Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Xóa nhà tạm - Một giải pháp căn cơ để giảm nghèo

Trọng Bảo - 17:45, 10/01/2021

Tây Bắc lâu nay được xem là “lõi nghèo của cả nước”, để từng bước góp phần nâng cao đời sống vật chất và tỉnh thần cho người dân, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có nhiều giải pháp tích cực; trong đó, việc tập trung mọi nguồn lực để xóa nhà tạm cho người nghèo, hộ gia đình neo đơn được xem là giải pháp căn cơ để giảm nghèo.

Gần 1 nghìn ngôi nhà mới với thiết kế khung sắt lợp tôn nền xi măng được xây cho các hộ nghèo, hộ neo đơn trên địa bàn huyện Mường Tè
Gần 1 nghìn ngôi nhà mới với thiết kế khung sắt lợp tôn nền xi măng được xây cho các hộ nghèo, hộ neo đơn trên địa bàn huyện Mường Tè

Là hộ nghèo của xã, năm nay gia đình anh Vàng Cà Hừ, ở bản Seo Thèn, xã Pa Vệ Sủ,   huyện Mường Tè (Lai Châu) vui mừng khi chuẩn bị đón tết cổ truyền trong ngôi nhà mới được xây dựng chắc chắn. "Giờ mưa to, gió lớn cũng không còn phải lo lắng nữa rồi. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến người dân vùng sâu, vùng xa như chúng tôi được có nhà ở, giờ thì yên tâm rồi chỉ lo làm ăn, phát triển kinh tế thôi”, anh Hừ tâm sự.

Cũng như gia đình anh Hừ, cuối tháng 10/2020 vừa qua, gần 1 nghìn hộ nghèo, hộ gia đình neo đơn trên địa bàn huyện vùng cao Mường Tè, tỉnh Lai Châu vui mừng khi được chuyển về ở trong những ngôi nhà mới. Với đặc thù là huyện biên giới có đông đồng bào DTTS sinh sống; điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, số nhà tạm của hộ dân còn ở mức cao. Việc hỗ trợ xóa các nhà tạm giúp người dân ổn định cuộc sống là nhu cầu bức thiết.

Từ nguồn vốn hỗ trợ 50 tỷ đồng do Thành ủy, chính quyền và Nhân dân TP. Hồ Chí Minh quyên góp, trao tặng, 704 ngôi nhà được làm mới và 265 ngôi nhà được hỗ trợ sửa chữa. Để đẩy nhanh tiến độ, tỉnh Lai Châu đã huy động các lực lượng Công an, Biên phòng, Bộ chỉ huy Quân sự cùng chính quyền và nhân dân tham gia xóa nhà tạm giúp bà con.

Thị ủy, UBND thị xã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phấn đấu không để hộ dân nào sống trong những ngôi nhà dột nát.

Ông Phan Đăng Toàn, Bí thư thị ủy Sa Pa - Lào Cai

Tương tự, tại Lào Cai, năm 2020, toàn tỉnh có 983 ngôi nhà tạm, dột nát đã được xóa thay vào đó là những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, khang trang giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống. Trong đó, các huyện xóa được nhiều nhà tạm, nhà dột nát nhiều nhất là Bảo Yên, với 133 nhà, thị xã Sa Pa 127 nhà… từ nguồn xã hội hóa.

Ghi nhận tại thị xã Sa Pa, ông Phan Đăng Toàn, Bí thư thị ủy Sa Pa cho biết: Ngay sau khi thị xã Sa Pa được thành lập, Thị ủy, UBND thị xã xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phấn đấu không để hộ dân nào sống trong những ngôi nhà dột nát. Qua rà soát trên địa bàn thị xã, còn 294 ngôi nhà cần phải được làm mới để ổn định đời sống của cho bà con. Với 2 xã Liên Minh và Mường Bo là xã nằm trong chương trình hoàn thành NTM, thì áp dụng thực hiện tiêu chí nhà ở để hỗ trợ cho bà con.

“Đối với 127 ngôi nhà dột nát cần được làm mới không thuộc 2 xã Liên Minh và Mường Bo, thì chúng tôi sử dụng nguồn xã hội hóa, với tổng kinh phí trên 5,7 tỷ đồng. Trong đó, 4,7 tỷ huy động qua Hội nghị các nhà tài trợ do huyện tổ chức, cán bộ, công chức các cơ quan đơn vị trên địa bàn ủng hộ gần 600 triệu, còn lại gần 500 triệu do các doanh nghiệp ủng hộ trực tiếp cho các xã. Đến thời điểm này, 100% các hộ dân nằm trong chương trình xóa nhà tạm đã được chuyển về ở trong những ngôi nhà mới để chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc”, ông Toàn thông tin.

Anh Tẩn Láo Tả (thứ hai từ trái qua) vui mừng vì năm nay sẽ được đón tết trong ngôi nhà mới
Anh Tẩn Láo Tả (thứ hai từ trái qua) vui mừng vì năm nay sẽ được đón tết trong ngôi nhà mới

Đang hoàn thiện những khâu cuối cùng cho ngôi nhà mới, anh Tẩn Lào Tả, ở thôn Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ Sơn không giấu được niềm vui tâm sự: Gia đình anh thuộc hộ nghèo di chuyển từ thôn Phìn Hồ về (do vị trí nhà anh ở nằm trong vùng nguy cơ sạt lở); vật liệu từ ngôi nhà cũ dỡ ra chuyển về cũng chẳng còn sử dụng lại được bao nhiêu. May mắn cho gia đình khi được xã đưa vào danh sách hỗ trợ tiền để làm nhà mới theo chường trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của thị xã, với kinh phí 30 triệu đồng.

“Gia đình mình vay mượn anh em, họ hàng thêm 20 triệu làm tiền đối ứng để làm ngôi nhà này. Chắc chắn năm nay, sẽ được đón tết ở trong ngôi nhà mới mà không phải lo mưa gió nữa rồi”, anh Tẩn Lào Tả cho biết.


Tin cùng chuyên mục
Bình Định: Những “cây cao bóng cả” tuyên truyền phòng, chống tảo hôn

Bình Định: Những “cây cao bóng cả” tuyên truyền phòng, chống tảo hôn

Những Người có uy tín có tiếng nói rất quan trọng trong đời sống của đồng bào DTTS, họ được xem là những “cây cao bóng cả” của thôn làng. Vì thế, trong những năm qua, các ngành chức năng tỉnh Bình Định đã phối hợp với những Người có uy tín thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được những hệ lụy của tảo hôn, từ đó thay đổi nếp nghĩ và nói không với tảo hôn.