản xuất, công tác di dân, tái định cư cũng được chính quyền địa phương chú trọng. Như chia sẻ của anh Lô Văn Núi, ở bản Huồi Pủng: Cuối năm nay, gia đình tôi sẽ được chuyển đến khu tái định cư tại Khe Hộc. Ở đó đất bằng, lại gần trung tâm xã, giao thông đi lại thuận lợi, bà con cũng có điều kiện làm lúa nước nên chắc chắn cuộc sống sẽ hơn nơi ở cũ.

Một góc bản Con Phen, xã Hữu Khuông
Một góc bản Con Phen, xã Hữu Khuông

Chúng tôi đến thăm bản Tủng Hốc, nơi có hơn 80 hộ đồng bào dân tộc Khơ Mú. Anh Moong Văn Tình đón tôi ngay từ đầu bản, chỉ tay lên các triền đồi, anh khoe: Trước đây, những ngọn đồi kia lau lách mọc um tùm, còn bây giờ thì sắn xanh tươi bạt ngàn. Năm ngoái có hơn nửa bản thu nhập trên 100 triệu đồng từ cây sắn, bà con phấn khởi lắm, nên năm nay bà con trồng nhiều hơn. Nhà ở của bà con bây giờ cũng thay đổi nhiều, số nhà tạm bợ chỉ còn vài nhà nữa thôi, cuối năm nay sẽ được hỗ trợ làm mới. Đường làng, ngõ xóm bây giờ sạch đẹp hơn xưa nhiều lắm rồi. Đất bằng ven khe suối được bà con tận dụng làm ruộng, trồng rau màu, trồng cỏ chăn nuôi. Bình quân mỗi hộ có tới 5 - 6 con trâu, bò… Tuy chưa giàu, nhưng bà con Tủng Hốc bây giờ không còn đói nữa.

Tạm biệt bản Tủng Hốc, chúng tôi tiếp tục lên bản Chà Lâng. Anh Và Bá Và, Bí thư Chi bộ bản Chà Lâng chia sẻ: “Bây giờ có đường đẹp, bà con đi lại thuận lợi, xe ô tô chở hàng đến tận bản, nông sản bà con làm ra là có người đến mua ngay, lại còn được giá nữa, nên ai cũng vui, chăm chỉ làm ăn để xua cái đói, đuổi cái nghèo”.

Mô hình chăn nuôi bò bán chăn thả của anh Và Bá Và, bản Chà Lâng, xã Hữu Khuông.
Mô hình chăn nuôi bò bán chăn thả của anh Và Bá Và, bản Chà Lâng, xã Hữu Khuông

Bản Chà Lâng có 51 hộ, đến nay, bình quân mỗi hộ có 7 - 8 con bò, hơn 1ha sắn, 1ha ngô và khoảng 5 sào ruộng. Năm 2023, nhà có thu nhập thấp nhất cũng đạt trên 50 triệu đồng, có nhà thu nhập đạt trên 200 triệu đồng. Sắp tới, bản Chà Lâng sẽ triển khai dự án trồng 10.000 cây đào mốc, trồng trong bản và trồng cả trên nương.

Bà Pịt Thị Thỏa, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hữu Khuông khẳng định: Dẫu đang còn bộn bề khó khăn, nhưng có thể khẳng định đến bây giờ dân Hữu Khuông không còn đói nữa, cuộc sống của bà con đã khác xưa rất nhiều. Đó là kết quả từ sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của Nhà nước với các chương trình MTQG; đồng thời là một quá trình tuyên truyền, vận động thay đổi tư tưởng, nhận thức của Nhân dân. Hữu Khuông hiện đã hoàn thành hơn 60% chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 và đang nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu còn lại. 

Tin cùng chuyên mục
Người có uy tín phát huy vai trò trong thực hiện các chương trình MTQG ở Con Cuông

Người có uy tín phát huy vai trò trong thực hiện các chương trình MTQG ở Con Cuông

Thực hiện các chương trình MTQG, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã có nhiều cách làm hiệu quả. Một trong những giải pháp ấy, chính là khơi dậy được vai trò tiên phong, gương mẫu, dẫn dắt của đội ngũ Người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động và huy động sức mạnh đoàn kết, ý chí, quyết tâm của người dân trên địa bàn.