Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Chuyện dạy và học của đồng bào dân tộc vùng biên giới Sơn La

PV - 11:34, 04/11/2021

5 giờ sáng, ngoài trời lạnh như cắt, những làn sương trắng bạc giăng khắp bản Phá Thóng, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, Sơn La… Đây cũng là lúc anh Hàng A Thái, dân tộc H’Mông lục đục dậy làm trước một số việc gia đình để 6 giờ tham dự lớp xóa mù chữ nằm trong Chương trình xây dựng xã hội học tập vùng biên giới được triển khai trong 3 năm qua.

Lớp học xóa mù chữ tại bản Huổi Pá, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp.
Lớp học xóa mù chữ tại bản Huổi Pá, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp.

Là một trong những tỉnh Tây Bắc có đường biên giới giáp với nước bạn Lào, khu vực biên giới của Sơn La có gần 27 nghìn người thuộc 286 bản của 6 huyện; trong đó, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Thái, Mường, H’Mông, Khơ Mú, Sinh Mun, Tày và Lào cùng sinh sống.

Bám bản, gần dân

Hôm nay là ngày đầu tuần, cũng như 60 học viên khác của lớp học xóa mù chữ do Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức. Chưa đến 6 giờ sáng, anh Hàng A Thái cùng các học viên với đầy đủ nam, nữ, già, trẻ, vợ chồng và cả phụ nữ đang nuôi con nhỏ là người cùng bản đã có mặt đầy đủ tại lớp học xóa mù chữ. Mọi người ai nấy cười nói rôm rả, trò chuyện chia sẻ với nhau từ câu chuyện sản xuất cho đến chuyện gia đình…

Chia sẻ thông tin về lớp học, Đại úy Vũ Triết Học, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, xã Nậm Lạnh nói: Đến thời điểm này, đây là lớp học duy nhất được đồng bào là những người chưa biết đọc, biết viết đề xuất mở. Lớp học diễn ra từ 6 giờ hằng ngày để kết thúc lúc 8 giờ cho bà con còn lên nương. Lớp học này được mở từ nhu cầu thực tiễn khi lực lượng biên phòng đến bản tuyên truyền các chủ trương, chính sách nhưng do bà con không biết chữ để đọc các văn bản nên bà con đã tự đề xuất được tham gia học chữ do chính bộ đội biên phòng làm thầy giáo.

Các lớp học trước đó, để bà con tham gia xóa mù chữ, anh em biên phòng phải bám bản và trực tiếp đến nhiều lần vào buổi tối để tuyên truyền, giải thích. Thậm chí còn lấy cả ví dụ về những cán bộ là người dân tộc H’Mông đã thành đạt nhờ chịu khó học tập, giúp bà con hiểu và bỏ qua mặc cảm để đến với lớp học xóa mù chữ.

Cũng do điều kiện khó khăn nên nhiều người không được đi học, thậm chí có người cả đời cho đến lúc nhắm mắt cũng chưa biết chữ. Đặc biệt là phụ nữ thuộc một số dân tộc thiểu số do phong tục cũ nên từ bé đã không được đi học, đến tuổi lấy chồng cũng không biết tiếng phổ thông. Người dưới vùng thấp đến bản hỏi đường bằng tiếng phổ thông thì chỉ biết cười rồi ngại ngùng lắc đầu hoặc nói hai từ tiếng H’Mông “chi pâu” (dịch tiếng phổ thông là không biết).

Do vậy, trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng nhiều chương trình, dự án nhằm nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc vùng biên giới, nhiều lớp học xóa mù chữ, dạy học cho đồng bào được mở tại các bản vùng biên giới.

PGS, TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La khẳng định: Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng xã hội học tập vùng biên giới, đã giảm đáng kể tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng xóa mù chữ, nhất là trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Hiện đã mở được 31 lớp xóa mù chữ tại các xã vùng biên cho gần 1.000 học viên với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số; 100% trường học vùng biên giới đã kết nghĩa với các đồn biên phòng.

Chương trình đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết keo sơn giữa các đơn vị bộ đội và các trường học vùng biên giới. Để có được những kết quả đó phải kể tới vai trò nòng cốt của lực lượng biên phòng trong việc nỗ lực bám các bản vùng khó khăn, vùng cao biên giới để vận động được 100% đồng bào cho con em mình đến lớp hay tích cực tham gia các lớp học xóa mù chữ.

Một buổi tuyên truyền, vận động nhân dân của cán bộ, chiến sĩ biên phòng Sơn La tại vùng biên giới Lóng Sập.
Một buổi tuyên truyền, vận động nhân dân của cán bộ, chiến sĩ biên phòng Sơn La tại vùng biên giới Lóng Sập.

Nâng bước em đến trường

Trong 3 năm qua, ngoài việc giúp đồng bào các dân tộc vùng biên được quay trở lại lớp học để học chữ, học cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.., chương trình còn giúp cho nhiều học sinh khó khăn được đi học. Và một trong nhiều nội dung đang được đánh giá cao, tạo sự đồng thuận trong nhân dân chính là “Chương trình nâng bước em tới trường và con nuôi đồn biên phòng” - là một trong những nội dung thuộc Chương trình xây dựng xã hội học tập vùng biên giới.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đỡ đầu cho gần 100 học sinh học từ tiểu học cho đến hết THPT ở khu vực biên giới. Trong đó, có 10 cháu là con nuôi do chính các đồn biên phòng trực tiếp nuôi dạy. Đây đều là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, mồ côi cha mẹ và là con, cháu gia đình chính sách…

Cùng với đó, lực lượng biên phòng còn đỡ đầu cho 10 học sinh nước bạn Lào có hoàn cảnh khó khăn, mỗi tháng hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng/cháu. Đồng thời, vận động cán bộ, chiến sĩ trích lương, khẩu phần ăn hằng ngày để duy trì bữa ăn sáng cho 75 học sinh khó khăn tại điểm trường Puốc Pát và Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu.

Đại tá Cà Văn Lập, Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La, thông tin: Chương trình phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng trong 3 năm qua được triển khai rất hiệu quả và thiết thực. Các đồn biên phòng đã phối hợp tốt Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện biên giới, các xã, các đơn vị trường học tuyên truyền, vận động được hàng trăm học sinh bỏ học tiếp tục đến trường, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đi học. Tuyên truyền đến các bậc phụ huynh đưa con em đi học đúng độ tuổi và cam kết không bỏ học.

Chương trình phối hợp giữa hai ngành đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và các lực lượng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ biên giới. Từ năm 2020 đến nay, bộ đội biên phòng đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân đồng hành xây dựng được 14 phòng học và nhà công vụ tại vùng biên giới, trị giá hơn 3 tỷ đồng. Qua đó, đã góp phần thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

Ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La, một trong những lãnh đạo tỉnh đã ủng hộ chương trình khi trực tiếp đỡ đầu 2 cháu học sinh nghèo vùng biên giới học hết THPT. Ông cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đánh giá rất cao hiệu quả của Chương trình phối hợp đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập của Bộ đội Biên phòng và Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La. Đây là một trong những hoạt động mang tính nhân văn, tạo được sự đồng thuận từ nhiều phía. Qua đó, chương trình còn tổ chức được nhiều hoạt động giáo dục có ý nghĩa, góp phần nâng cao dân trí cho nhân dân các dân tộc khu vực biên giới; củng cố thêm niềm tin của đồng bào các dân tộc vùng biên vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.