Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Chuyển biến sau khi áp dụng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia

Hiếu Anh - 10:50, 03/02/2020

Tết Canh Tý 2020 là năm đầu tiên Việt Nam áp dụng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia với những chế tài xử phạt rất mạnh mẽ. Qua đó, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã có những chuyển biến tích cực.

Chuyển biến sau khi áp dụng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia

Lấy trà thay rượu còn vui hơn

Đi chúc Tết bà con họ hàng những ngày đầu Xuân Canh Tý 2020, chúng tôi cảm nhận tinh thần thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu, bia của người dân rất cao. Ví dụ như tại quê của tôi, xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài (Bắc Ninh), khi có khách đến nhà, chủ nhà sẽ không mời rượu nữa, mà chuyển sang mời trà. Đây cũng là hình ảnh chung của nhiều làng quê Việt Nam dịp Tết Canh Tý 2020. 

Thực tế đã chứng minh, mặc dù dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tình trạng rượu bia bị hạn chế nhưng không vì thế mà không khí bị trùng xuống. Thậm chí niềm vui ấy còn cao hơn, khi ngành Công an công bố những con số về an ninh trật tự, tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến rượu, bia giảm xuống đáng kể. 

Theo thông tin từ Cục CSGT (Bộ Công an), trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, từ ngày 23/1 đến ngày 29/1 (tức từ ngày 29 Tết đến ngày mùng 5 Tết), toàn quốc xảy ra 198 vụ TNGT, làm chết 133 người, làm bị thương 174 người. 

So với 7 ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, TNGT giảm cả ở 3 tiêu chí: Giảm 24 vụ (giảm 10,8%), giảm 7 người chết (giảm 5%), giảm 38 người bị thương (giảm 17,9%). Trong đó, số vụ TNGT do lái xe vi phạm nồng độ cồn giảm mạnh, chỉ có 4 vụ (chiếm 2%).

Không để đầu voi đuôi chuột

Có thể nói qua hơn 1 tháng áp dụng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia cũng như Nghị định 100 (NĐ100) đã có những tác động tích cực. Tuy nhiên, hiện không ít người tỏ ra lo lắng Nghị định này sẽ rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. 

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, những lo lắng của người dân không phải là không có cơ sở. Bởi, người Việt Nam vốn duy tình, cả nể, mời mọc, khích bác, ép nhau uống vì rất nhiều lý do, đã uống một ly rồi thì sẽ khó dừng lại. Do đó, Nghị định 100 nếu không được duy trì thường xuyên, liên tục, sẽ rất khó thay đổi được hành vi của người dân. 

“Xác định được khó khăn này, cơ quan chức năng đã quán triệt tinh thần ngay từ đầu là làm nghiêm và duy trì liên tục. Cụ thể, thời gian tới cơ quan chức năng vẫn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và NĐ100 để người dân thay đổi hẳn nhận thức về tác hại của rượu, bia, từ đó thay đổi hành vi sử dụng rượu, bia”, ông Hùng nói.

Đặc biệt, để quy định mới được thực hiện nghiêm, cần nâng cao năng lực, trách nhiệm của những người thi hành công vụ. Đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục nghiên cứu các biện pháp giảm cung rượu, bia; hạn chế quảng cáo, tiếp thị bia, rượu. Không để người dân, kể cả trẻ em mua rượu, bia một cách dễ dàng như hiện nay. Trước mắt, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn trong khi điều khiển những phương tiện giao thông; xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm để hiệu ứng của NĐ100 ngày càng lan rộng.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.