Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Chuyện về cô giáo "Ròm" gieo chữ vùng cao

Nguyễn Trang - 11:29, 07/10/2021

Hình ảnh về cô giáo Nguyễn Thị Trang (Trường Tiểu học Ba Lế, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) chạy chiếc xe máy lội giữa bùn đất sau những cơn mưa để đến với học trò vùng cao khiến nhiều người cảm động.

Cô giáo Trang và chiếc xe đầy bùn đất lên Làng Tốt, xã Ba Lê, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi để đưa bài tập cho học sinh. Ảnh:NVCC
Cô giáo Trang và chiếc xe đầy bùn đất lên Làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi để đưa bài tập cho học sinh. Ảnh:NVCC

Cô giáo Nguyễn Thị Trang quê huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) sau khi tốt nghiệp, cô xin lên huyện Ba Tơ để dạy học cho các em nhỏ dân tộc H’rê. Gắn bó với vùng cao, cô được các phụ huynh và học sinh yêu quý và được đặt cho “biệt danh” là cô giáo “Ròm” vì thân hình nhỏ nhắn.

Mấy tháng nay, dịch Covid-19 bùng phát trong cả nước khiến cuộc sống người dân có nhiều thay đổi, chuyện học ở vùng cao Ba Tơ đã vất vả lại càng khó khăn hơn. Học sinh vùng núi không thể đến trường, giáo viên phụ trách các điểm trường, lớp học phải chạy xe máy quanh đèo núi đến từng nhà học sinh giao bài tập, hướng dẫn học tại nhà.

Cô giáo Trang chia sẻ: “Người dân vùng cao rất khó khăn, không thể có điều kiện mua sắm điện thoại hay máy tính, do vậy, các giáo viên phải lên từng ngôi làng, gõ cửa từng nhà học sinh để dạy từng em, từng nhóm nhỏ trong làng".

Trong một lần cô giáo Trang đi giao bài tập bằng xe máy trên Làng Tốt, xã Ba Lế cô giáo Trang bị ngã trong bùn lầy. Ngay lúc đó, cô Trang dùng điện thoại cá nhân chụp ảnh và đăng trên Facebook cá nhân. Những hình ảnh của cô Trang đã nhận được nhiều lượt chia sẻ trên mạng xã hội, cô Trang cho biết: “Tôi vừa đau vừa mắc cười nên chụp lại hình ảnh làm kỷ niệm và đăng lên Facebook cá nhân, không ngờ nhận được nhiều chia sẻ và động viên đến vậy”.

Cô giáo Trang mang bài tập đến tận nhà cho các em học sinh Làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NVCC
Cô giáo Trang mang bài tập đến tận nhà cho các em học sinh Làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: NVCC

Nhớ lại những năm đầu lên xã Ba Lế, mỗi năm đi dạy, cô giáo bị hỏng 1 chiếc xe máy. Khó khăn, vất vả nhưng thương học trò nên cô giáo Trang gắn bó luôn với nơi đây.

Cuộc đời 12 năm gắn bó với học sinh vùng cao, chuyện vượt qua những đoạn đường gập nghềnh, trơn trượt để lên bản vận động học sinh ra lớp hay mang bài tập cho học sinh là rất đỗi bình thường. Cô giáo Trang nói: “Mỗi khi trời mưa to là ngập cầu, đường lầy lội, trơn trượt, nếu ngập cầu thì phải ở lại, có khi ở cả tuần trên trường”.

Tuy nhiên, những chặng đường bùn lầy không phải trở ngại nhất với giáo viên vùng cao khi cô đã đi mòn lối mà khó nhất là làm sao học sinh vùng cao đều đi học, biết chữ. Lớp 5 của cô giáo Trang có 19 học sinh thì có 6 em ở Làng Tốt, lớp ít học sinh nhưng cô Trang luôn lo lắng vì “Người dân vùng cao cứ lam lũ làm ăn và cũng ít quan tâm đến việc học của con mình. Các em nhỏ chưa nghĩ về tương lai nên thường bỏ học sớm. Giáo viên luôn luôn tìm cách vận động các em ra lớp. Các em bỏ học phải đến làm công tác tư tưởng, khuyên nhủ, giúp đỡ các em trở lại trường học”, cô Trang chia sẻ.

Học sinh vùng cao đều có hoàn cảnh khó khăn, thương các em mà cô giáo Trang gắn bó  ở nơi này. Cô giáo nói: “Hai vợ chồng cùng quê nhưng chọn huyện vùng cao Ba Tơ để lập nghiệp, đây là quê hương thứ 2 của cô, hiện tôi đã có 2 đứa con và mái ấm hạnh phúc ở đây”. Thỉnh thoảng hai vợ chồng về dưới quê huyện Mộ Đức để thăm gia đình, có lẽ vài tháng mới có dịp đi vì sự học trẻ em vùng cao còn gian nan và các giáo viên đều vất vả.

Tháng 10, một số địa phương ở “vùng xanh” tỉnh Quảng Ngãi đã bắt đầu dạy học trực tiếp trở lại, nhưng cũng là thời điểm mùa mưa bão đến, công tác dạy học ở miền núi, vùng cao sẽ vất vả hơn. Dù vậy, sự học chưa bao giờ dừng lại, bởi có những người như cô Trang đã không quản ngại khó khăn mang sách đến các điểm trường, tận thôn, làng để dạy học trò.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.