Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Cô giáo Minh với hành trình 30 năm bám bản

Trọng Bảo - 14:10, 23/02/2021

Hơn 30 năm, kể từ ngày ra trường, nhận công tác, là từng ấy thời gian, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh bám bản khó khăn, xa xôi nhất của thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng (Lào Cai), với mong muốn được tự tay chăm sóc dạy dỗ, chia sẻ khó khăn với trẻ em DTTS.

 Cô giáo Minh với công việc hằng ngày ở điểm trường mầm non.
Cô giáo Minh với công việc hằng ngày ở điểm trường mầm non.

Năm nay, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh bước sang tuổi 55, thì đã có hơn 30 năm miệt mài với việc dạy dỗ chăm sóc trẻ em ở các thôn, bản vùng cao thị trấn Phong Hải. Kể về lý do khiến cô gắn bó với sự học nơi đây, cô giáo Minh chia sẻ, khi cô xung phong lên dạy học ở phân hiệu mầm non thôn Sảng Pả, thì đây là thôn xa và khó khăn nhất của thị trấn Phong Hải.

Trong thôn, có một bản nằm tít tận trên núi cao, với 9 gia đình sinh sống. Trong đó, có những gia đình nghèo đến mức cả nhà 7 người chỉ có một cái chõng; có gia đình mái nhà chỉ là tấm bạt để che khi mưa nắng. Đường lên bản chỉ là con đường mòn luồn lách qua khe đá, đi bộ 3 tiếng đồng hồ mới đến được thôn.

Cũng chính vì vậy mà, những đứa trẻ tuổi mầm non nơi đây không được đến lớp mà phải ở nhà theo bố mẹ lên nương... Nhìn những đứa trẻ không được đi học, ăn thì bữa đói bữa no, cô không cầm được nước mắt, quyết tâm, phải đưa bằng được các cháu về điểm trường để học tập.

“Cũng chẳng nhớ nổi mình đã phải đi bao lần lên bản để vận động cha mẹ bọn trẻ cho con đi học, có những lần trượt chân ngã bật cả máu đau thấu xương, nhưng vì các con tôi chẳng nản lòng. Để cha mẹ chúng đồng ý, tôi đã hứa là Nhà nước và cô giáo sẽ nuôi các em ăn học, các gia đình không phải đóng góp gì cả…”, cô nhớ lại.

Vận động đưa được các cháu xuống núi đi học, thì khó khăn lại xuất hiện, phân hiệu Mầm non không có chỗ cho các cháu ở. Cô Minh đã chủ động báo cáo với Ban Giám hiệu nhà trường và thông báo đến các phụ huynh, cô sẽ đưa các cháu về nhà mình ở. Khi đó, bố mẹ các cháu phấn khởi lắm và bảo “Có cô giáo rồi thì không lo gì nữa”, và thống nhất để con ở lại nhà cô giáo đi học, cuối tuần mới đón con về.

“Những ngày đầu tiên đi học, phải xa bố mẹ, các con khóc làm tôi nước mắt cũng rớt theo. Nhìn cháu nào cháu ấy mặt mũi nhem nhuốc, đầu tóc bù xù, quần áo bẩn thỉu trông đến tội. Tôi động viên, an ủi, tạo tâm thế thoải mái cho các cháu yên tâm”.

Để kịp thời gian lo cho các em học sinh, mỗi sáng tinh mơ, cô Minh đã phải dậy để nấu cơm cho các cháu ăn, đưa các cháu đi học cách nhà 6km. Chiều tan học, cũng là tan giờ làm, cô đưa các cháu về nhà, chăm sóc tắm giặt, nấu cơm cho chúng ăn.

Rồi thời gian cũng làm cho những đứa trẻ quen dần với môi trường mới. Cô cũng dần được nhiều phụ huynh, đồng nghiệp tin tưởng, yêu mến gọi là “mẹ của những đứa trẻ người Mông”.

Theo lời cô Minh kể, những năm trông nuôi bọn trẻ, sáng cô phải dậy sớm hơn, tối phải thức khuya hơn, công việc hằng ngày dồn hết tới cuối tuần làm, để dành thời gian chăm sóc chúng. Cô không hề thấy mệt mỏi, mà còn thấy vui mỗi khi có trẻ con bên cạnh. 5 năm qua, ngoài số tiền ăn trưa được Nhà nước hỗ trợ, thì bữa sáng và bữa tối, tiền quần áo, đồ chơi, bỉm, sữa, bánh kẹo... cho lũ trẻ, cô Minh đều phải chắt chiu từ chính đồng lương ít ỏi của mình và những tấm lòng hảo tâm. Cô không yêu cầu phụ huynh phải đóng góp bất cứ thứ gì, chỉ mong các cháu khỏe mạnh được đến trường, đi học đầy đủ.

Qua câu chuyện với cô Minh, chúng tôi được biết, hoàn cảnh gia đình cô cũng rất éo le. Năm 2010, chồng cô bị tai biến qua đời. Chồng mất sớm, cô vừa công tác ở vùng cao, vừa tần tảo nuôi 2 con ăn học . Hiện tại, cô ở trong căn nhà nhỏ tại thị trấn Phong Hải bên cạnh là 4 đứa trẻ cô nhận trông nuôi…

“Sống với các con quen rồi, nên chiều thứ Sáu hằng tuần, bọn trẻ về nhà với bố mẹ chỉ còn một mình, những lúc ấy tôi lại rớt nước mắt vì nhớ chúng”, cô Minh tâm sự.

Do tuổi cao và đã có 30 năm bám bản dạy học, không ít lần Ban Giám hiệu Nhà trường đề xuất để cô về dạy ở trường chính cho đỡ vất vả, nhưng cô Minh luôn từ chối, tình nguyện đi đến các điểm trường xa xôi với mong muốn được sẻ chia những khó khăn và dạy học cho những trẻ em vùng cao. 

Trong các năm học từ 2016 đến năm 2020, cô Minh nhận nuôi tổng số 19 em học sinh mầm non. Trong đó, có 10 cháu từng ở với cô giáo Minh đã lên học tiểu học. Năm học 2020 - 2021 này cô nhận nuôi 4 cháu, trong đó có 1 cháu 2 tuổi, 3 cháu 4 tuổi.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.