Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”

Phương Ngọc - 11:31, 31/07/2021

Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1373/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” nhằm tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, hiện đại, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” đã được phê duyệt, nêu rõ quan điểm chỉ đạo: Tiếp tục xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy với giáo dục thường xuyên, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; vận dụng mọi hình thức giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu giáo dục.

Ứng dụng công nghệ số và dạy học trực tuyến trong tổ chức các hoạt động giảng dạy và học tập góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội.

Mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu.

Duy trì và phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ và cộng đồng; xây dựng môi trường học tập suốt đời tại nơi làm việc đáp ứng các yêu cầu về năng suất, hiệu quả, chuẩn mực đạo đức và tác phong văn hóa nghề nghiệp.

Các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư và dòng họ, gia đình có trách nhiệm tạo các cơ hội học tập công bằng và điều kiện thuận lợi để mọi người trong xã hội được tham gia học tập, nhất là các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số và miền núi, người bị thiệt thòi, yếu thế trong xã hội.

Mục tiêu đến năm 2025

Thực hiện xóa mù chữ và phổ cập giáo dục: 70% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 70% các tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; 50% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phấn đấu 100% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, trong đó có 20% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

50% số người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin; 50% số người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống; 50% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, 12% dân số có trình độ đại học trở lên.

Về hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp: 70% các trường đại học triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 60% các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 70% các trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục.

Thực hiện xây dựng các mô hình học tập trong xã hội: 40% công dân đạt danh hiệu công dân học tập theo tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành; 25% các huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) được công nhận danh hiệu huyện học tập theo tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành; 15% các tỉnh được công nhận danh hiệu tỉnh học tập theo tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Mục tiêu đến năm 2030

Thực hiện xóa mù chữ và phổ cập giáo dục: 90% các tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; phấn đấu 100% các tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em mẫu giáo; 70% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 40% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Về năng lực cơ bản và trình độ của người dân: 70% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin; 70% người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống. 60% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, 15% dân số có trình độ đại học trở lên.

Về hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp: 90% các trường đại học triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 80% các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 90% các trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục.

Thực hiện xây dựng các mô hình học tập trong xã hội: 60% công dân đạt danh hiệu công dân học tập; 50% các huyện được công nhận danh hiệu huyện học tập; 35% các tỉnh được công nhận danh hiệu tỉnh học tập.

Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện 

Để thực hiện được mục tiêu đó, Đề án đưa ra 6 nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện là: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập; hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời; đẩy mạnh hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; tổ chức các phong trào, cuộc vận động để thúc đẩy học tập suốt đời; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập và phát triển công nghệ đào tạo mở và từ xa. 

Tin cùng chuyên mục
Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Gần 26 năm gắn bó với học sinh các DTTS ở xứ Nghệ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò miền núi vượt khó vươn lên, chinh phục ước mơ, tự tin bay ra “biển lớn”. Đồng thời, cô đóng góp quan trọng đưa trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng, không chỉ của tỉnh Nghệ An mà của cả hệ thống các trường Dân tộc nội trú trong toàn quốc.