Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Chuyện an cư lạc nghiệp của người dân miền núi xứ Thanh: Từng bước hiện thực ước mơ an cư lạc nghiệp (Bài 4)

Quỳnh Trâm - 08:32, 03/11/2022

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thông qua các dự án xây dựng các khu tái định cư, những năm gần đây, đã có hàng trăm hộ dân, chủ yếu là hộ đồng bào DTTS đã được di dời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét về sinh sống ở khu tái định cư, bớt đi những nỗi lo sợ thiên tai, địch họa, giúp người dân “an cư lạc nghiệp”.


Nhiều khu tái định cư được xây dựng, giúp người dân ở vùng miền núi Thanh Hóa được an cư (Ảnh T.B)
Nhiều khu tái định cư được xây dựng, giúp người dân ở vùng miền núi Thanh Hóa được an cư (Ảnh T.B)

Hướng về cuộc sống mới

Những ngày tháng 10, chúng tôi ngược ngàn lên huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa). Tại những khu tái định cư ((TĐC)) trên địa bàn huyện như: bản Poọng (xã Tam Chung), bản Qua (xã Quang Chiểu) và bản Na Chừa (xã Mường Chanh)- là nơi dành cho nạn nhân sau trận lũ kinh hoàng năm 2018 về sinh sống. Những ngôi nhà kiên cố, điện, đường, nước được đầu tư đầy đủ. Đặc biệt, thay vì nơm nớp lo lắng khi mưa bão xảy ra trong những tháng cao điểm này, người dân tập trung suy nghĩ, tính toán để xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả.

“Nhờ có Nhà nước và chính quyền quan tâm, hỗ trợ hết sức nên chúng tôi đã vượt qua được khó khăn, có cuộc sống ổn định như bây giờ. Hiện giờ, chúng tôi không còn lo mưa bão nữa, chỉ lo sao làm ăn khấm khá thôi”, bà Hà Thị Chung, bản Poọng cho hay.

Cuộc sống yên bình về đêm của người dân tại khu tái định cư rẻo cao Thanh Hóa
Cuộc sống yên bình về đêm của người dân tại khu tái định cư rẻo cao Thanh Hóa

Hiện nay, huyện Mường Lát tiếp tục xây dựng khu tái định cư (TĐC) bản Ón, xã Tam Chung, đây là nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất của huyện. Tới đây, khi khu TĐC hoàn thành, 42 hộ người Mông sẽ vơi bớt được nỗi lo khi thiên tai đến.

Anh Giàng A Chống, Trưởng bản Ón chia sẻ: “bản Ón nằm trên khu vực núi cao, mỗi mùa mưa đến, công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn được triển khai rất nghiêm ngặt. Khi thấy dấu hiệu không an toàn, chúng tôi sẽ gõ kẻng để bà con biết, kịp thời di dời sang các khu vực an toàn hơn như Đồn Biên phòng, trường học, nhà văn hóa...”. 

Có lẽ vì vậy, tiếng kẻng trong những ngày mưa bão, đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm trí những người dân bản Ón. Do đó, để có một nơi ở an toàn là niềm mong mỏi bấy lâu nay của các hộ đồng bào nơi đây.

Khu TĐC bản Ón được xây dựng vào cuối tháng 10/2021, trong thời điểm mưa nhiều, địa hình khó khăn phức tạp, khối lượng san lấp lớn cùng tác động của dịch Covid-19. Với nỗ lực của chính quyền địa phương, đến nay, khối lượng công việc xây dựng khu TĐC bản Ón đã cơ bản được hoàn thành. Cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, nước, đường giao thông đã hoàn thiện, đảm bảo đáp ứng các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống người dân.

Ông Giàng A Phử (70 tuổi, người dân bản Ón) nói: "Ngày ngày thấy khu TĐC dần hình thành mà chúng tôi ai cũng khấp khởi mừng, vì sắp có nhà mới kiên cố hơn, có nơi ở mới an toàn, không còn phải chạy mưa bão nữa. Cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm”.

Niềm vui của người dân bản Na Chừa, xã Mường Chanh (Mường Lát) tại khu ở mới
Niềm vui của người dân bản Na Chừa, xã Mường Chanh (Mường Lát) tại khu ở mới

Hiện thực những giấc mơ

Giấc mơ an cư với người dân khu Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) cũng đã thành hiện thực, sau nhiều năm sống nơm nớp dưới chân núi có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

Trong ngôi nhà sàn rộng rãi, kiên cố, mái lợp ngói đỏ, ông Lương Văn Kến (97 tuổi, khu tái định cư (TĐC) Co Hương, bản Ngàm, kể lại, không biết bao nhiêu lần ông cùng gia đình phải hô nhau tháo chạy trong đêm vì lũ ở con suối trong bản dâng lên bất ngờ.

“Năm nay, chúng tôi đã được đến nơi ở mới do Nhà nước hỗ trợ xây nên, niềm vui không thể nào tả xiết. Bà còn sẽ có thêm động lực để phát triển kinh tế, xây dựng quê hương”, ông Kến vui vẻ nói.

Dẫn chúng tôi thăm khu TĐC Co Hương, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh Hà Văn Tựng chia sẻ, khu TĐC Co Hương được triển khai xây dựng trên diện tích khoảng 3 ha, mỗi hộ đảm bảo diện tích từ 260-280m2, phục vụ công tác di dời khẩn cấp 36/136 hộ với 171 nhân khẩu, tổng mức đầu tư khoảng 12,8 tỷ đồng.

Giờ đây việc đi lại, sinh hoạt của người dân Co Hương đã thuận lợi hơn trước rất nhiều, đường bê tông đã tới tận ngõ ngách, đèn điện đã thắp sáng từng nếp nhà sàn, công trình nước sinh hoạt vào đến từng hộ, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước của người dân... 

Cùng với những dự định trong phát triển sản xuất, trong định hướng của huyện, Co Hương đang được kỳ vọng, sẽ là mô hình điểm trong sắp xếp, ổn định dân cư miền núi bị ảnh hưởng thiên tai, mang đến sự đổi thay trong cộng đồng.

Nhằm giúp bà con có sinh kế mới tại khu TĐC, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa) đang triển khai hỗ trợ thực hiện mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản cho 38 hộ gia đình tại bản Ngàm, xã Tam Thanh, trong đó chủ yếu tập trung cho các hộ gia đình khu TĐC Co Hương.

 Hiện nay, vẫn còn hàng ngàn hộ dân đang sinh sống trong những vùng có nguy cơ lũ lụt, sạt lở ở các huyện miền núi Thanh Hóa. Công tác sắp xếp, ổn định dân cư đang được tỉnh và các địa phương đặt lên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu cần thực hiện. Tin rằng, với nỗ lực của các cấp ngành, trong thời gian không lâu, mong mỏi “an cư lạc nghiệp” của các hộ dân sẽ được trở thành hiện thực.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Chính sách dân tộc góp phần bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển

Kiên Giang: Chính sách dân tộc góp phần bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển

Kiên Giang xác định việc thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Theo đó, thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, là “bằng chứng sống, sinh động”, khẳng định chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.