Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Chuyện về gia đình người Hà Nhì nhiều thế hệ bảo vệ biên giới

Thùy Giang - 15:16, 17/01/2023

Những ngày cuối Đông lạnh giá, chúng tôi vượt qua những con đường đèo dốc ngoằn ngoèo, hiểm trở đến với Thu Lũm - xã biên giới xa xôi thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, nơi đây có 15 cột mốc giới trên đường biên của Tổ quốc.

Anh Chu Ha Phạ trên đường tuần tra cùng đồng đội
Anh Chu Ha Phạ trên đường tuần tra cùng đồng đội

Bằng sức sống tiềm tàng mãnh liệt, những người Hà Nhì ở đây vẫn hằng ngày lao động, sản xuất, xây dựng và bảo vệ quê hương. Bản sắc văn hoá dân tộc được bà con giữ gìn, phát huy đậm nét, nhất là những ngày Tết cổ truyền. Những người dân xứ sở chân chất mà giàu tình cảm, mỗi ngày họ đặt chân trên biên giới, giữ vững chủ quyền lãnh thổ và phên giậu của Tổ quốc.

Chúng tôi ấn tượng với những con người mang vẻ ngoài giản dị nhưng lại có một ý chí tinh thần với một trách nhiệm lớn lao đối với việc giữ gìn chủ quyền lãnh thổ. Đó là câu chuyện về ông Chu Xé Lù, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Thu Lũm, nguyên là Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Thu Lũm. “Ông là Người có uy tín, có nhiều cống hiến cho Nhân dân và biên phòng xã Thu Lũm. Không chỉ thế, các con cháu của ông hiện cũng đang góp phần bảo vệ biên giới dù ở bất cứ vị trí nào”, Thiếu tá Cao Văn Quý, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thu Lũm khẳng định.

Bên chén trà ấm nóng trong ngôi nhà trình tường, ông Chu Xé Lù tự hào chia sẻ: “Tôi có 2 con trai và 1 con rể cùng các cháu đang đứng trong quân ngũ. Tổng cộng tất cả các con, cháu hai bên nội ngoại phải đến 20 người. Những người khác trong gia đình, dù không làm Bộ đội thì cũng vẫn quân dân một lòng bảo vệ biên giới”.

Ông Lù sinh năm 1968, đến nay đã 32 năm làm cán bộ xã. Từ cái ngày đường biên giới chưa cắm mốc, ông đã tham gia Đội dân quân tự vệ, đi tuần tra biên giới cùng với Bộ đội Biên phòng. Tình cảm của Bộ đội đối với Nhân dân làm ông từ nhỏ đã ngưỡng mộ, yêu quý các chú Bộ đội Biên phòng. Bởi vậy, sau này lớn lên, đi công tác, ông đã có nhiều đóng góp cho công tác bảo vệ biên cương.

“Đường biên giới ở Thu Lũm khoảng 40 km, không có chỗ nào tôi chưa đặt chân đến. Anh em biên phòng trẻ mới đến Thu Lũm còn bỡ ngỡ, cứ gọi tôi là bất cứ giờ phút nào tôi cũng đi cùng để chỉ đường”, ông Lù bảo.

Sau này, khi những cột mốc được cắm. Những cột mốc xa nhất, đường đi khó nhất của Thu Lũm là cột mốc số 28, 32, 33, ông cũng đều đã đến. Trong suốt những năm tháng bảo vệ đường biên, mốc giới, có bao nhiêu hiểm nguy nhưng ông Lù chưa hề run sợ, vẫn quyết chí một lòng bảo vệ mảnh đất biên cương.

Ý chí yêu nước của ông được hun đúc vào cả thế hệ tương lai: các con, các cháu. Con trai thứ 2 của ông là Chu Ha Phạ (sinh năm 1993), hiện đang là Đội trưởng Đội phòng, chống ma tuý, tội phạm, ĐBP Pa Vệ Sử. Công việc khó khăn, nhưng Chu Ha Phạ chưa bao giờ lùi bước, luôn cố gắng vươn lên, không phụ công ơn của Đảng, Nhà nước đã nuôi dưỡng, giáo dục Phạ từ những năm học Thiếu sinh quân tại trường Quân sự Quân khu II, Lục quân, Học viện Biên phòng. Vết sẹo trên tay anh vẫn còn đó cùng năm tháng, là minh chứng cho lần bắt tội phạm ma tuý nguy hiểm. Anh Chu Ha Phạ có em trai là Chu Xá Phạ (sinh năm 1998) hiện cũng đang được đào tạo tại Trường Sĩ quan Công binh Bình Dương.

Ông Chu Xé Lù còn tự hào khi có người con rể là Pờ Lỳ Xá cũng là Bộ đội Biên phòng. Trong suốt chiến dịch phòng, chống dịch bệnh covid-19, anh ở lại chốt trực số 24 của BĐP Thu Lũm, giờ anh thực hiện nhiệm vụ tại tổ chốt Pa Thắng…

Nói đến công việc tuần tra biên giới, phòng chống dịch bệnh, phòng chống tội phạm..., anh em Phạ, Xá kể với chúng tôi rất nhiều kỷ niệm. Không thể nói hết những vất vả ở miền đất khó khăn này. Nhưng các anh vẫn luôn lạc quan: “Ở bản từ nhỏ, thuộc từng tấc đất, việc tuần tra vừa là nhiệm vụ, vừa như một thói quen. Chúng tôi cũng không thấy vất vả đâu, chỉ sao cho bảo vệ được vẹn nguyên biên giới, bảo đảm an ninh cuộc sống cho bà con dân bản là chúng tôi vui rồi”, Anh Phạ chia sẻ với chúng tôi.

Qua những câu chuyện, chúng tôi lại biết thêm bố của Pờ Lỳ Xá cũng là Cựu chiến binh. Ông Pờ Hừ Lòng (sinh 1950) bố của Xá cũng từng tham gia chiến dịch, sau là Bộ đội ở chiến trường Việt – Lào.

Những câu chuyện dài cứ nối tiếp cho tới gần sáng, dưới ánh đèn leo lét, những bóng người in lên bức tường đất, cùng màu đỏ của lá cờ Tổ quốc được treo trang trọng. Chúng tôi chợt nhận ra rằng: ở mảnh đất này, đồng bào rất yêu quý, trân trọng những người lính. Từ bé đã mơ ước là lính và lớn lên hãnh diện vì được làm Bộ đội Biên phòng. Trong từng đoàn tuần tra, luôn có bà con đi cùng, có cả nam, cả nữ. Mỗi người dân vùng biên đều nâng cao tinh thần giữ đất, mỗi người là một chiến sĩ, mỗi bản làng là một pháo đài. Dịp Tết đến, những lá cờ Tổ quốc đỏ tươi treo dọc khắp bản. Một cảnh tượng đẹp đẽ, thiêng liêng nơi địa đầu của Tổ quốc.

Chia tay bà con các dân tộc xã Pa Vệ Sử, chia tay mảnh đất biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, nơi có những cảnh vật hoang sơ, kỳ vĩ và có cả những con người bình thường nhưng vĩ đại, ngày đêm giữ đất quê hương. Họ chính là những “cột mốc sống” bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục
Người có uy tín Châu Quầy- Một điển hình nông dân sản xuất giỏi

Người có uy tín Châu Quầy- Một điển hình nông dân sản xuất giỏi

Anh Trương Thành Lợi, Phó Bí thư Chi bộ - Trưởng thôn Bỉnh Nghĩa cho biết, Người có uy tín Châu Quầy là điển hình nông dân sản xuất giỏi. Ông nêu gương gia đình khuyến học, khuyến tài tiêu biểu và tận tâm giúp đỡ bà con thôn xóm làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Người có uy tín Châu Quầy là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền trong việc tuyên truyền vận động đồng bào Chăm đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới.