Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Chuyện an cư lạc nghiệp của người dân miền núi xứ Thanh: Nơm nớp nỗi lo khi mùa mưa lũ đến (Bài 1)

Quỳnh Trâm - 06:46, 02/11/2022

Theo rà soát, thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có trên 2.778 hộ dân, với 11.897 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ xảy ra lũ quét; gần 6 nghìn hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi, vùng cao biên giới của tỉnh. Sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét cao nên vào mùa mưa bão, người dân nơm nớp lo sợ. Bao năm qua, họ mong mỏi được di dời đến nơi an toàn.


Tại một nơi ở mới, người dân bản Lở, xã Nam Động (Quan Hóa) đang hoàn thiện ngôi nhà để ở trước khi có đợt mưa tiếp theo
Tại nơi ở mới, người dân bản Lở, xã Nam Động (Quan Hóa) đang hoàn thiện ngôi nhà để ở trước khi có đợt mưa tiếp theo

Cứ trời mưa là sợ

Vào những ngày mưa to gió lớn, người dân ở bản Lở, xã Nam Động, huyện Quan Hóa lại trong tâm trạng đứng ngồi không yên vì lo lắng trước nguy cơ sạt lở. Đặc biệt, hiện nay nay tại bản Lở, có một vết nứt to, kéo dài xuất hiện dọc ngọn núi đã mấy năm nay. Mỗi khi trời mưa là nước dưới chân núi tràn ra, vết nứt ngày một rộng thêm, đe dọa 34 hộ dân sinh sống dưới chân núi.

Chị Lương Thị Xuân, người dân bản Lở cho biết: “Cứ trời mưa lớn là chúng tôi không dám ngủ, dân làng hô hào nhau bỏ chạy ra lán chứ không dám ở làng”. 

Bản Lở là 1 trong 3 điểm được tỉnh Thanh Hoá xác định có nguy cơ cao về sạt lở, cần lên phương án di chuyển dân khẩn cấp. Theo dự kiến, Khu tái định cư tập trung mới cũng tại  bản Lở xây dựng trên đất lúa và đất rừng trồng luồng, diện tích khoảng 1,5ha đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030; Việc quy hoạch đất ở và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cũng đã được UBND huyện Quan Hóa đề nghị tỉnh chỉ đạo để trình HĐND tỉnh cho chủ trương thực hiện.

Khu tái định cư tập trung tại bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát) đang trong quá trình hoàn thành
Khu tái định cư tập trung tại bản Ón, xã Tam Chung (huyện Mường Lát) đang được địa phương gấp rút hoàn thành

Theo ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá, để đảm bảo an toàn cho người dân, khu vực nào nguy cơ sạt lở cao, huyện sẽ làm trước. Huyện cũng đã họp và triển khai các giải pháp, trong đó chỉ đạo các xã tập trung rà soát các hộ dân, thường xuyên cập nhật, đánh giá nguy cơ, xuất hiện nguy cơ phải có biện pháp di dời người dân đến nơi an toàn, đảm bảo tính mạng cho người dân và tài sản.

Tại huyện biên giới Mường Lát, có khoảng 700 hộ dân, với gần 3.000 nhân khẩu, ở toàn bộ 8 xã, thị trấn nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và ra sạt lở đất. Đặc biệt, bản Ón, xã Tam Chung, có 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Bản nằm cheo leo trên 3 dãy núi cao, tại đây có 42 hộ dân thuộc diện phải bố trí, sắp xếp di chuyển khẩn cấp sang khu tái định cư mới, bởi nguy cơ sạt lở đất ở mức rất cao.

Anh Giàng A Chìa, một người dân thuộc diện phải di dời ở bản Ón, cho biết: “Bao năm nay, mỗi khi trời đổ mưa, chúng tôi phải tập trung lắng nghe, nếu có tiếng kẻng của bản, là cả nhà lại phải chạy thật nhanh sang trường học hoặc nhà văn hóa... Nếu ban ngày việc di chuyển còn đỡ, vào ban đêm thì cả nhà vẫn phải chạy, vất vả lắm”.

Những năm trước đây hộ dân sống trong khu Co Hương, bàn Ngàm, xã Tam Thanh (Quan Sơn) sống phập phồng lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ về
Những năm trước đây các hộ dân sống trong khu Co Hương, Bàn Ngàm, xã Tam Thanh (Quan Sơn) phập phồng lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ về

Đảm bảo an toàn cho người dân

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, huyện đã xây dựng các phương án phòng chống thiên tai sát với tình hình thực tế; Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo cho người dân chủ động ứng phó với hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; phát huy tốt phương châm "4 tại chỗ" khi mưa lũ xảy ra.

Bên cạnh đó, Mường Lát đang đẩy mạnh triển khai xây dựng các khu tái định cư để di chuyển người dân đến nơi ở an toàn. Từ năm 2018 đến năm 2021, bằng nguồn vốn xử lý khẩn cấp hậu quả mưa lũ của tỉnh, huyện Mường Lát đã xây dựng được 6 khu tái định cư tập trung, đảm bảo an toàn cho gần 400 hộ dân.

Theo kế hoạch năm 2022, huyện Mường Lát sẽ tiếp tục đầu tư khẩn cấp thêm  6 khu tái định cư, đảm bảo chỗ ở ổn định cho hàng trăm hộ dân. Đây sẽ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản do thiên tai gây ra, đảm bảo cho người dân yên tâm ổn định cuộc sống.

Tại huyện Quan Sơn, người dân khu Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh sống cạnh ngọn núi cao có nguy cơ sạt lở và một bên là con suối, thường xuyên dâng nước lũ hung dữ, nên bà con luôn nơm nớp mỗi khi có mưa lũ. Năm 2022, chính quyền địa phương đang khẩn cấp xây dựng Khu tái định cư để di dời 36 hộ dân đến nơi an toàn.

Hiện nay, đơn vị thi công đã bàn giao đất cho các hộ dân tiến hành di chuyển ra nơi ở mới, tuy nhiên, một số hạng mục vẫn chưa thể hoàn thành do thiếu vốn. Tại Tờ trình số 42/TTr-UBND ngày 31/5/2022, huyện Quan Sơn đề nghị, tỉnh Thanh Hóa nâng mức hỗ trợ đối với khu tái định cư tập trung lên 450 triệu đồng/hộ mới bảo đảm theo yêu cầu đề án đặt ra.

Năm 2022, chính quyền địa phương Quan Sơn đang khẩn cấp xây dựng khu tái định cư để di dời 36 hộ dân đến nơi an toàn
Năm 2022, chính quyền địa phương Quan Sơn đang khẩn cấp xây dựng khu tái định cư để di dời 36 hộ dân đến nơi an toàn

Theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, qua rà soát, thống kê, trên địa bàn tỉnh còn hơn 8.500 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Cụ thể, có 2.778 hộ dân với 11.897 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ xảy ra lũ quét,  tập trung đông nhất ở các huyện miền núi như: Thường Xuân 837 hộ, Thạch Thành 494 hộ, Quan Sơn 255 hộ, Cẩm Thủy 189 hộ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 5.725 hộ, với 23.868 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất, tập trung tại huyện Hà Trung với 928 hộ; Quan Hóa 695 hộ; Mường Lát 505 hộ và Quan Sơn 554 hộ…