Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Chuyện bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở làng Klũh Klăh

Thùy Dung - Lê Hường - 11:12, 30/10/2019

Nhằm lưu giữ nét đẹp truyền thống, giá trị của văn hóa cồng chiêng, nhiều năm qua, người dân làng Klũh Klăh, xã Ia Bòong, huyện Chư Prông (Gia Lai) đã mở các lớp đánh chiêng để bảo tồn và lưu giữ văn hóa cồng chiêng cho buôn làng.

Chuyện bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở làng Klũh Klăh
Ông Siu Yít (thứ 3 từ phải qua) người mang chiêng về cho dân làng Klũh Klăh.
Ông Siu Yít (thứ 3 từ phải qua) người mang chiêng về cho dân làng Klũh Klăh.

Người nối nhịp chiêng thiêng

Ông Siu Yít, Đội trưởng đội chiêng của làng Klũh Klăh, cho biết: Đã từng có thời trong làng không nhà nào có chiêng và phải đi thuê chiêng về đánh khi có việc quan trọng. Năm 2012, ông Siu Yít lặn lội sang Kon Tum để tìm mua chiêng cổ với số tiền 45 triệu đồng phục vụ các dịp lễ, ngày hội quan trọng.

Không chỉ bỏ tiền mua chiêng, ông còn đến từng nhà vận động dân làng tập trung về nhà văn hóa làng học đánh chiêng, múa truyền thống. Đàn ông tham gia đánh chiêng, đàn bà múa xoang. Ông tỉ mỉ hướng dẫn từng bài chiêng truyền thống cho thế hệ trung niên và thành lập đội chiêng để biểu diễn trong làng.

Năm 2014, ông Siu Yít mở thêm một lớp chiêng nhí nhằm khơi dậy cho các em nhỏ niềm đam mê, hứng thú với văn hóa cồng chiêng. Để tìm người kế cận để bảo tồn văn hóa truyền thống, ông mua thêm bộ chiêng cho các em nhỏ trong làng học. Đến nay, làng có 1 đội chiêng, nam có 22 người, nữ có 21 người múa xoang. Đội chiêng nhí có 15 người.

Không chỉ có tài đánh chiêng, dạy chiêng cho dân làng. Đối với người dân làng Klũh Klăh, ông Siu Yít còn là thợ chỉnh chiêng giỏi. Trong những ngày tập luyện hay lưu diễn, ông đều là người đưa đội chiêng đi, để hướng dẫn, sắp xếp đội hình đánh chiêng sao cho phù hợp với không gian diễn xướng. Nếu chiêng có bị lạc tiếng trong lúc ra trình diễn, ông sẽ có mặt kịp thời để chỉnh chiêng.

Giữ gìn văn hóa truyền thống

Làng Klũh Klăh hiện có 138 hộ, 88 hộ là người đồng bào DTTS, chủ yếu là người Jrai. Từ ngày có chiêng về làng, các đội chiêng lớn, nhỏ đều chăm chỉ luyện tập. Ông Rơ Manh Tốt, người lớn tuổi nhất đội chiêng, chia sẻ: “Từ ngày được Siu Yít kêu gọi đi học đánh chiêng, mình đều tích cực tham gia. Trong đội chiêng làng, mình là người lớn tuổi nhất nên phải làm gương cho người trẻ họ học theo. Nhờ chăm chỉ tập luyện, nhiều năm qua, đội chiêng của làng mình nhiều lần được xã, huyện kêu gọi đi giao lưu văn hóa, thi đánh cồng chiêng với các xã, huyện khác”.

Tiếp nối bước chân truyền thống của đội chiêng lớn, đội chiêng nhí cũng tích cực tập luyện. Vừa qua, đội chiêng nhí được mời đi tham dự, biểu diễn đánh chiêng khai mạc Liên hoan “Tiếng hát cựu chiến binh huyện Chư Prông năm 2019”. Đây cũng là lần đầu tiên, đội chiêng nhí được tham gia biểu diễn ở hội thi cấp huyện.

Em Kpuih Nghĩa, thành viên đội chiêng nhí, cho biết: “Cồng chiêng nhìn vậy thôi chứ khó chơi lắm, nếu không kiên trì là không đánh được đâu. Những ngày đầu mới tập chúng em cũng nản lắm. Nhưng nhờ các chú, các ông trong làng động viên, mà chúng em đến giờ đã thuần thục rồi. Ngày trước mới tập đánh, cứ tối thứ Bảy, Chủ nhật, sau giờ cơm tối chúng em lại về nhà văn hóa làng để luyện. Đến nay, đã biết đánh, khi được kêu đi diễn các chương trình khác thì chúng em tăng thời gian tập luyện lên”.

Cồng chiêng bao đời nay có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa cũng như tâm linh của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên. Chiêng là tiếng nói với Yàng, cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa để người dân thuận lợi làm ăn phát triển kinh tế. Chiêng còn là sợi dây gắn bó, kết nối người dân làng với nhau. Vì thế, các thế hệ người Tây Nguyên luôn tìm cách phát huy nét văn hóa đặc sắc này.

Tin cùng chuyên mục
Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Tạo “sân chơi ” cho người trẻ (Bài 2)

Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Tạo “sân chơi ” cho người trẻ (Bài 2)

Thú chơi đồ cổ không chỉ góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ về những truyền thống tốt đẹp, những tinh hoa mà cha ông để lại. Chính vì vậy, việc tạo ra những sân chơi cho các nhà sưu tầm cổ vật và tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động mua bán cổ vật sẽ giúp những người trẻ trở thành "cánh tay nối dài"của ngành di sản văn hóa nước nhà.