Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Ẩm thực

Cô gái miền Tây đưa ẩm thực Tây Bắc ra thế giới

PV - 14:28, 25/09/2018

“To travel is to learn”, tạm dịch là Du lịch để học hỏi. Đó là thông điệp trong cuộc hành trình khám phá ẩm thực vùng núi Tây Bắc của Nguyễn Khánh Vương Anh, cô gái trẻ sinh ra và lớn lên ở miền quê sông nước Kiên Giang nhưng lại đam mê ẩm thực núi rừng, với khát vọng đưa món ăn Việt ghi dấu ấn trên bản đồ ẩm thực thế giới.

ẩm thực Tây Bắc Vương Anh (đứng thứ 3 từ trái sang phải) cùng đồng bào dân tộc Thái nấu ăn và múa điệu múa truyền thống của người Thái.

 Những tháng cuối năm 2017, cô đầu bếp trẻ sinh năm 1995 bắt đầu lên kế hoạch thực hiện chuyến đi khám phá ẩm thực Tây Bắc qua một số tỉnh như, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên… Hình ảnh Tây Bắc hùng vĩ và những món ăn được chế biến từ nguyên liệu núi rừng mộc mạc đều được cô ghi lại và đăng tải trên trang Youtube.com, với mục đích quảng bá sự phong phú của ẩm thực Việt Nam ra toàn thế giới. Qua góc nhìn của cô sinh viên đang học ngành đầu bếp tại Trường Le Cordon Bleu, Sydney (Úc), những nét đặc trưng của ẩm thực phía Bắc Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ và nhận được nhiều lời khen ngợi từ bạn bè

quốc tế.

Vương Anh chia sẻ, Tây Bắc được thiên nhiên ban tặng cho bầu không khí và nguồn nước vô cùng trong mát nên các loại rau, củ, quả ở đây nổi tiếng tươi ngon. Đó chính là nguồn cảm hứng để cô quyết định về nước thực hiện chương trình nấu ăn của riêng mình. Hình ảnh cô gái Việt với mái tóc đen truyền thống, mặc trang phục DTTS, rong ruổi qua các tỉnh miền núi trên chiếc xe motor là điểm nhấn khiến những video của Vương Anh không thể lẫn với bất kì chương trình ẩm thực nào.

Những gia vị đặc trưng ở vùng núi Tây Bắc như mắc khén, chẳm chéo có lẽ còn rất xa lạ với nhiều người Việt Nam. Nhưng tất cả đều được cô sử dụng một cách tinh tế, để mỗi món ăn là sự kết hợp giữa cũ và mới, giữa Á và Âu, trong cái lạ lại có cái quen.

ẩm thực Tây Bắc Phong cách nấu ăn độc đáo, sáng tạo của Vương Anh đã thu hút hàng chục nghìn lượt người theo dõi.

 

Mỗi món ăn cô đầu bếp trẻ thực hiện là sự kết hợp mới mẻ giữa những nguyên liệu truyền thống, sẵn có ở mỗi địa phương với công thức nấu ăn hiện đại mang hơi hướng châu Âu. Từ trái cam đặc sản của huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình), kết hợp với thịt vịt được đồng bào nuôi thả trên núi, Vương Anh đã sáng tạo ra món salad vịt sốt cam rất mới lạ. Hay từ nguyên liệu thịt bê nổi tiếng của huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), cô chế biến món gỏi cuốn thịt bê vô cùng tươi ngon khi được kết hợp với các loại rau củ xanh tươi của vùng đất này…

Không đơn thuần là giới thiệu món ăn, mỗi video còn là những thước phim về cảnh sắc thiên nhiên và nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, Mường, Dao… sinh sống tại các tỉnh Tây Bắc. Quá trình thực hiện món ăn luôn được Vương Anh khéo léo lồng ghép thông tin về đời sống, tập tục của các dân tộc.

Hình ảnh người đầu bếp nấu ăn giữa vườn cam Cao Phong lớn nhất Việt Nam; nướng chim bồ câu bên ngôi nhà đá cổ của dân tộc Mông ở Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên), hay nướng thịt cùng những cô gái Thái với những điệu múa, lời ca say đắm lòng người, chắc hẳn là trải nghiệm không phải đầu bếp nào cũng có được. Qua những hình ảnh đó, người xem có được cái nhìn chân thực nhất về một đất nước mà có thể họ mới biết qua báo, mạng.

Sự kết hợp độc đáo giữa hình ảnh Tây Bắc rực rỡ sắc màu và những điệu nhạc từ tiếng khèn, tiếng chiêng đã khiến cho mỗi video của đầu bếp trẻ Vương Anh thu hút hàng chục nghìn lượt xem, nhận được nhiều bình luận động viên và khen ngợi từ bạn bè quốc tế. Có thể nói, cách làm của Vương Anh đã mở ra hướng đi mới để ẩm thực Việt Nam ghi dấu ấn trên bản đồ ẩm thực thế giới, một cách nhẹ nhàng nhưng đầy hiệu quả.

HƯƠNG GIANG

Tin cùng chuyên mục
Hội thi quốc tế về những món ăn từ sâm dây Tu Mơ Rông

Hội thi quốc tế về những món ăn từ sâm dây Tu Mơ Rông

Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi, 21 đội đã mang đến Hội thi ẩm thực quốc tế và Xác lập kỷ lục Việt Nam về các món ăn độc đáo, mang hương vị riêng được chế biến từ sâm dây của núi rừng Ngọc Linh. Các hoạt động, sự kiện diễn ra tại Hội thi mang ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng tầm giá trị cây sâm dây, hướng đến sinh kế bền vững cho đồng bào Xơ Đăng từ việc phát triển diện tích cây sâm dây, loại dược liệu đặc trưng ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum).