Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Chuyện an cư lạc nghiệp của người dân miền núi xứ Thanh: Sắp xếp, ổn định dân cư theo lộ trình (Bài 3)

Quỳnh Trâm - 07:04, 03/11/2022

Trước tình hình nhiều bản làng khu vực miền núi còn nằm trong vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, các cấp ngành, địa phương tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực để triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, tiến độ thực hiện đề án còn rất chậm, người dân luôn phải sống trong nớm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ đến. Để giải quyết tình trạng này, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, với sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nỗ lự chung tay của người dân.


Thói quen của người dân ở khu vực miền núi là sống ở ven sông, sườn đồi
Thói quen của người dân ở khu vực miền núi, là sống ở ven sông, sườn đồi-những điểm có nguy cơ sạt lở, lũ lụt

Nhiều nỗ lực của chính quyền

Nhìn lại công tác sắp xếp, bố trí dân cư vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua, có thể thấy, các cấp ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa ra nhiều giải pháp, đầu tư kinh phí để hỗ trợ các hộ dân vùng núi ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do số lượng hộ dân trong vùng nguy cơ thiên tai quá đông, trong khi kinh phí còn eo hẹp, công tác sắp xếp dân cư không thể triển khai trong một sớm, một chiều, mà cần nhiều thời gian.

Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ sắp xếp, ổn định được hơn 2.928 hộ; khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa vẫn còn gần 4.307 hộ ảnh hưởng, sống trong nỗi thấp thỏm lo âu khi có mưa lũ. Trong đó, có 3 huyện miền núi cao, biên giới gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa thuộc vùng trọng điểm, nguy cơ sạt lở rất cao.

Nguyên nhân được các địa phương chỉ rõ, chủ yếu là nguồn kinh phí và quỹ đất để bố trí thực hiện các chương trình, dự án còn hạn chế, chưa tương xứng với mục tiêu đề ra. Mức đầu tư để bố trí ổn định cho các hộ dân còn thấp, nguồn vốn giao để thực hiện còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện sắp xếp, bố trí ổn định cho các hộ dân. 

Nhiều chương trình, dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt từ những năm 2010, 2011, nhưng đến nay, vẫn chưa có vốn để triển khai. Trong khi đó, việc huy động các nguồn lực cùng tham gia vào chương trình sắp xếp, ổn định dân cư đã được một số địa phương thực hiện, nhưng hiệu quả còn chưa cao, chủ yếu vẫn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Không chỉ thiếu nguồn vốn, tình trạng thiếu quỹ đất để bố trí, sắp xếp tái định cư (TĐC) cho người dân cũng là “bài toán” nan giải tại khu vực miền núi.

Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 14 khu TĐC tập trung cho 597 hộ trên địa bàn các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước. Các khu TĐC tập trung này, thực sự là nơi giúp cuộc sống của người dân được “hồi sinh” sau khi phải hứng chịu tác động, thiệt hại nặng nề về người và của do thiên tai gây ra. 

Mặc dù còn nhiều bất cập như quỹ đất eo hẹp, người dân thiếu đất sản xuất, thiếu sinh kế, thế nhưng cuộc sống bà con bước đầu ổn định, an toàn, có nơi “an cư lạc nghiệp”.

Khu tái định cư bản Chim ở xã Nhi Sơn, huyện vùng cao biên giới Mường Lát nằm trong dự án di dời dân cư khẩn cấp
Khu tái định cư bản Chim ở xã Nhi Sơn, huyện biên giới Mường Lát nằm trong dự án di dời dân cư khẩn cấp

Ổn định dân cư theo lộ trình

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa cho biết: Năm 2021, Sở NN&PTNT đã đề xuất 5 dự án di dời dân cư khẩn cấp khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh, với tổng mức đầu tư khoảng 99,350 tỷ đồng, cụ thể là: Dự án di dân TĐC tập trung bản Cang, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát; dự án di dân TĐC tập trung bản Kéo Té, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát; dự án di dân TĐC tập trung bản Muống, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn; dự án di dân TĐC tập trung bản Bon, thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn; dự án di dân TĐC tập trung bản Sơn Thành, xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa.

Sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025
Cần có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân trong việc sắp xếp, ổn định dân cư ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2025, tỉnh sẽ thực hiện sắp xếp, ổn định cho 2.828 hộ dân tại khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2022-2025, là 546,3 tỷ đồng, trong đó: Giai đoạn 2022-2023 là 343,825 tỷ đồng.

Về nguồn vốn đầu tư, ngoài vốn Nhà nước hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn ngân sách, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021–2025 do tỉnh quản lý, việc thực hiện sắp xếp, bố trí dân cư cần thực hiện lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án trên cùng địa bàn; và huy động vốn đầu tư, hỗ trợ của doanh nghiệp, đóng góp của Nhân dân. 

Bên cạnh nguồn vốn bố trí theo kế hoạch hàng năm, các địa phương cần chủ động rà soát các dự án bố trí dân cư trên địa bàn, xác định các vùng cần di dời cấp bách nhưng thiếu vốn đầu tư để bổ sung từ quỹ dự phòng của địa phương; hoặc trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung để thực hiện, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Cùng với đó, tỉnh và các huyện miền núi cần quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề, dịch vụ, tín dụng - đầu tư; nâng cao năng lực, trách nhiệm quản lý cho cán bộ cơ sở... để việc sắp xếp, bố trí cho các hộ dân cư sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, an tâm di dời đến nơi ở mới xây dựng cuộc sống, an cư  bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.