Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Cơ hội lớn cho tiêu thụ hàng Việt từ thị trường sản phẩm Halal

Minh Thu - 05:27, 19/07/2024

Hiện nay, thị trường Trung Đông - nơi tập trung đông người Hồi giáo đang được các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam quan tâm và xây dựng các phương án tiếp cận. Nhận thức rõ tiềm năng của thị trường Trung Đông, từ đó thúc đẩy các sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông sản Halal (sản phẩm dành cho người Hồi giáo) vào khu vực Trung Đông với các doanh nghệp Việt Nam là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Việc xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm, dịch vụ Halal Việt Nam là việc làm cần thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Việc xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm, dịch vụ Halal Việt Nam là việc làm cần thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Cơ hội lớn từ thị trường Trung Đông

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, trên thị trường thế giới hiện có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm Halal, nhất là nông sản. Đây là cơ hội lớn cho việc tiêu thụ hàng Việt Nam khi khai thác thị trường tiềm năng này.

Việt Nam có nhiều cơ hội sản xuất và xuất khẩu thực phẩm Halal nhờ vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trong Nhóm công tác ASEAN về Thực phẩm Halal cũng tạo cơ hội kết nối Việt Nam với các thị trường châu Á.

Phạm Hoài LinhPhó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương

Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á, châu Phi, Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương thông tin, sản phẩm Halal mang lại lợi ích cho sức khỏe, môi trường nên hiện nhu cầu về mặt hàng này không chỉ phổ biến với những người theo đạo Hồi mà ngày càng nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… cũng ưa chuộng. Mặc dù giá cao nhưng người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho sản phẩm Halal. Vì thế, giá bán sản phẩm Halal cao hơn từ 5 - 10% so với sản phẩm thông thường.

Trong khi nhu cầu thế giới tăng cao, Việt Nam lại là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng phù hợp với nhu cầu của người Hồi giáo như gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá…

Đặc biệt, việc hợp tác giao thương với các nước trong khu vực Đông Nam Á trong chế biến, xuất khẩu sẽ giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu sản phẩm Halal sang các nước Trung Đông. Từ đó mở cánh cửa thâm nhập thị trường thế giới.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương Phạm Hoài Linh, Việt Nam có nhiều cơ hội sản xuất và xuất khẩu thực phẩm Halal nhờ vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trong Nhóm công tác ASEAN về Thực phẩm Halal cũng tạo cơ hội kết nối Việt Nam với các thị trường châu Á.

“Do khó khăn trong trồng trọt canh tác nông nghiệp nên Ả Rập Xê-út có nhu cầu nhập khẩu trên 90% các loại hàng hóa như: gạo, các loại rau, củ, quả tươi, các loại hạt, gia vị; hàng thủy sản tươi và đóng hộp... Chính vì vậy, thị trường sản phẩm Halal rất tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác” - ông Phạm Hoài Linh chia sẻ.

Thị trường Hồi giáo đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động kinh doanh.
Thị trường dành cho người Hồi giáo đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động kinh doanh.

Hướng tới thị trường tiềm năng

Nêu một số lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường Ả Rập Xê-út, ông Trần Trọng Kim, Bí thư thứ nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả Rập Xê-út cho biết, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường, quy định của nước sở tại về quản lý chất lượng và vệ sinh An toàn thực phẩm, chủ động gửi mẫu sản phẩm quảng bá, trưng bày tại thương vụ và Đại sứ quán Việt Nam.

“Xu thế hiện nay Ả Rập Xê-út đang hướng tới cuộc sống xanh, lành mạnh và phát triển môi trường bền vững. Những sản phẩm organic, thân thiện với môi trường bắt đầu được đánh giá cao và đang có nhu cầu trong thời gian tới. Do đó các doanh nghiệp cần nghiên cứu sản xuất theo hướng này để gia tăng giá trị xuất khẩu. Đồng thời, cần xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình bên cạnh việc bán hàng, đóng bao bì, in nhãn mác theo yêu cầu của nhà nhập khẩu…” - ông Trần Trọng Kim khuyến nghị.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù thị trường Halal rộng lớn nhưng để khai thác tối ưu thị trường này, doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm bắt những tập quán kinh doanh, quy định thương mại... để có thể tiếp cận thị trường Halal.

Như chia sẻ của chuyên gia tư vấn xây dựng chất lượng thực phẩm Halal Lê Châu Hải Vũ, doanh nghiệp cần chủ động đăng ký chứng nhận Halal và các tiêu chuẩn quốc gia phù hợp định hướng phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời sản xuất sản phẩm đạt các yêu cầu tiêu chuẩn Halal, hình thức bao bì mẫu mã phù hợp với văn hóa và tập quán, thói quen tiêu dùng của thị trường.

Ở một góc nhìn khác, Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Mydin Norman Rajen ABDullah, Malaysia cho rằng, để hàng hóa, sản phẩm Halal Việt Nam có mặt tại hệ thống siêu thị Mydin tại Malaysia, việc đầu tiên sản phẩm phải có chứng nhận phù hợp. Doanh nghiệp phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận cho phù hợp.

“Để đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình thâm nhập thị trường Halal trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Singapore sẽ tổ chức gian hàng tại một số hội chợ Halal quy mô lớn tổ chức ở nước sở tại. Qua đó, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt với các nhà nhập khẩu lớn của Singapore” - ông Dũng chia sẻ.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nguồn lực phát triển thị trường sản phẩm Halal, Bộ Công Thương hiện đang xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal. Cùng với đó, nguồn lực từ Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia cũng là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại với thị trường sản phẩm Halal nói chung, thị trường châu Phi - Trung Đông nói riêng.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, chi tiêu cho thực phẩm Halal trên thế giới đang tăng nhanh từ 1.400 tỷ USD của năm 2020 lên 1.900 tỷ USD vào năm 2030, dự kiến sẽ đạt gần 5.000 tỷ USD vào năm 2050. Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người là thị trường xuất khẩu tiềm năng của sản phẩm Halal, tổng giá trị lên đến 470 tỷ USD. Trong đó, riêng khu vực Đông Nam Á là 230 tỷ USD, Nam Á và Nam Thái Bình Dương là 238 tỷ USD.








Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.