Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Cô gái tày, Tạ như lê: Vẽ lại giấc mơ

PV - 15:09, 30/11/2018

Chị từng là thí sinh đoạt giải Nhì Cuộc thi “Nữ sinh thanh lịch” của Trường THPT Hàm Yên, cũng là sinh viên có số điểm đầu vào môn năng khiếu cao nhất, nhì Khoa Quản lý Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa. Thông minh, xinh đẹp và một tương lai rộng mở nhưng một tai nạn ập đến đã biến chị thành người tàn phế. Chị bị liệt nửa người, cuộc đời chị bị đẩy vào hố sâu tuyệt vọng. Thế nhưng bằng nghị lực sống mạnh mẽ đã giúp chị vẽ lại giấc mơ thuở nào. Chị là Tạ Như Lê, thôn 6 Thống Nhất, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang).

Giấc mơ bị đánh cắp

Chị kể về quá khứ một cách điềm tĩnh không một giọt nước mắt rơi. Ẩn sau giọng nói nhỏ nhẹ ấy tôi cảm nhận một nghị lực mạnh mẽ luôn vươn lên trước giông bão cuộc đời.

Ngay từ nhỏ Lê được thừa hưởng từ người mẹ giọng hát trong trẻo, tròn vành, rõ tiếng. Là cán bộ lớp năng động, học giỏi, Lê nhiều lần tự tin dành giải trong các cuộc thi “Nữ sinh thanh lịch” do Trường THPT Hàm Yên tổ chức. Với năng khiếu hát, múa, khả năng giao tiếp tiếng Anh lưu loát, thí sinh Tạ Như Lê đã để lại ấn tượng đặc biệt cho Ban Giám khảo. Nhận được nhiều lời động viên khích lệ và đó cũng là động lực để cô học trò nhỏ thi đỗ hai trường: Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Một mình đạp xe ngược xuôi học hai trường những mong về một tương lai tươi sáng. Ngày cô con gái xách va li xuống Hà Nội người mẹ nghèo nắm chặt lấy bàn tay nhỏ bé ấy gửi trao bao niềm hy vọng.

Tạ Như Lê Lớp học tiếng Anh của cô giáo Tạ Như Lê.

Cô tân sinh viên xinh xắn hào hứng bước vào môi trường học tập mới. Bạn bè cùng lớp luôn ấn tượng với cô gái Tày có điểm thi năng khiếu đầu vào cao nhất nhì Khoa. Lê năng động tham gia các hoạt động của trường lớp và làm cả gia sư kiếm tiền trang trải ăn học. Những tưởng cuộc sống bình lặng trôi qua, thế nhưng năm 1995 khi chị đang học năm thứ nhất đại học thì bị tai nạn giao thông cướp đi mọi ước mơ, dự định của chị. Nhận được tin dữ người mẹ tất tả xuống Hà Nội, bà đau xót khi nhìn đứa con gái bé bỏng bị hôn mê bất tỉnh, sự sống và cái chết cận kề. Nhờ sự nhiệt tình cứu chữa của các bác sĩ, sau hơn 20 ngày Lê hồi tỉnh nhưng do bị va đập mạnh dẫn đến chấn thương não và di chứng để lại là bị liệt nửa người. Lê gào khóc trong đau đớn tuyệt vọng khi không thể tự mình đứng lên và bước đi. Cảm giác tủi hờn, mặc cảm khiến chị thu mình lại đoạn tuyệt những mối quan hệ với người xung quanh kể cả mối tình đẹp với chàng trai Công an Hà Nội.

Không chấp nhận sự nghiệt ngã của số phận, chị chịu đựng cơn đau thể xác hành hạ ngày đêm cố gắng luyện tập. Chị cùng mẹ chạy chữa khắp nơi từ Hà Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, An Giang... và có lần sang tận Trung Quốc. Hễ cứ nghe ai mách ở đâu có thầy thuốc giỏi là hai mẹ con chị lại tất tả ngược xuôi. Bao nhiêu của nả trong nhà lần lượt “đội nón” ra đi nhưng căn bệnh vẫn không hề thuyên giảm.

Tháng ngày trôi qua, nuốt nước mắt vào trong, chấp nhận thân thể tật nguyền chị quyết định đến trường để thực hiện tiếp giấc mơ học đại học. Vì không còn khả năng múa, hát chị buộc lựa chọn sang Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Cuộc sống một sinh viên xa nhà đã khó khăn nay còn bị tàn tật thì càng vất vả hơn bội phần. Nghị lực mãnh liệt khiến cô gái Tày nhỏ bé luôn vững vàng trước bão tố cuộc đời.

Mở cánh cửa cuộc đời...

Ngày ấy, mọi sinh hoạt cá nhân Lê đều nhờ bạn bè giúp đỡ và di chuyển bằng chiếc xe lăn. Vì không muốn phiền phức mọi người nên ngày nào Lê cũng tự tập luyện, dần dần chị đi bằng cách nhảy lò cò 1 bên chân nhưng 4, 5 bước lại phải nghỉ vì các khớp đau tê dại. Cả lớp nể phục cô gái nhỏ tàn tật bởi sự chịu thương chịu khó, khả năng nói tiếng Anh lưu loát. Tốt nghiệp với tấm bằng loại khá, Lê “gõ cửa” khắp nơi tìm việc nhưng nhìn ngoại hình ai cũng ái ngại. Một thời gian sau chị may mắn được một công ty ở Hà Giang nhận về làm.

Công việc khá phù hợp làm giao dịch hướng dẫn, sắp xếp cho các đoàn du lịch nước ngoài. Năm tháng gắn bó mảnh đất Hà Giang, trái tim chị như hồi sinh khi quen và yêu một chàng trai ở gần phòng trọ. Những tưởng cập được bến bờ hạnh phúc nào ngờ chỉ sau kết hôn vài tháng, công ty giải thể, Lê bị thất nghiệp. Đó cũng chính là nguyên nhân người chồng đánh đập, hành hạ người vợ “ăn bám”. Do ảnh hưởng của sinh nở nên bệnh tình lại càng nặng hơn, có lúc chị nằm bất động chỉ biết ôm con mà khóc. Người chồng ruồng rẫy gia đình và tìm đến người phụ nữ khác. Bão tố cuộc đời lại tiếp tục đổ xuống đầu người đàn bà nhỏ bé ấy. Chị lại ôm cô con gái 1 tuổi trở về quê nương tựa vào tấm thân gầy của mẹ. Bạn bè hàng xóm gom góp dựng lại căn nhà cấp 4 cho mấy mẹ con chị. Tình người ấm áp ấy là cội nguồn sức mạnh để Lê nỗ lực vươn lên.

Tạ Như Lê Chị Tạ Như Lê (người ngồi ghế), thôn 6 Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) hướng dẫn học sinh học tiếng Anh qua internet.

Lê xuống Hà Nội nhận dạy tiếng Anh cho 1 công ty xuất khẩu lao động một thời gian. Để tiện việc chăm sóc con, chị trở về nhà và mở một quán tạp hóa nhỏ ven đường. Nhờ uy tín nên nhiều người có ý định xuất khẩu lao động đều tìm đến Lê để học thêm tiếng Anh. Không chỉ giảng dạy, chị chủ động liên hệ các công ty và giúp nhiều người xuất ngoại. Anh Lê Văn Minh, thôn 1 Thống Nhất, xã Yên Phú cho biết: “Gia đình tôi có em trai được chị Lê dạy tiếng Anh, giới thiệu và liên hệ công ty uy tín đi xuất khẩu lao động. Hiện nay em đã có công ăn việc làm ổn định”.

Nhiều học sinh cũng tìm đến nhà cô giáo Lê để được phụ đạo thêm môn ngoại ngữ. Lê có cách dạy rất dễ hiểu, đưa ra hình ảnh minh họa, dẫn chứng sinh động qua mạng internet nên việc làm quen các cấu trúc khô khan trở nên dễ dàng với các học sinh miền núi. Ban đầu chỉ có 4, 5 em quanh xóm rồi dần dà lớp học tăng lên 20, 30, 40 học trò. Có lần nhìn thấy cô bé người Dao áo quần lem luốc lấp ló đứng ngoài lớp học, hỏi ra mới biết em tên là Trần Thị Ly ở tận Yên Lâm muốn học tiếng Anh nhưng gia đình không có tiền. Biết sự tình, Lê mỉm cười gọi cô bé vào học cùng các bạn. Chị cười bảo: “Lớp học mở ra không thu tiền học sinh nghèo, các em gia đình khá giả thì bố mẹ ủng hộ bao nhiêu thì tùy. Trước đây nhiều người cũng giúp mình, giờ mình bỏ thời gian dạy các cháu kiến thức thì mình chẳng nề hà gì”.

Đa số các học sinh theo học lớp cô giáo Lê đều tiến bộ rõ rệt. Em Đinh Thị Nhung, học sinh lớp 8, Trường THCS Yên Hương cho biết, ngoài giờ học ở lớp, Nhung được cô giáo Lê kèm cặp hướng dẫn tận tình môn tếng Anh. Nhờ đó, trong các cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh, Nhung đều dành được giải. Em Nguyễn Văn Hùng, lớp 6, Trường THCS Yên Hương hồ hởi khoe: “Do ở cấp tiểu học em không chú trọng môn Tiếng Anh nên bị “mất gốc”, lên lớp 6 nhiều lần thầy giáo gọi lên bảng rất xấu hổ vì điểm kém. Từ khi được cô Lê phụ đạo, em đã hiểu và nắm vững được kiến thức cơ bản. Tổng kết năm học này, riêng môn ngoại ngữ em được 8,5 điểm”. Vào dịp hè học sinh đông lắm, có lúc chị phải mở 7 lớp học cho 70 học sinh từ lớp 3 đến lớp 9. Nhiều lần vào cuối mỗi buổi dạy đôi chân như tê nhức, cổ họng đau rát thế nhưng nhìn thấy sự tiến bộ của các học trò, chị lại có thêm động lực để cống hiến.

Do cuộc sống khá chật vật, vào thời gian nhàn rỗi, Lê còn bán online các mặt hàng gia dụng, quần áo. Chị cũng có duyên bán hàng nên khách đặt hàng khá đông. Chị kể, khách bây giờ đều muốn ship (chuyển hàng) tận nơi, mình tật nguyền thế này cũng khó lắm. Có hôm chị liều nhảy lên chiếc xe đạp điện để đưa hàng đến tận thị trấn Tân Yên. Vừa đi vừa run, chị thầm trấn an tinh thần và chắc chắn đó là lần cuối cùng chị liều lĩnh như thế! Giờ cố xoay xở mua được chiếc xe ba bánh để dễ dàng mưu sinh nuôi con ăn học thành tài. Chị khoe, cô con gái Hoàng Phương Thảo, 9 tuổi là niềm tự hào của chị. Cô bé học giỏi, có năng khiếu hát múa. Rồi chị cho tôi xem những tấm ảnh nhận giải thưởng, học bổng, clip biểu diễn văn nghệ của bé Phương Thảo, đôi mắt chị ánh lên niềm tự hào.

Tháng 4 vừa qua, chị vinh dự được đi dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V tại Hà Nội. Ở đó chị được gặp những số phận cùng cảnh ngộ, chị bảo: “Cứ ngỡ mình bất hạnh nhưng nhiều người còn khổ hơn mà họ vẫn vươn lên làm được những điều phi thường”. Tôi tin điều chị nói, bởi chị đã vượt qua sóng gió cuộc đời, nhân lên những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

GIANG LAM

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.