Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Cô gái Tày và hành trình đánh thức giá trị mây, tre

PV - 10:09, 05/06/2019

Từ đôi bàn tay khéo léo của người nông dân Tày, những chiếc thìa, dĩa nhỏ xinh; cốc chén tiện dụng; giỏ, làn, khay lạ mắt… ra đời. Sản phẩm thân thiện với môi trường đã “vươn xa” đến Hà Nội, Lai Châu, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh… Đó là thành quả của cô gái trẻ Trịnh Thị Thảo (sinh năm 1989) với ý tưởng khởi nghiệp và hành trình nỗ lực đánh thức giá trị sản phẩm từ mây, tre...

Chị Trịnh Thị Thảo (người ngồi giữa), Giám đốc Hợp tác xã mây tre đan Nhật Minh thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) cùng các thành viên Hợp tác xã và người dân Nà Kẹm làm các sản phẩm thủ công từ mây tre. Chị Trịnh Thị Thảo (người ngồi giữa), Giám đốc Hợp tác xã mây tre đan Nhật Minh thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) cùng các thành viên Hợp tác xã và người dân Nà Kẹm làm các sản phẩm thủ công từ mây tre.

“Lội ngược dòng”

Tôi biết Trịnh Thị Thảo và những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hợp Tác xã Nhật Minh qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube. Cô gái trẻ sinh năm 1989 thường xuất hiện duyên dáng với cặp kính cận hiện đại và bộ trang phục Tày truyền thống. Cách quảng bá sản phẩm của Thảo cũng khá hấp dẫn với những khuôn hình ấn tượng. Đó là cách sắp xếp hài hòa, sáng tạo giữa những chiếc cốc tre, thìa tre, bát tre, đũa cau, giỏ xách, khay đựng… khiến người xem thích thú.

Và khi gặp ngoài đời, Thảo vẫn mặc bộ trang phục Tày quen thuộc. Câu chuyện đầu tiên em chia sẻ như một lời thú nhận dễ thương. Thảo nói: “Cách đây mấy năm em là con người khác. Ít mặc đồ Tày, không biết gì về đan lát hay thủ công mỹ nghệ”. Thảo đã tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán tổng hợp, Trường Trung cấp xây dựng Hà Nội và ngành Kế toán Doanh nghiệp, Trường Cao đẳng Tài chính Thái Nguyên. Biết bao dự định nơi phố thị phồn hoa, những va vấp nhỏ đầu đời giúp em nhận ra quê hương là chỗ dựa bình yên nhất.

23 tuổi, Thảo trở thành một cán bộ công tác tại xã nhà. Gắn bó với nơi “chôn nhau cắt rốn”, khát vọng được cống hiến, làm điều gì đó cho quê hương cứ thôi thúc cô gái nhỏ. Thảo bảo, ngay từ bé em đã thấy các hộ dân trong bản tự làm nhiều vật dụng bằng mây, tre... Sản phẩm bền đẹp, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, suốt bao năm “cơn bão” sử dụng đồ nhựa, inox tràn về khắp bản làng đã làm mai một đi nghề truyền thống. Vậy là, ý tưởng “lội ngược dòng” khôi phục lại làng nghề bắt đầu nhen nhóm.

“Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”, câu nói là kim chỉ nam giúp Thảo kiếm tìm và gặp gỡ những người bạn cùng chung ý tưởng: Hoàng Văn Tuyên, Quan Văn Tuân, Nguyễn Văn Giang, Chẩu Văn Dụ… Đấy là những thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết, quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương. Ban đầu, nhóm bạn thử nghiệm làm các sản phẩm quen thuộc như: Cốc, ấm, chén, khay, túi xách. Mặt hàng được trưng bày, giới thiệu tại các homestay xã Khuôn Hà, Lăng Can và nhận được những phản hồi tích cực từ khách du lịch. Người suýt xoa, người trầm trồ thích thú những chiếc cốc, thìa, dĩa bằng tre, giỏ xách bằng cây tế, đũa bằng thân cau… Sau khi thăm dò thị trường thành công, nhóm bạn bắt đầu với ý tưởng khởi nghiệp và tạo ra thu nhập từ tiềm năng sẵn có của quê hương.

Các thành viên Hợp tác xã mây tre đan Nhật Minh thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) thực hiện công đoạn định hình sản phẩm. Các thành viên Hợp tác xã mây tre đan Nhật Minh thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) thực hiện công đoạn định hình sản phẩm.

Biến ý tưởng thành hiện thực

Những ngày đầu, nhiều người Tày ở Nà Kẹm được thuê “làm công ăn lương” ngay tại bản, ai nấy đều bất ngờ, háo hức. Phụ nữ khéo léo thì đan giỏ, làn, túi xách… còn đàn ông thì cần mẫn đục đẽo, mài giũa, tạo hình những chiếc cốc tre, bát, ấm chén, thìa dĩa… Hợp tác xã luôn gắn hoạt động với thiên nhiên, khai thác thiên nhiên xung quanh mình theo hướng bền vững.

Để các sản phẩm làm ra được trau chuốt, có độ thẩm mỹ cao, các thành viên Hợp tác xã đích thân đi tận các làng nghề tại Thái Nguyên, Thanh Hóa… để học hỏi. Điều mọi người nhận ra đó chính là, muốn phát triển thì cần nắm bắt kịp xu thế, ứng dụng máy móc vào sản xuất. Theo đó, nhóm đã huy động số tiền hơn 100 triệu đồng để đầu tư mua máy khắc, máy chà, máy cắt…

Có máy móc, năng suất sản phẩm tăng cao, mẫu mã đa dạng, bắt mắt. Những chiếc cốc, bát, bộ ấm chén trở nên mịn màng, thanh thoát; thìa, dĩa, ly, gáo múc rượu, chõ xôi… trở nên nhỏ nhắn, đường nét mềm mại. Tuy nhiên, nhiều công đoạn vẫn được xử lý qua đôi bàn tay người thợ để tạo nên “hồn cốt” của sản phẩm. Đó chính là sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, giữa cái mới và cái cũ. Điều này khiến hành trình Thảo đi chào hàng, mở rộng thị trường trở nên dễ dàng hơn.

Cô giám đốc 8x chia sẻ: “Em thường xuyên giới thiệu mặt hàng ở các homestay và hội chợ trong tỉnh. Đặc biệt ở thời đại công nghệ 4.0 việc quảng bá, mua bán thuận tiện hơn, gói gọn trong chiếc máy tính và điện thoại. Từ những khuôn hình sản phẩm bắt mắt, nhiều đại lý gọi mẫu, chủ động đặt hàng online. Thị trường cứ thế mở rộng tại Hà Nội, Lai Châu, Sơn La, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh…”. Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã cung cấp cho thị trường từ 1.800 đến 2.300 sản phẩm các loại, đem lại doanh thu hơn 50 triệu đồng. Tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương trung bình từ 3-4 triệu đồng/tháng.

Để khai thác tối đa lợi thế, Hợp tác xã không dừng ở việc sản xuất sản phẩm mà còn mở hướng mô hình kinh doanh gắn với du lịch. Giờ đây xưởng sản xuất được đặt ngay tại mô hình homestay gia đình anh Hoàng Văn Tuyên. Khách vừa được nghỉ ngơi, vừa trải nghiệm, tự tay làm các sản phẩm từ tre như: Cốc, chén, thìa, dĩa… Từ đầu năm 2019 đến nay, Hợp tác xã đã đón được gần 100 lượt khách đến thăm quan, trải nghiệm, mua sắm.

Mô hình khởi nghiệp của cô gái trẻ 8x bước đầu đã gặt hái những thành công. Khi nói về khó khăn hiện tại, Thảo bày tỏ: “Tất cả các sản phẩm không qua ngâm tẩm, xử lý hóa chất, đó là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu. So với đồ dùng nhựa thì các đồ dùng từ mây, tre khó có thể sánh về độ bền. Giải pháp đưa ra là đầu tư công nghệ hấp cacbon và lò sấy chuyên dụng. Vì vậy, điều chúng em mong muốn là có được sự hỗ trợ nguồn vốn của địa phương để chuyên nghiệp hóa trong dây chuyền sản xuất. Từ đó đảm bảo tính thẩm mỹ, tăng độ bền, nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Những ngày gần đây cô Giám đốc trẻ nhận tin vui: Thảo vinh dự được lựa chọn trình bày Dự án mây tre đan tại Chương trình Phụ nữ nông thôn khởi nghiệp do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Hoạt động mang đến những bước tiến trong việc phát triển và quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước. Xin chúc cho giấc mơ làm giàu từ tre nứa quê hương của cô gái Tày có nhiều cơ hội để bay xa hơn.

GIANG LAM

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.