Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Sốp Cộp trên đường đổi mới

Nguyễn Vũ Điền - 07:28, 20/08/2024

Sau 20 năm phát triển, được sự quan tâm của Trung ương và của tỉnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đã thay đổi rất nhiều. Con đường từ TP. Sơn La vào huyện dài hơn 120km được thảm nhựa phẳng lì. Phố huyện đã hiện lên như một thị trấn đông vui, nhộn nhịp giữa miền biên giới…

Một góc huyện Sốp Cộp hôm nay. Ảnh TL
Một góc huyện Sốp Cộp hôm nay. Ảnh TL

Một thời gian khó

Sốp Cộp là huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn La. Những năm chưa tách huyện, con đường từ Sông Mã vào Sốp Cộp vô cùng hiểm trở, chỉ cần sơ sểnh một chút thôi là tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Năm 2005, khi đang công tác tại Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, tôi đã từng đến tất cả các xã của huyện, từ Mường Và đến Mường Lạn, Nậm Lạnh, Sam Kha; từ Púng Bánh đến Mường Lèo. Tôi cũng đã cùng các đoàn công tác đi “thị sát” bằng xe ôm, do những tay lái “cừ khôi” nhất của Sốp Cộp chở lên tận các bản Huổi Hịa, Hua Lạnh ngay trong những ngày băng giá để phân định vùng khó khăn cho huyện. Tôi đã tận mắt thấy nỗi khổ của các thầy, cô giáo vùng cao, nỗi vất vả của các cháu học sinh bán trú. Tôi cũng đã chứng kiến những khó khăn, nghèo khó của Nhân dân các dân tộc ở những nơi tôi đến; tận mắt chứng kiến những gian lao, vất vả mà các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã trải qua để giữ vững an ninh vùng biên ải. Và tôi hiểu, những khó khăn, trở ngại của huyện Sốp Cộp là rất lớn, không dễ vượt qua.

Những năm qua, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tới. Toàn huyện đã tập trung triển khai hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Bà Dương Tú Anh, Bí thư Huyện ủy Sốp Cộp

Năm 2004, khi huyện mới thành lập, cơ sở vật chất của Sốp Cộp hầu như không có gì. “Trụ sở” của huyện chỉ là mấy căn nhà cấp 4 tiếp quản của Đồn Biên phòng Nậm Lạnh. Những ngôi nhà lợp tôn đã hoen gỉ được sửa sang lại. Tất cả các phòng, ban chuyên môn đều phải mượn gầm sàn nhà dân để làm việc. Khu vực trung tâm huyện chỉ lưa thưa mấy quán hàng. Điện đóm phập phù, nhà khách không có, nhà nghỉ thì không. Những tiện nghi tối thiểu để phục vụ khách đến làm việc cũng chẳng đâu vào đâu. Rất nhiều đoàn công tác vào huyện làm việc đều phải ngược ra Sông Mã nghỉ đêm rồi mai vào làm việc tiếp…

Bên cạnh sự thiếu thốn về cơ sở vật chất là cái khó về đội ngũ cán bộ. Hầu hết anh em cán bộ chủ chốt của huyện đều được điều động từ tỉnh và các huyện khác vào. Công việc đang ổn định giờ phải vào công tác ở một huyện biên giới xa xôi, đi lại khó khăn, thiếu thốn trăm bề nên họ rất tâm tư và chưa yên tâm công tác.

Trên đường phát triển

Sau 20 năm phát triển, Sốp Cộp đã thay đổi rất nhiều. Con đường từ TP. Sơn La vào huyện dài hơn 120km được thảm nhựa phẳng lì. Phố huyện đã hiện lên như một thị trấn đông vui, nhộn nhịp giữa miền biên giới. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên dọc những phố phường thơ mộng, làm cho cuộc sống nơi đây trở nên thật đáng sống. Hệ thống giao thông nông thôn đã được đầu tư, thảm bê tông, xe có thể đi suốt bốn mùa; những bản làng trù phú, ấm no đã hiện hữu khắp nơi. Các thiết chế văn hóa xã hội được đầu tư. Hệ thống điện lưới quốc gia, hệ thống nước sạch nông thôn đã cung cấp đủ cho nhu cầu của bà con trong huyện. Cả một dải biên thùy 124km của huyện Sốp Cộp được giữ gìn ổn định.

Người dân xã Mường Và triển khai trồng dứa nguyên liệu. Ảnh TL
Người dân xã Mường Và triển khai trồng dứa nguyên liệu. Ảnh TL

Những năm qua, hệ thống chính trị của huyện đã tập trung chỉ đạo lồng ghép hiệu quả nguồn vốn đầu tư hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động địa phương, hỗ trợ đời sống và sinh kế ổn định dân cư.

Huyện đã hỗ trợ các hộ nghèo DTTS về cây, con giống, về công cụ sản xuất, hướng dẫn cho các hộ trồng giống quýt chum - một giống quả quý, phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương. Bên cạnh đó, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào, nhờ đó cơ sở hạ tầng của Sốp Cộp đã từng bước hoàn thiện, hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa đã đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh; đời sống ngày một nâng cao.

Một vùng biên giới đã vươn mình, khởi sắc. Những khó khăn, gian khó vẫn đang còn ở phía trước. Nhưng với truyền thống kiên cường, bất khuất của đồng bào các dân tộc Sốp Cộp và với sự giúp đỡ của tỉnh, của Trung ương, tin tưởng rằng Sốp Cộp sẽ tiếp tục vượt lên và trở thành một vùng sáng nơi biên cương Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục
Tam Đường (Lai Châu): Khơi dậy tinh thần vươn lên thoát nghèo trong đồng bào DTTS

Tam Đường (Lai Châu): Khơi dậy tinh thần vươn lên thoát nghèo trong đồng bào DTTS

Tam Đường là huyện cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, địa bàn rộng với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống; trên 80% dân số là đồng bào DTTS. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp, giành nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.