Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Chuyện ở Hố Quáng Phìn

Vũ Mừng - 11:00, 19/10/2024

Thôn Hố Quáng Phìn cách trung tâm xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vài cây số. Đây là nơi sinh sống của 66 hộ gia đình, 309 nhân khẩu với 100% là đồng bào dân tộc Mông. Nơi đây mùa hè nắng nẻ cành lim, mùa đông rét co hòn đá, nhìn đâu cũng chỉ thấy điệp trùng đá xám đan xen nhau, chót vót, vời vợi…

Cán bộ xã Hố Quáng Phìn thăm mô hình chăm sóc bò sinh sản của gia đình anh Giàng Mí Cấu.

Cán bộ xã Hố Quáng Phìn thăm mô hình chăm sóc bò sinh sản của gia đình anh Giàng Mí Cấu.

Có dịp lên công tác ở Hố Quáng Phìn, tôi mới tự cắt nghĩa được vì sao nơi đây lại nhiều khó khăn đến thế! Ở nơi mùa hè nắng nẻ cành lim, mùa đông rét co hòn đá, cách huyện lỵ gần 40 cây số, nhìn đâu cũng chỉ thấy điệp trùng đá xám đan xen nhau, chót vót, vời vợi… Dù có đi từ trung tâm huyện Đồng Văn vào, từ huyện Yên Minh sang, hay tới đây bằng con đường xuyên qua mấy xã của huyện Mèo Vạc thì nẻo nào cũng xa, cũng vòng vèo, cheo leo trên sườn núi dốc.

Ai lên Hố Quáng Phìn vào những tháng cuối năm, khi gió mùa Đông Bắc bắt đầu thổi mới thấy nơi đây như cái túi đựng gió, đựng sương, đựng mưa phùn và cả giá buốt. Mùa ấy, cây trồng không bám rễ, gieo hạt không nứt chồi. Nhà nào nhà nấy lấy lá chuối nút hết các lỗ cửa sổ. Chân không muốn bước qua bậu cửa. Bếp lửa trong nhà lúc nào cũng rừng rực cháy. Củi sưởi xếp từng chũa (bó) cao vượt mái nhà!

Anh Giàng Mí Cấu phụ giúp vợ se lanh, dệt vải.
Anh Giàng Mí Cấu phụ giúp vợ se lanh, dệt vải

Mức thu nhập hiện tại của các hộ khi chưa tham gia dự án là 12 triệu đồng/hộ/năm, dự kiến sau khi tham gia dự án sẽ nâng lên 18,5 triệu đồng/hộ/năm. Đây là tiền đề để xã Hố Quáng Phìn hướng tới mục tiêu 100% số hộ sau khi tham gia dự án sẽ thoát nghèo”.

Lầu Mí ThàngPhó Chủ tịch UBND xã Hố Quáng Phìn

Trong lúc tôi còn đang miên man với những dòng suy nghĩ, thì chiếc xe máy của Phó Chủ tịch xã Lầu Mí Thàng đã chạy chầm chậm rồi dừng hẳn trước một căn nhà có lối vào là hàng dong riềng đỏ tía. 

Căn nhà không lớn; chiếc cổng, tường bao, khoảnh sân nhỏ... dường như không được xây trong cùng một thời gian. Dấu hiệu cũ, mới đan xen cho thấy chủ nhân của nó, anh Giàng Mí Cấu và chị Ly Thị Và đã phải dành dụm, tiết kiệm nhiều năm, mỗi năm lại hoàn thiện một chút để dựng cho mình một mái ấm.

Công việc chính của anh Cấu, là phụ xây ở những địa phương lân cận. Chị Và ở nhà, ngày nào không đi nương, không đi củi, thì tẽ ngô, se lanh, dệt vải... Sinh hoạt gia đình và ăn học của 2 cháu Giàng Mí Chính, Giàng Thị Chở trông cả vào nguồn thu khoảng 3 - 4 triệu đồng của anh Cấu. 

Mỗi năm, cả nhà xuống giống 4 cân ngô, thu về 7 tải (mỗi tải khoảng 140 cân), tính ra vỏn vẹn được hơn 1 tấn. Giọng anh nghẹn lại như dòng nước gặp bờ chắn: “Số ngô ấy chẳng đủ ăn và chăn nuôi, nói gì tới chuyện bán”.

Tháng 7/2024 vừa rồi, anh Giàng Mí Cấu là một trong số 49 hộ dân của thôn Hố Quáng Phìn được tham gia Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản từ nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tôi chăm chú lắng nghe anh kể và mường tượng lại những niềm vui mà anh nói!

Với sự quan tâm, đầu tư từ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, hệ thống cơ sở vật chất của xã Hố Quáng Phìn đang ngày một hoàn thiện phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với sự quan tâm, đầu tư từ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, hệ thống cơ sở vật chất của xã Hố Quáng Phìn đang ngày một hoàn thiện phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Ngày biết tin được Nhà nước hỗ trợ tiền để nuôi bò sinh sản, mấy tối liền, anh Cấu nằm gối tay trằn trọc không ngủ được. Mừng thì đã hẳn, nhưng đắn đo xem chọn con giống thế nào... Một con bò! Chà... Một con bò lớn bằng số tài sản tích góp bằng hàng chục năm trồng ngô. Hay tính theo lương đi làm, thì dễ đến phải mất hằng năm tích góp, tiết kiệm của hai vợ chồng mới có được.

Nghĩ thế, anh Cấu bàn với vợ, bên xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc kế bên có bò giống, nhưng cũng cứ phải sang xem tận mắt con bò mẹ thì mới yên tâm dắt bò về nuôi được! Rồi con bò sinh ra con bê, khiến cái nghèo bị lùa ra khỏi nhà để đón niềm vui ùa vào rôm rả...

Chị Và bấy giờ đang ngồi se lanh, nhìn chồng tủm tỉm cười: “Anh Cấu còn đánh dấu cả ngày tháng đón bò về và gấp mấy tờ lịch treo tường đoán chừng xem khi nào thì được đón bê”.

Tôi gửi lời chào anh Cấu và không quên lời hẹn, khi nhà anh có thêm con bê sẽ trở lại thăm gia đình. Cánh cửa ngõ mở ra, núi và đá lại như được thể xô òa vào trong mắt. Trong nhà, anh Cấu tranh thủ buổi trưa phụ vợ se lanh dệt vải, nắng chếch xuống soi tỏ chỗ khung cửi, bụi từ sợi lanh loáng thoáng bay lên, đẹp lạ lùng...


Tin cùng chuyên mục
Cần một “cuộc cách mạng” ở Rào Tre

Cần một “cuộc cách mạng” ở Rào Tre

Trong rất nhiều những bộn bề, ngổn ngang ở bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh), thì điều trăn trở nhất là đồng bào Chứt vẫn chưa thể tự túc được lương thực. Những hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước lâu nay… vẫn chưa đủ để vùng đất này bứt phá vươn lên. Rào Tre, đang cần một “cuộc cách mạng” mới để đổi thay.