Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

“Vàng xanh” trên đỉnh Phàn Liên San

Thuỳ Anh - 08:01, 14/10/2022

Ở độ cao trên 2.000 mét so với mực nước biển, vùng chè Shan Tuyết cổ thụ trên dãy núi Phàn Liên San (thuộc địa phận huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đến nay còn khoảng 6.000 gốc chè cổ thụ mọc phân tán. Huyện Phong Thổ đã xác định chọn làm giống cây chủ lực phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho bà con nơi đây.

Những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên núi Phàn Liên San (ảnh: Trần Chính)
Những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên núi Phàn Liên San (ảnh: Trần Chính)

Vùng chè Shan Tuyết cổ thụ

Cách trung tâm xã Mồ Sì San khoảng 15km, từ chân dãy núi Phàn Liên San, men theo con đường mòn dốc bậc thang vắt ngang dãy núi, dẫn chúng tôi lên tới vùng chè Shan Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ở đây, những cây chè hoang cao vút và những bụi thảo quả làm thành những tán rừng rậm rạp, những con suối nhỏ trong vắt, những ngôi nhà gỗ thấp thoáng của các gia đình người Dao sống rải rác ở vùng chân núi.

Theo chân người dân đi rừng hái chè “chuyên nghiệp”, chúng tôi cũng mất chừng 5 giờ đồng hồ leo từ chân túi mới lên đến đỉnh Phàn Liên San. Con đường đi hái chè là một hành trình khá gian nan, người dân phải dậy từ khi mặt trời còn chưa ló rạng, họ mất khảng 4 giờ đồng hồ băng qua những rừng nứa, rừng tre mới lên tới vùng chè Shan Tuyết cổ thụ. “Mỗi lần đi hái chè mất đến cả ngày đường, chúng tôi phải mang theo cơm đùm, cơm nắm để ăn trong rừng” ông Tẩn Chin Hồi người Dao ở bản Tô Y Phìn nói.

Người dân xã Mồ Sì San thu hái chè (ảnh: Trần Chính)
Người dân xã Mồ Sì San thu hái chè (ảnh: Trần Chính)

Những cây chè hoang có thân to xù xì, bám đầy rêu mốc của thời gian, thân cây cao lên đến hơn 10 mét. Những gốc chè bé nhất có đường kính khoảng 30cm, cây lớn nhất cũng phải hai vòng tay người ôm không hết; lá chè đanh, bóng và khá to.

Mỗi lần đi rừng, họ không quên hái lá chè, mang về sao thô bằng chảo gang, rồi cho vào ống nứa, treo lên gác bếp dùng dần. “Từ đời các cụ nhà tôi đã làm chè ống lam, đó là một cách bảo quản chè khỏi bị mốc và để được lâu hơn”, ông Hồi vui vẻ nói.

Cây chè Shan Tuyết cổ thụ đã có mặt ở vùng núi này từ bao giờ không ai biết rõ, nhưng thói quen uống trà thay nước của bà con nơi đây đã hình thành từ bao đời nay. Trà đã hiện diện trong đời sống như một nét văn hoá của người dân nơi này, với họ cây chè trên núi cao kia gắn liền với những kỷ niệm của cha ông, là một phần của hiện tại và là chìa khoá của tương lai.

Tách trà đã là đầu câu chuyện của người Dao ở dãy Phàn Liên San. Ở Mồ Sì San, khách đến chơi nhà luôn được mời một tách trà “ống lam” pha với nước suối thơm mát. Mặc dù chè chỉ được sao thô thủ công đơn giản, nhưng loại trà này gần như không có vị chát, mà lại có hương thơm thanh mát cùng vị ngọt nhẹ.

Bê tách trà xanh trong vắt mời chúng tôi, bà Phàn Tả Mẩy, thôn Mồ Sì San nói, “Đồng bào Dao chúng tôi uống nó mỗi ngày, khi nhà có khách và trong tất cả các lễ của gia đình. Cây chè cùng với thảo quả là nguồn thu nhập chính cho người dân chúng tôi”.

Hằng ngày bà con nhân dân trong xã thu hái lá chè bán lại cho Hợp tác xã (HTX) Biên Cương. Họ chế biến thành 4 thành phẩm chính là Trà xanh, Bạch trà, Hồng trà và Hoàng trà. HTX này có xưởng sản xuất đặt ngay dưới chân núi, cách UBND xã Mồ Sì San không xa.

Bảo tồn vùng chè tự nhiên

Những năm gần đây, nhu cầu “thưởng” trà của ngày càng khắt khe và tinh tế hơn. Người tiêu dùng mặc nhiên đặt ra những yêu cầu cao về chất lượng nguồn gốc cây chè, đặc biệt ưu tiên những giống chè tự nhiên nhiều năm tuổi. Do đó chè Shan Tuyết của vùng núi cao Phàn Liên San cũng đặc biệt được chú ý.

Tuy nhiên, những cây chè này là giống chè tự nhiên chưa được nghiên cứu và đánh giá bài bản về góc độ khoa học, các dược chất quý cũng như giá trị kinh tế, văn hóa. “Trước đây, người dân chúng tôi thường hái lá chè không sơ chế mà bán thẳng cho thương lái, họ nói người Trung Quốc rất thích loại chè này”, bà Phàn Tả Mẩy chia sẻ.

Trước tình hình đó, huyện Phong Thổ đã khảo sát và kiểm đếm số lượng cây chè còn lại trên địa bàn. Đến nay có khoảng 6 nghìn gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi nằm rải rác ở các xã: Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Pa Vây Sử, Hoang Thèn, Tung Qua Lìn và Dào San. Số lượng tập trung nhiều nhất ở xã Mồ Sì San vào khoảng hơn 2 nghìn cây.

Những búp và lá chè non (ảnh: Trần Chính)
Những búp chè non (ảnh: Trần Chính)

Phần lớn diện tích đất rừng có cây chè cổ thụ đang thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ. Về cơ bản các diện tích này đã được giao cho bà con nông dân các xã trên địa bàn được phép bảo vệ và khai thác cây lâm sản phụ dưới tán rừng (bao gồm cả cây thảo quả và cây chè cổ thụ). Đồng thời, kết quả phân tích lá chè ở Viện nghiên cứu chè Miền Bắc cho biết nhiều thành phần dược lý quý hiếm có trong lá chè này.

Do đó, huyện Phong Thổ đã lên phương án liên kết về việc giữ gìn bảo tồn và phát triển cây chè trên địa bàn. Phương án liên kết ba bên được hình thành giữa Nhà nước, nhà đầu tư chính là HTX Biên Cương và người dân; trên tinh thần lấy người dân làm chủ thể chính để phát triển, Nhà nước chủ trì phương án liên kết, nhà đầu tư định hướng phát triển thương hiệu và ổn định thị trường đầu ra.

Ông Tẩn Chin Lùng, chủ tịch xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ, Lai Châu) chia sẻ, “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch liên kết đầu tư và bảo tồn thương hiệu chè cổ, tuyên truyền vận động bà con cùng ký cam kết không chặt phá rừng chè, cùng nhà đầu tư hướng dẫn bà con cách thu hái lá chè đảm bảo đúng phương pháp”.

HTX Biên Cương cùng các chuyên gia, hướng dẫn người dân thực hiện thu hái, sơ chế đúng phương pháp hữu cơ. Cùng với đó, HTX Biên cương xây dựng lắp đặt hệ thống máy móc dây chuyền chế biến hiện đại để tạo ra đa dạng sản phẩm trà hơn tới tay nhiều tiêu dùng; bảo đảm tính đồng nhất về chất lượng, thương hiệu của sản phẩm chè Shan tuyết tự nhiên.

Sản phẩm Trà Xanh, Hồng trà, Hoàng trà của HTX Biên Cương đã được tỉnh Lai Châu chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh
Sản phẩm Trà Xanh, Hồng trà, Hoàng trà của HTX Biên Cương đã được tỉnh Lai Châu chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh

HTX Biên Cương đã kết hợp với chính quyền xã thực hiện nhân giống thử nghiệm cây chè Shan Tuyết này ngay trên địa phận xã, hiện nay diện tích nhân giống khoảng trên 4 héc ta. “Chúng tôi thực hiện ngay trên dãy núi này để đảm bảo cây chè sau khi nhân giống vẫn giữ được nguồn gen và đảm bảo phát triển tốt do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng”, ông Trần Văn Chính, thành viên hội đồng quản trị HTX Biên Cương cho biết.

Cây chủ lực xoá đói giảm nghèo 

Xã Mồ Sì San là một trong những xã nghèo của huyện Phong Thổ, toàn xã có khoảng hơn 300 hộ dân, trong đó chiếm đến trên 90% là đồng bào người Dao; toàn xã hiện vẫn còn khoảng 78% hộ nghèo.

Từ năm 2018 trở lại đây, người dân trong vùng không còn hái chè bán lá cho thương lái nữa, mà đã cùng chính quyền cam kết hái chè theo vụ và bảo vệ rừng chè được gọi là “vàng xanh” trên đỉnh Phàn Liên San.

Cứ từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm là vào vụ hái chè, bà con nơi đây lại tập trung cùng nhau hái chè, cùng với HTX Biên Cương tham gia chế biến chè, từ đó có thu nhập ổn định hơn. “Trừ hết mọi chi phí đi, mỗi năm chúng tôi cũng để ra được khoảng 30 triệu đồng”, bà Mẩy chia sẻ.

Ông Tẩn Chin Lùng, chủ tịch xã Mồ Sì San cho biết, “thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền xã Mồ Sì San đã chọn cây chè Shan Tuyết là giống cây chủ lực phát triển kinh tế trong thời gian tới để tận dụng và phát huy những lợi thế của địa phương.

Vườn ươm giống chè ở Mồ Sì San
Vườn ươm giống chè ở Mồ Sì San

Một mặt chúng tôi xây dựng kế hoạch bảo tồn và nhân vùng chè cổ thụ; một mặt chúng tôi tận dụng lợi thế địa hình khí hậu của địa phương để khai thác du lịch sinh thái. Mục tiêu hết năm 2022 toàn xã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống thêm 5% nữa. Chúng tôi luôn mong tìm được hướng đi đúng giúp bà con thoát nghèo”.

Theo Nghị quyết Đảng bộ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã xác định đây là cây trồng giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, do đó đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ trên địa bàn huyện Phong Thổ”. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, Phong Thổ sẽ trồng mới bổ sung 120 ha chè ở các xã Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Pa Vây Sử, Hoang Thèn, Tung Qua Lìn và Dào San. Khi thu nhập đảm bảo, đồng bào sẽ có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn, thu hái, chế biến, từ đó cùng làm ra những sản phẩm chè Shan tuyết đặc sắc.

Nhấp tách trà Shan Tuyết của đỉnh Phàn Liên San trong tiết trời lành lạnh đầu Đông của núi rừng Tây Bắc, chúng tôi cảm nhận được vị thanh mà đậm trong hương trà, mỗi chén trà hội tụ đủ tinhh hoa của trời, đất và văn hóa người miền núi.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.