Bảo tồn nghề truyền thống
Chúng tôi ghé thăm nhà bà Triệu Thị Náy đúng lúc bà đang mang những quả men to bằng chiếc bát ra ủ rượu. Mùi men thơm nức mũi. Được trao truyền từ cha ông, nghề làm men lá đã gắn bó với bà từ thời còn thiếu nữ cho đến tận bây giờ.
Bà Náy cho biết, hồi nhỏ, bà đã theo mẹ vào rừng tìm những loại lá về để làm men nấu rượu. Để làm được một quả men phải dùng đến gần 30 loại lá rừng. “Làm men lá phải có kinh nghiệm, hiểu về các loại cây rừng và biết chọn thời điểm hái lá, rễ và cây rừng thì men mới ngon”, bà Náy chia sẻ.
Để gìn giữ nghề truyền thống và bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng, Hội Phụ nữ xã Thẳm Dương đã vận động chị em phụ nữ dân tộc Dao đỏ thôn Nậm Miện, thành lập Tổ liên kết sản xuất men lá truyền thống. Hiện, toàn thôn có hơn 20 hộ dân tham gia mô hình làm men và nấu rượu để cung cấp cho thị trường, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho chị em phụ nữ địa phương.
Rời gia đình bà Náy, chúng tôi đến với nhóm chị em làm nghề thêu thổ cẩm. Đối với người Dao đỏ, thổ cẩm không chỉ dùng để phục vụ cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, mà còn mang một ý nghĩa thiêng liêng, là kỷ vật tình yêu hay của hồi môn trong ngày cưới. Do đó, từ nhỏ các cô gái đã được dạy se lanh, dệt vải, thêu hoa văn… Hình ảnh các bà, các cô hay cả những bé gái ngồi bên hiên nhà, gốc cây, thêu thổ cẩm đã trở nên quen thuộc ở Nậm Miện.
“Ngay từ nhỏ, chúng tôi đã được học thêu và mặc bộ trang phục truyền thống. Thế nên, bây giờ vải bán ngoài chợ nhiều những cả thôn hầu như ai cũng đều tự may và mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình”, chị Bàn Thị Diện, người dân của thôn chia sẻ.
Trải qua thăng trầm, cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng đến nay, nghề thêu thổ cẩm của người Dao đỏ ở Nậm Miện vẫn được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống, mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.
“Hiện nay, người Dao đỏ ở Nậm Miện vẫn gìn giữ được hầu hết các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc như mừng nhà mới, cưới hỏi, lễ cấp sắc đến trang phục… đây là những truyền thống cần được bảo tồn và lưu truyền cho thế hệ sau”, anh Triệu Văn Đường, cán bộ văn hóa xã Thẳm Dương cho biết thêm.
Mở hướng phát triển kinh tế
Lâu nay, hộ gia đình chị Bàn Thị Diện thuộc diện có thu nhập cao nhất nhì của thôn. Bước vào ngôi nhà được xây dựng khang trang chúng tôi đã cảm nhận được mùi thảo quả thơm nức. Chị Diện cho biết: Vụ vừa qua, gia đình chị thu được hơn 2 tấn thảo quả. Cùng với thảo quả, gia đình chị còn trồng lúa, chăn nuôi lợn, gia súc…
“Vụ mùa vừa rồi gia đình cũng thu được hơn 200 bao thóc,hiện đã được phơi khô để bán dần. Gia đình còn chăn nuôi 20 con lợn, 7 con trâu… Tính ra bình quân mỗi năm cũng có thu nhập khoảng 300 triệu đồng…”, chị Diện phấn khởi thông tin.
Không chỉ trồng những cây nông nghiệp truyền thống, người Dao đỏ Nậm Miện những năm gần đây còn bán chè lam gác bếp để nâng cao thu nhập. Gia đình chị Bàn Mùi Lai có khoảng 200 gốc chè bản địa hơn chục năm tuổi. Hằng năm, đến ngày tết Thanh minh (3/3 âm lịch), gia đình chị hái chè búp non, sau đó làm chè lam để gác bếp, những ống chè này bán được giá cao. Ngoài ra, quanh năm bà con vẫn hái chè già để sao và làm chè đem bán cũng cho thu nhập ổn định.
Được biết, trên địa bàn Nậm Miện có khoảng 1.500 gốc chè bản địa đã trồng trên 25 năm. Hiện nay, địa phương đang khảo sát, liên kết với doanh nghiệp để bảo tồn và xây dựng quy trình sản xuất khép kín, nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại thu nhập cho người dân. Đồng thời, thôn Nậm Miện cũng triển khai tới người dân trồng thí điểm lúa nếp đặc sản “Khảu Tan Đón” để làm cốm…
Với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, cơ sở hạ tầng ở Nậm Miện giờ đây đã từng bước được xây dựng kiên cố, đường giao thông vào thôn đã được cứng hóa. Đặc biệt, cuối năm 2022 vừa qua, người dân thôn Nậm Miện nô nức, vui mừng khi tuyến đường nối từ trung tâm xã về thôn, đến từng hộ gia đình đã được bê tông hóa.
Đường giao thông đã mở, rồi đây, những sản vật ở Nậm Miện như thảo quả, chè lam… sẽ vươn xa đến các siêu thị, nhà hàng, khách sạn. Và đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào nơi đây chắc chắn sẽ từ đó mà phát triển dần lên.