Anh Nguyễn Hà Thiên đã làm thành công trong sản xuất phân hữu cơ từ lông gàNăm 2021, Nguyễn Hà Thiên nhận lời thu gom lông gà cho một thương lái ở Cần Thơ để xuất khẩu sang Trung Quốc. Ban đầu, công việc thuận buồm xuôi gió, nhưng không lâu sau đó, đối tác bắt đầu ép giá. Lô hàng tồn kho không thể bán, anh Thiên đứng trước ngã rẽ giữa buông xuôi hay tìm một hướng đi mới.
Trong những ngày loay hoay tìm đầu ra, anh mang số lông gà còn lại đi chào bán cho các nhà vườn trồng quất, mai, rau sạch ở Hội An. Bất ngờ thay, nhiều người đón nhận và sử dụng như một loại phân bón bổ sung đạm cho cây. Chính từ những cuộc trò chuyện với nhà vườn, anh bắt đầu tìm hiểu sâu về công dụng của lông gà.
“Lông gà giàu đạm thật đấy, nhưng nếu để nguyên thì lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ tạo vi khuẩn, mùi hôi, thậm chí gây nóng rễ, hại cây trồng. Vì vậy, mình quyết chí tìm tòi để tạo ra sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình”, Thiên nhớ lại.
Nghĩ là làm, anh Thiên bắt đầu thử nghiệm với nhiều cách ủ phân khác nhau. Lần đầu, anh cho sấy khô rồi nghiền lông gà thành bột. Nhưng lông gà chứa nhiều protein khiến nhiệt độ cao sẽ sinh khí biogas mà vẫn không khử được ẩm. Lần này anh coi như thất bại.
Không nản lòng, anh tiếp tục thử cách ủ lông gà theo phương pháp truyền thống – dùng tro, trấu, cám gạo trộn với men vi sinh. Lần này, thành phẩm có nhiều vi sinh có lợi, giúp cải tạo đất, nuôi rễ. Nhưng mùi hôi lại là rào cản khiến sản phẩm khó tiếp cận thị trường.
Lông gà sau khi thu mua được anh Thiên ủ theo công thức riêng trong khoảng từ 30- 50 ngày.Vạn sự khởi đầu nan, Thiên tiếp tục dành thời gian tìm hiểu trên mạng xã hội những thông tin bổ ích cho những lần thử nghiệm tiếp theo của mình. Dù đã thử rất nhiều cách nhưng vẫn khó thành, cứ hư thì làm lại. Nhiều lúc bạn bè và gia đình can khuyên nhưng anh vẫn quyết tâm với hành trình của mình.
Một lần may mắn anh tìm thấy thông tin người nông dân dùng trấu, bột cám gạo trộn vào phân chuồng rồi ủ cho hoai mục để bón lúa. Anh đã thử vận dụng để ủ lông gà thành phân hữu cơ.
Lông gà được làm ráo nước, sau đó trộn cùng trấu, bột cám và các loại men vi sinh. Thiên đã thử nghiệm nhiều lần với các tỉ lệ nguyên liệu và loại men khác nhau để tìm ra công thức sao phù hợp nhất.
Theo anh Thiên, hỗn hợp đạt chuẩn khi lông gà chiếm khoảng 70%, phần còn lại gồm trấu, cám gạo và men vi sinh. Sau khi trộn đều, anh tiến hành ủ từ 30 đến 50 ngày để lông gà hoai mục hoàn toàn. So với phương pháp sấy khô, cách ủ truyền thống này giúp giảm đến 80% mùi hôi khó chịu.
Khi hỗn hợp đã đạt độ hoai mục, anh để khô tự nhiên, sau đó đưa vào máy nghiền mịn rồi nén thành dạng viên. Qua thực nghiệm, phân hữu cơ từ lông gà giúp cây trồng phát triển vượt trội, đặc biệt là tăng năng suất và sức đề kháng cho cây.
Theo anh Thiên, không chỉ nuôi cây, phân hữu cơ từ lông gà còn giúp hồi sinh đất xấu. Loại phân này kích thích sự phát triển của giun đất – một yếu tố quan trọng trong việc làm tơi xốp, cải tạo đất canh tác.
Tuy vẫn còn một chút mùi khi rải trực tiếp lên bề mặt, nhưng chỉ sau khoảng 4 giờ tiếp xúc với không khí, mùi hôi sẽ hoàn toàn biến mất. Để đạt hiệu quả tốt nhất, người dùng nên xới đất lên, rải phân rồi lấp đất lại – anh Thiên chia sẻ.
Sản phẩm phân bón từ lông gà của anh Thiên đã được tiêu thụ ở thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng và khu vực Tây Nguyên.Hiện nay, xưởng sản xuất phân hữu cơ của Thiên đặt tại vùng quy hoạch cụm công nghiệp của xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên), được đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng với quy trình khép kín. Mỗi ngày, anh thu mua trung bình 1,7 tấn lông gà từ khoảng 30 lò mổ tại Đà Nẵng và Quảng Nam.
Từ nguyên liệu ấy, mỗi tháng anh cho ra lò 30 – 50 tấn phân viên nén, cung ứng đều đặn cho các trang trại trồng mai, quất và rau sạch khắp miền Trung và Tây Nguyên. Doanh thu đạt trên 200 triệu đồng mỗi tháng, sản phẩm phân hữu cơ của cơ sở anh luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Ngoài ra, cơ sở của gia đình anh Thiên còn tạo công ăn việc làm cho một số lao động ở địa phương với thu nhập ổn định.
Anh Thiên dự định trong năm tới sẽ đầu tư thêm hệ thống sấy cách nhiệt, và mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
“Phân hữu cơ từ lông gà không chỉ cung cấp đạm cho cây mà còn giúp đất tơi xốp, tăng vi sinh có lợi. Điều mình vui nhất là biến một thứ vốn gây ô nhiễm thành sản phẩm có ích cho nông nghiệp sạch. Hiện nay, đầu ra của phân bón ổn định, nhiều người ưa chuộng vì giá thành phải chăng, lại có nhiều công dụng", anh Thiên chia sẻ.