Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Chuyện hiến đất làm đường ở miền núi Quảng Ngãi

Thành Nhân - 11:15, 17/12/2019

Từng tấc đất thấm đẫm mồ hôi khai hoang, cải tạo thành đất sản xuất. Vậy mà, nhiều gia đình ở các huyện miền núi Quảng Ngãi đã không ngần ngại, hiến hàng nghìn mét vuông đất để làm đường giao thông, góp phần cho bộ mặt nông thôn, miền núi của tỉnh thêm phần khởi sắc.

Ba Nhà là thôn đặc biệt khó khăn của xã Ba Giang, huyện Ba Tơ địa hình hiểm trở. Từ trung tâm xã, muốn đến các thôn, tổ phải băng rừng. Ở các vùng hẻo lánh chỉ có vài hộ dân sống biệt lập giữa mênh mông đại ngàn, nhưng nhờ một số người dân tự nguyện hiến đất mở đường, diện mạo nơi đây đã đổi thay rất nhiều, bà con đi làm, trẻ con đi học đều thuận tiện.

Điển hình cho phong trào hiến đất làm đường ở đây, là vợ chồng chị Hồ Thị Trắc. Năm 2017, vợ chồng chị Trắc mới tách khẩu ra ở riêng và thuộc diện hộ nghèo của xã. Tuy nhiên, khi xã vận động, gia đình chị Trắc đã không ngần ngại hiến trên 1.500m2 đất sản xuất để mở đường.

Theo lời chị Trắc, ngày trước, bà con không có đường đi, nếu muốn ra khỏi làng thì phải men theo những con đường nhỏ sát vực núi, vừa hẹp, vừa nguy hiểm. Khi thôn vận động hiến đất để làm đường, lúc đầu vợ chồng cũng phân vân, vì đất trồng trọt còn đang thiếu, ai lại mang đi hiến. “Nhưng rồi hai vợ chồng bàn nhau, mình nghèo thì cũng nghèo rồi, việc mở rộng đường, giúp bà con đi lại bớt nguy hiểm là điều rất cần thiết. Nghĩ thế, nên hai vợ chồng đã gật đầu đồng ý”, chị Trắc chia sẻ.

Một địa phương khác cũng có bộ mặt thay đổi nhờ phong trào hiến đất làm đường là thôn Trà Ót, xã Trà Tân (huyện Trà Bồng). Từ một thôn nghèo, không có đường giao thông kiên cố, giờ đây đường đi lại tương đối thuận lợi.

Về Trà Ót những ngày cuối năm, đi trên con đường bê tông thẳng tắp, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Ông Hồ Minh Sơn, Người có uy tín ở thôn Trà Ót cho hay: Con đường này dài hơn 3km, được đầu tư từ nguồn vốn 135 cách đây 3 năm. Con đường này là mơ ước của dân làng.

“Muốn mở đường thì phải giải phóng mặt bằng, nhưng để vận động người dân hiến đất là rất khó. Do nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, nhiều nhà phải đi vận động cả tháng trời. Nhờ kiên trì vận động, chia ra mỗi ngày đến một hộ dân để nói chuyện, giải thích cho họ biết, có đường rộng hàng hóa dễ mua bán, con cháu sau này cũng được hưởng lợi. Thế là họ đồng thuận, ai cũng vui vẻ hiến đất. Riêng gia đình tôi cũng hiến hơn 1.000m2 đất để làm đường”, ông Sơn chia sẻ.

Ở xã Trà Xinh, còn nhiều gia đình đã hiến đất để làm đường giao thông nông thôn như ông Hồ Văn Chung ở Đội 6, thôn Trà Kem, hiến 2.000m2 đất; ông Hồ Văn Hà hiến 1.000m2 đất trồng keo để làm đường.

Ông Đinh Thế Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Trà Xinh cho biết: “Nhờ sự đồng thuận hiến đất, góp sức làm đường của người dân đã tạo điều kiện thuận lợi và giảm bớt kinh phí thi công. Nền đường to, đi lại thuận lợi, người dân mua bán hàng hóa dễ dàng hơn. Thương lái đến tận nơi thu mua nông sản nên người dân Trà Xinh thu hoạch chuối không sợ hư hỏng, giá quế tăng cao, còn keo vận chuyển thuận lợi hơn...”.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Trị: Bộ đội Biên phòng giúp đồng bào Bru Vân Kiều thu hoạch lúa

Quảng Trị: Bộ đội Biên phòng giúp đồng bào Bru Vân Kiều thu hoạch lúa

Trung tá Hồ Lê Luận - Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị cho biết: Đơn vị vừa cử cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn để hỗ trợ đồng bào Bru Vân Kiều thu hoạch lúa vụ Đông xuân 2023 - 2024.